“Ném đá” thị phi

ANTĐ - Từ chỗ buôn dưa lê vỉa hè, tụm ba túm năm thì thào như buôn bạc giả, những lời lẽ thị phi, đố kỵ, ghen ăn tức ở của đời thực vô tư được văn tự hóa rồi đi vào cuộc sống của cộng đồng mạng. Hãy xem cơn bão “ném đá” làm dậy sóng dư luận nhiều ngày qua đối với hai sự việc đều liên quan đến học sinh và con trẻ.

1. Cơn bão “ném đá” các em học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé đề cương môn lịch sử khi biết môn này không nằm trong 6 môn thi tốt nghiệp. Phải nói ngay rằng, hành động này phản cảm, cần phê phán. Nhưng có đến mức cộng đồng mạng phải sôi sục, phẫn nộ, lên án gay gắt, quy kết các em là “xé lịch sử dân tộc”, là “bắn vào quá khứ…” hay không? Thực chất đó chỉ là sự bột phát vui mừng quá mức của các em khi không phải thi môn lịch sử.

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục , Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: “Học sinh xé đề cương môn lịch sử chỉ là bồng bột”. GS Văn Như Cương cho rằng : “Tôi không nghĩ lớp trẻ thù môn lịch sử đến thế”. Trên một số phương tiện truyền thông, GS Phan Huy Lê phát biểu: “Thẳng thắn mà nói, nếu là học sinh tôi cũng chán môn sử như các em”. Vậy tại sao trước sự việc này, nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng chỉ tập trung “ném đ” túi bụi với những lời lẽ không thương tiếc nhằm vào các em mà không nói đến trách nhiệm của người lớn, các ngành có liên quan trong sự việc này. Tại sao các em không thích học môn lịch sử? Tại sao môn lịch sử bị xem là “tử thần” với kết quả cả nghìn điểm 0 trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông? Tại sao tới lớp 4 mới bắt đầu có sách giáo khoa lịch sử? Tại sao cách dạy sử khô cứng, phải thuộc lòng máy móc hàng trăm sự kiện, hàng trăm cái tên, hàng trăm con số mãi không sao cải cách được?...

2. Cậu bé Đỗ Nhật Nam mới 11 tuổi đang bị cộng đồng mạng gồm hầu hết là những người trưởng thành, không ít trong số đó là phụ huynh học sinh “ném đá”không thương tiếc chỉ vì những câu trả lời của em trong Ngày hội sách TP.HCM tháng 3 vừa qua. Nam trả lời phỏng vấn rằng: “Em thích đọc sách về tin học, chính trị, xã hội và khoa học”, “Em không thích đọc truyện tranh vì mẹ em bảo truyện tranh là  con sâu đục phá tâm hồn”, “Em sẽ là giáo sư Đại học Staford…”.

Cho rằng đó là những lời lẽ kiêu ngạo, không lễ phép, trả lời không đúng với tư duy của một cậu bé mới 11 tuổi, thế là cộng đồng mạng nổi lên cơn bão “ ném đá”, lên án, quy kết rồi khuyên bố mẹ em nên thay đổi để em “giống như người bình thường”. Họ đã không thấy những điều tốt đẹp ở Đỗ Nhật Nam. Một cậu bé mới 7 tuổi đã đạt điểm tuyệt đối chứng chỉ Starters và Movers của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh). 11 tuổi ra mắt cuốn tự truyện đầu tay “Tôi đã học Tiếng Anh như thế nào”. Đỗ Nhật Nam còn là MC của chương trình Chúc bé ngủ ngon, Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé; em còn tham gia dạy học thiện nguyện tại khoa Ung bướu Viện nhi Trung ương, vận động quyên góp ủng hộ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ… Những thành tích ấy không phải bất cứ người lớn nào cũng đạt được. Tài năng thường vẫn có những chuyện khác người. GS Ngô Bảo Châu 11 tuổi ngày nào cũng đam mê học với các thầy giỏi đến tận khuya, cha mẹ khuyên nghỉ ngơi cũng không được. Và sự đam mê khác người ấy đã giúp Ngô Bảo Châu vươn tới đỉnh cao toán học… Nếu cậu bé Nam có hơi thiếu khiêm tốn một chút thì cũng không đáng bị “ném đá” một cách không thương tiếc như vậy.

“Ném đá” thị phi như thế gây tổn thương tâm hồn con trẻ. Nhưng làm sao mà đóng cổng được với những thị phi và những cuộc “ném đá”  phản cảm, rất thiếu văn hóa trên cộng đồng mạng? Khó đấy! Nhưng ở đây, chúng ta cần hiểu rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mỗi người khi tham gia cộng đồng mạng.