Lỗi lầm và sự sám hối

ANTĐ - “Em cứ về với các con. Chúng luôn thương và rất cần em. Tôi bỏ qua tất cả. Em hãy vì chúng mà trở về. Em về đúng vai trò một người mẹ, sẽ coi như không có chuyện gì xảy ra”.

Tôi không sao nén được cảm xúc khi đọc mẩu tin nhắn của Hữu - người chồng đã từng gắn bó với tôi hơn 10 năm và là cha của hai đứa con tôi. Vậy là anh đã độ lượng, tha thứ và sẵn sàng chấp nhận tôi trở về. Tôi cảm phục, biết ơn Hữu và thú thực là trong suốt thời gian rời xa anh cùng các con, tôi đã không thể quên được anh. Song, tôi bị cuộc sống cuốn đi, cứ lao theo như một quán tính không cưỡng lại được. Mỗi khi nghĩ lại, tôi vừa thấy xấu hổ, cắn rứt, tự trách mình và không khỏi bồi hồi với ý nghĩ ước gì mình được sống lại từ đầu, ít nhất từ khi gặp, chung sống với Hữu. Nhưng đã muộn. Tôi như người chót đâm lao phải theo lao. 

...Cách đây hơn 20 năm, tôi quen biết và yêu Hữu - một sinh viên nghèo nhưng hiền, tốt bụng. Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông bà nội nuôi khôn lớn. Nhưng tôi không vào được đại học, phải rẽ ngang làm đủ mọi việc để kiếm sống vì không muốn tiếp tục ăn bám các cụ khi mình đã lớn. Thời gian làm việc nhiều, công việc vất vả nhưng thu nhập thấp. Vì không có bằng cấp, chuyên môn gì nên tôi chỉ có thể kiếm được những việc làm đơn giản và cũng chẳng được lâu. Tôi thầm ước mình gặp được một người đàn ông giàu có để có thể nương tựa. Nhưng số phận đã khiến tôi gặp Hữu. Anh không có điều gì có thể chê trách nhưng lại quá nghèo, đến chiếc xe đạp ra hồn cũng không thể mua. Thú thực là tôi băn khoăn, lưỡng lự khi nhận lời yêu Hữu. Song, ông bà tôi lại rất quý anh và đã “vun vào” cho tôi. “Hiện tại nó nghèo, nhưng trông tướng mạo tử tế, ăn ở có hậu, lại hiền lành, chịu khó học hành, không đua đòi chơi bời. Cháu cần lựa chọn người như thế mới có tương lai”. Nghe lời ông bà, tôi đã lấy Hữu, rồi lần lượt sinh được hai đứa con trai. Tuy học giỏi nhưng vì chẳng có mối quan hệ quen biết gì nên Hữu chưa bao giờ làm việc được ở một cơ quan đàng hoàng, mà luôn phải chuyển đổi. Thu nhập của cả nhà rất ít ỏi, mặc dù anh không từ bất cứ việc gì làm thêm để kiếm tiền. Chúng tôi ở trong một căn hộ chỉ chừng 20m2, nhà cấp 4 do người chú ruột của anh để không mà cho ở nhờ. Cuộc sống càng ngày càng ngột ngạt, khó khăn với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mùa hè thì nóng bức như rang. Mùa đông thì rét như cắt da thịt. Chứng kiến hai đứa con nhỏ suốt đêm không ngủ được vì nóng, chúng tôi phải thay nhau quạt cho chúng mà lòng tôi quặn đau. Tôi oán số, trách phận, rồi so sánh với những đứa bạn gái cùng trang lứa thua kém mà lấy được chồng khá giả, có cuộc sống đàng hoàng, tôi thấy tủi cực. Và tôi luôn quay cuồng với câu hỏi: “Không biết cuộc sống này sẽ kéo dài đến bao giờ? Chẳng báo hiệu một tương lai gì cả. Thế này mà cũng gọi là cuộc sống ư?”.

Hữu vẫn cặm cụi làm thêm, kiếm từng đồng đưa cho tôi. Do ban ngày quá mệt, ăn cơm tối xong là anh lên giường ngủ một mạch đến sáng. Con khóc, quấy giữa đêm cũng không biết. Chúng tôi còn trẻ, mới ngoài 30 tuổi mà cả tháng không “gặp nhau” tuy đêm nào cũng nằm trên cùng một giường. Mệt, lo nghĩ, túng thiếu đã khiến chúng tôi thui chột mọi nhu cầu tự nhiên.

Giữa những ngày tháng ấy, tình cờ tôi quen biết một người đàn ông tên Vinh là Việt kiều đang sống ở Ca-na-đa về nước. Ông ta hơn tôi 20 tuổi, làm nghề kinh doanh địa ốc. Ông nói ít nhất mỗi năm có một lần về Việt Nam. Tôi không thể hiểu rõ công việc và cuộc sống của Vinh nhưng ngay phút đầu tiếp xúc thấy rõ ông là người đàng hoàng, lịch sự và chân thật. Ông nói rõ hoàn cảnh: góa vợ từ lâu, có một con gái sắp lấy chồng. Từ khi vợ qua đời, ông chưa gặp được ai để gắn bó. Vinh tỏ ra rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi, quyết định mở một văn phòng làm ăn ở Hà Nội, thuê tôi phụ trách văn phòng này. Mỗi tháng, ông trả lương tôi 300 đô la Mỹ. Lần gặp gỡ ấy, ông đã ở Việt Nam 3 tháng liền, nhưng thường xuyên bay vào Sài Gòn. Tôi đã mời ông về nhà để giới thiệu với Hữu. Anh tỏ ra rất vui mừng. Hai vợ chồng tôi đều rất biết ơn ông.

Công việc khiến tôi và Vinh phải thường xuyên gặp nhau. Có lần ông đã yêu cầu tôi cùng vào Sài Gòn để phục vụ cho công việc. Được Hữu vui vẻ ủng hộ, tôi yên tâm lên đường. Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Sài Gòn. Vinh luôn thể hiện một người đàn ông nghiêm túc, đứng đắn, không có biểu hiện gì khiến tôi phải e ngại, đặc biệt là rất tôn trọng tôi. Ông lo liệu, chăm sóc tôi chu đáo, đến đâu cũng để ý mua quà, nói là cho 2 con tôi...

...Và tôi đã yêu Vinh không biết từ phút nào. Tôi đã không thể cưỡng được lòng mình để ngã vào ông và ngay lần “gặp gỡ” đầu tiên ấy, tôi đã mang thai. Ra Hà Nội, tôi không dám về nhà gặp lại Hữu và hai con. Vinh đã bàn với tôi tìm cách gửi cho ba bố con 10 nghìn đô-la theo đường bưu điện và sau đó tôi đã theo Vinh sang Ca-na-đa. Sang bên ấy tôi đã gửi về cho Hữu một thư tạ tội. Và lại gửi thêm tiền về cho anh. Việc này, tôi cho Vinh biết. Ông hoàn toàn vui vẻ. Nhưng đã không có người nhận. Sau đó, tôi biết Hữu đã giận và không thèm nhận bất cứ khoản tiền nào tôi gửi về.

Thế là từ đó, tôi đã sống ở Ca-na-đa với Vinh và một đứa con gái chung. Gần đây, tôi có dịp về nước nhưng không dám gặp Hữu và các con. Tôi chỉ nhờ một người bà con xa đánh tiếng là muốn trở về chịu tội với anh để hầu hạ anh và hai con trai. Ông Vinh thì nay đã già. Đứa con gái của chúng tôi rất hiếu thảo, đặc biệt là rất thương cha. Vậy nên ông sẵn sàng để tôi trở về với Hữu (ông thương tôi mà chấp nhận sự “trở về” này, vì luôn có mặc cảm là đã cướp vợ người khác).

Thưa các anh chị. Lòng dạ tôi vô cùng rối bời. Tôi tin là Hữu đã chủ động nhắn tin cho tôi, có nghĩa sẽ tha thứ. Nhưng tôi thấy xấu hổ và tủi nhục. Trong tình cảnh hiện nay, tôi nên hành xử thế nào? Nếu tôi quay về với Hữu, có thể anh sẽ độ lượng mà tha thứ, nhưng có coi thường tôi? Liệu tôi có lấy lại được tình yêu nơi anh?

Căn cứ vào mẩu tin nhắn của Hữu, chứng tỏ anh ấy sẵn sàng chấp nhận chị trở lại. Còn anh ấy có khinh hay không và tình yêu có trở lại hay vĩnh viễn lụi tắt hoàn toàn phụ thuộc ở chị. Tuy nhiên, chị cũng không thể không nghĩ đến ông Vinh và đứa con gái đang sống với ông ấy ở Ca-na-đa. Rất may ông ấy là người tốt nhưng chị cũng không thể vô tâm để mặc ông ấy với tuổi già ở cuối đời. TS Nguyễn Đình San