Kỳ vọng hão huyền

ANTĐ - Nhiều người tự mường tượng những chuẩn mực về hạnh phúc và hy vọng, sau khi cưới được chàng hoàng tử như ý, lâu đài hôn nhân sẽ được nhào nặn theo ý mình. Nhưng việc ép bạn đời vào cái lồng mơ ước đã không đem lại hạnh phúc. 

Sự vui đùa, chia sẻ thân tình trong hôn nhân là điều quan trọng nhất để đem lại hạnh phúc

Ly hôn vì không có bằng Tiến sĩ

Chị Bích Hạnh (Ba Đình) sống với nỗi khổ khi tất cả các thành viên trong gia đình nhà chồng đều có thành tích đáng nể. Bố mẹ chồng đều là Giáo sư - Tiến sỹ. Anh chồng, chị dâu, chồng chị cũng đã đỗ Tiến sỹ (TS), đều từ các trường đại học nước ngoài. Cô em chồng đang du học cũng dự định làm luận văn TS xong mới về nước. Còn chị Hạnh lại chỉ có bằng đại học, nghĩa là theo tiêu chuẩn nhà chồng chị - mới vừa thoát khỏi “bậc phổ cập”. Anh Minh - chồng chị rất sốt ruột khi vợ chẳng có ý định học hành lên cao hơn. Chị Hạnh là nhân viên văn phòng, biết rõ năng lực của mình nên không có ý định phấn đấu thăng tiến lên cao. Với chị, có bằng đại học là quá đủ. Giục chị chẳng được, anh Minh ép chị Hạnh đi học Thạc sĩ với lý do “anh không thể nào ra đường cùng với người vợ yếu kém như vậy”. Bố mẹ chồng chị cũng gọi vào khuyên bảo “Nếp nhà mình là phải có bằng cấp, còn làm gương cho con cái noi theo”. Chị Hạnh đành đi học “bổ túc” Thạc sĩ Luật. Suốt hai năm trời, việc học đối với chị như ác mộng. Cuối cùng chị cũng có được tấm bằng để trình với gia đình nhà chồng. 

Nhưng đối với gia đình chồng chị Hạnh như thế vẫn chưa đủ. Chồng chị muốn chị làm luận văn TS vì chồng sắp có học vị Phó Giáo sư. Chị Hạnh thì biết sức mình nên luôn tìm cách thoái thác. Chồng chị suốt ngày đay nghiến chị vì đến cả đứa cháu cũng sắp là TS, làm sao có thể làm gương cho con, rằng anh ta thật xấu hổ khi có vợ chỉ là Thạc sĩ quèn và nhân viên văn phòng tầm thường. Cực chẳng đã, chị Hạnh đành viết đơn xin ly hôn với lý do chẳng giống ai “không có bằng TS”. 

“Tẩy” quá khứ

Ngọc Anh (Minh Khai, Hai Bà Trưng) là con một, gia đình lại khá giả nên bao nhiêu tình yêu thương, quan tâm bố mẹ đều dành cả cho con gái. Từ nhỏ, cô đã được yêu chiều, chăm sóc từng ly từng tí. Bạn bè cô thường ví cô như công chúa trong lầu son. Vào đại học, cô đã yêu anh chàng cùng khóa đẹp trai, quê ở tỉnh xa. Sau đám cưới, bố mẹ Ngọc Anh đã mua cho vợ chồng con gái một căn hộ tại khu chung cư cao cấp. Từ lúc mới mua, Ngọc Anh đã đích thân lựa chọn nội thất để trang trí tổ ấm đúng như lâu đài mà cô hằng mơ ước. Cô hy vọng, sau khi cùng chàng hoàng tử của mình đến chung sống, cuộc sống sẽ như trong cổ tích. Nhưng Đức vốn là người tuềnh toàng, không thích khuôn khổ. Cô sắm cho chồng quần áo sang trọng, đủ bộ, cà vạt nào đi với sơ mi nấy, tất màu này phải đi với quần màu kia… nhưng anh lại chỉ thích mấy cái áo phông cũ, quần bò, giầy thể thao. Ăn cơm, Ngọc Anh thường thích bày biện cầu kỳ, dùng đũa bát đúng bộ, cẩn thận. Nhưng Đức lại thích cho cơm vào tô và trộn lẫn thức ăn, canh và dùng thìa xúc cho nhanh. Anh cũng không thích ngồi trên bộ salon sang trọng mà cứ đánh độc quần đùi, nằm dài dưới sàn nhà xem ti vi…  

Bực mình, Ngọc Anh lập chiến dịch “đưa chồng vào khuôn khổ”. Cô kè kè bên cạnh nhắc nhở chồng mặc quần áo cho đúng “tông xoẹt tông”. Bữa ăn, chồng trộn canh, cơm là cô ngấm nguýt. Nếu không đi xem phim đúng lịch, cô làm mình làm mẩy, cằn nhằn. Nặng nề hơn, Ngọc Anh áp dụng “chiến tranh lạnh”, đuổi chồng ra phòng khách nằm. Trước sự làm mình làm mẩy của vợ, lâu dần, Đức cũng đành phải theo lối sống của vợ. Vẫn chưa vừa ý, Ngọc Anh vẫn muốn tìm mọi cách để tẩy “mùi nhà quê” của chồng đi. Cô lục lọi vứt sạch đám quần áo cũ, trong đó có cả chiếc áo khoác bốc mùi tưởng có thâm niên. Đến tối, khi nghe vợ kể về “chiến tích” dọn dẹp đồ đạc, chồng cô tái mặt. Anh lao vào tủ, lục tìm một hồi rồi hỏi vợ về chiếc áo khoác cũ. Khi nghe vợ nói đã vứt ra thùng rác, anh lao ra ngoài như tên bắn để tìm. Trở về nhà với thân thể bốc mùi, đầu tóc vương đầy rác, chồng cô ngồi phịch lên bộ salon sang trọng trước vẻ kinh tởm của vợ. Anh nói với vẻ mặt lạnh ngắt: “Đó là chiếc áo kỷ vật mà bố tôi để lại cho mẹ trước khi ra chiến trường và hy sinh. Đối với cô, nó chỉ là thứ rác rưởi, nhưng đối với tôi, nó không chỉ là kỷ vật của người cha tôi chưa từng biết mặt mà còn tượng trưng cho nhiều giá trị sống mà tôi theo đuổi. Nếu cô cảm thấy cuộc sống trước kia của tôi chỉ đáng vứt ra hố rác thì chúng ta cũng chẳng có lý do gì mà sống với nhau nữa”. 

Không ít người luôn có tâm lý muốn ép bạn đời phải sống theo thói quen, sở thích, mong muốn và cả mục tiêu lý tưởng của mình. Họ cho rằng, nếu cả hai vợ chồng giống hệt nhau thì cuộc sống sẽ như ý, hạnh phúc viên mãn. Nhưng hôn nhân không phải là phép “đồng hóa” hai cá thể thành một, cũng không phải là phép cộng những đức tính tốt. Hôn nhân cần một sự tương hợp để một trong hai người không quá loá mắt kỳ vọng vào người kia cũng không đến nỗi ghét cay ghét đắng thói xấu của họ. Để đạt được điều đó, đôi khi mỗi người phải nhìn nhận tính cách và thói quen của vợ (chồng) bằng đôi mắt “nhắm hờ”, để bỏ qua khuyết điểm. Điều mà hôn nhân hạnh phúc cần là sự bổ khuyết cho nhau, giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với nhau để tạo nên những giá trị tinh thần không thể đạt được ngoài hôn nhân. 

“Ép vợ hay chồng thay đổi theo ý mình thực ra rất hão huyền. Vì nếu như vợ (chồng) vẫn cảm thấy cuộc sống của họ ổn thỏa, tính cách, công việc của họ không có vấn đề gì thì họ không có mục đích gì để thay đổi. Vì thế, ai muốn thay đổi bạn đời của mình thì cách dễ dàng nhất là thay đổi bản thân, tìm ra sự đáng yêu, đáng trọng của bạn đời để chung sống lâu dài” – chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô).