Khủng hoảng gia đình hiện đại

ANTĐ - Những vụ bạo lực trong gia đình, mẹ sát hại con, cháu “xuống tay” với bà, chồng cạn tình với vợ liên tục xảy ra gần đây khiến cho Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 trở nên ảm đạm. Theo nhận định của các chuyên gia, các vụ án trong gia đình không chỉ là sự xuống cấp đạo đức mà còn là khủng hoảng về tâm lý và rối loạn những giá trị sống. 

Giáo dục từ gia đình là cơ sở hình thành nhân cách

Khi người thân ác hơn hổ dữ

Chỉ trong 2 ngày 22 và 23-6, Vĩnh Phúc chấn động với hai vụ án giết người mà kẻ xuống tay lại và chính là những người thân thích cùng chung dòng máu. Người mẹ N.T.L (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chỉ vì giận chồng cũ tái hôn mà dùng dao chém chết đứa con trai 8 tuổi để trả thù. Đứa trẻ chết trong giấc ngủ, không kịp biết nỗi đau khi kẻ hại mình lại chính là người mẹ dứt ruột đẻ ra. Tiếp sau đó 1 ngày, tại xã Đình Chu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), N.Đ.T đã dùng gậy hạ sát bà. Nguyên nhân cũng chỉ vì người bà đã khuyên nhủ cô gái mà T đang theo đuổi không nên yêu T, rằng T vốn hung hăng, đã từng đánh đập 2 người vợ trước, khiến họ phải bỏ đi. 

Ngày 23-6, tại Kon Tum, hai thông gia đến thăm nhau, vui vẻ chơi cờ, nhưng chẳng biết vì mâu thuẫn gì mà một người dùng dao đâm người kia rồi tự tử. Cả hai đều không qua khỏi. Ngày 24-6, ở thành phố Huế, người anh rể L.V.C đã đang tâm đánh em vợ mới 7 tuổi đến chấn thương sọ não và tử vong. Trước đó, ngày 20-6, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ án chồng sát hại vợ. Kẻ thủ ác Đ.M.Q trú tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm. Do mâu thuẫn vợ chồng, vợ Q đã bỏ về nhà mẹ đẻ sống. Do ép vợ quay về không được nên Q đã tước đoạt mạng sống của vợ, bỏ lại hai đứa con thơ, đứa 4 tuổi, đứa mới lên 3. 

Nói về các vụ án bạo lực gia đình khủng khiếp xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, TS Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và Phát triển nhận định: “Sự đổ vỡ trầm trọng của tình thân là hậu quả của việc kết nối gia đình lỏng lẻo, tôn ti trật tự về kính trên nhường dưới bị đảo lộn. Nếu như không có các nghiên cứu sâu, tìm hiểu mấu chốt và đưa ra những can thiệp cụ thể thì gia đình hiện đại sẽ càng khủng hoảng”.  

Không chỉ là cạn tình

TS Lê Thị Quý cho rằng, sự phát triển của cơ chế thị trường, đề cao năng lực và tự do cá nhân một mặt đem lại nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, nhiều người lại suy nghĩ lệch lạc, đặt nặng lợi ích cá nhân lên trên, coi nhẹ giá trị gia đình hoặc lệch lạc về chuẩn mực sống. Họ coi lợi ích của mình là trên hết nên khi lợi ích này bị xâm hại thì họ bất chấp tình thân, bỏ qua tình máu mủ, ruột già. Khi phân tích về nguyên nhân bạo lực gia đình, TS Vũ Mạnh Lợi - Trưởng Phòng nghiên cứu Gia đình – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, lại cho rằng, người ta có thể xuống tay tàn độc với chính con đẻ, cha mẹ, ông bà mình không chỉ là cạn tình hay xuống cấp đạo đức. “Điều tôi có thể khẳng định là các vụ trọng án này báo động sự thất bại của cơ chế tự kiểm soát hành vi của một số cá nhân, và sự thất bại của cơ chế kiểm soát xã hội đối với hành vi của cá nhân” - ông Lợi nhấn mạnh. 

TS Vũ Mạnh Lợi cũng cho rằng, sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại kéo theo sự nhiễu loạn các giá trị, chuẩn mực xã hội bị lung lay. Đó là khi hành vi cá nhân không được kiểm soát, một số cá nhân mất định hướng cho hành vi và lời nói của mình. Cùng với đó, những khó khăn về kinh tế, tình trạng nghiện ngập cờ bạc, rượu bia, sự bất bình đẳng, sự đổ vỡ về tình cảm… càng làm cho một số người rối loạn. Chính vì vậy, khi giận dữ, đau khổ, căm hận, họ không biết cách giải quyết mâu thuẫn, mà trút hận lên bất cứ ai mà họ “đổ tội”. 

Nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình, TS Lê Thị Quý cho rằng có thể một phần do giáo dục gia đình. Nếu gia đình nào lơi lỏng về giáo dục đạo đức, nền nếp cho con cái, cha mẹ không làm gương tốt thì có thể khiến họ ngộ nhận, xuống cấp về đạo đức trong tương lai. Nhưng mặt khác, những biến động xã hội cũng ảnh hưởng đến đạo đức của nhiều người. Việc gia tăng những phim ảnh, trò chơi bạo lực cũng khiến thanh niên nhiễu loạn về nhận thức, khiến họ khó phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là thực và đâu là ảo. Không ít thanh niên nghiện game, sau khi phạm tội vẫn không hiểu được hậu quả vì nghĩ cuộc sống chỉ như một trò chơi. Những người mình làm tổn thương, thậm chí giết hại có thể “sống lại” ở một lúc khác như trong trò chơi điện tử. 

Để tìm giải pháp hạn chế và xóa bỏ bạo lực gia đình, theo TS Vũ Mạnh Lợi, cần xem xét lại vấn đề giáo dục từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng. “Nếu trong gia đình bố mẹ đối xử với nhau bằng bạo lực, thì con cái khi lớn lên sẽ có xu hướng sử dụng bạo lực để đạt được mục đích của mình trong quan hệ với người khác, kể cả người trong gia đình. Nếu trường học không thành công trong việc giáo dục kỹ năng sống lành mạnh cho học sinh, thì học sinh khó có thể có lối sống lành mạnh được. Nếu môi trường sống trong cộng đồng và ngoài xã hội có nhiều dối trá, bạo lực không bị trừng phạt, lên án thì cá nhân sẽ không có động lực chống lại cái ác” - TS Lợi khẳng định.