Hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính: Có là quá sớm?

ANTĐ - Bộ Tư pháp vừa gửi văn bản lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi trong Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó có nội dung điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến việc sống chung của người đồng giới. 

Không công khai giới tính, người đồng tính phải sống trong dằn vặt


Thừa nhận nhưng vẫn cấm

Trong Công văn số 3460/BTP-PLDSKT để lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về quan hệ giữa những người cùng giới tính, Bộ Tư pháp đã thừa nhận: “Xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được công nhận. Việc chung sống giữa những người cùng giới tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các quan hệ về nhân thân, tài sản, con cái, pháp luật không thừa nhận hôn nhân của họ nhưng phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả này”.

Tiến sỹ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) - một tổ chức có nhiều hoạt động vì quyền lợi của người đồng tính - cho biết: “Đây là một động thái thừa nhận sự tồn tại thực tế của mối quan hệ này và nỗ lực giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh chính là bước đi đầu tiên trong tiến trình bảo vệ quyền bình đẳng của người đồng tính, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính (gọi tắt là nhóm LGBT - PV). 

Tuy nhiên, một đại diện Bộ Tư pháp vẫn cho rằng, xét về văn hóa, tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm và hậu quả xã hội của vấn đề… thì pháp luật chưa dự báo được hết nên việc thừa nhận quyền kết hôn của người cùng giới tính vào thời điểm này vẫn còn quá sớm. Do đó, quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính tại khoản 5, Điều 10 trong Luật Hôn nhân và Gia đình vẫn cần tiếp tục được duy trì. 

Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc

Theo quan điểm của ông Huỳnh Thế Thảo, đại diện truyền thông của Trung tâm Kết nối và chia sẻ ICS: “Xét trên mọi khía cạnh, nhóm LGBT vẫn là những công dân sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Không có lý nào mối quan hệ tình yêu của họ lại không được luật pháp thừa nhận và được bảo vệ quyền lợi như mọi công dân Việt Nam khác”. Ông Thảo cũng chia sẻ, với một số đám cưới của người LGBT diễn ra gần đây, ICS cũng tích cực ủng hộ và cổ vũ họ đã vượt qua sự định kiến và kỳ thị của xã hội để sống thực với chính mình và quyết định hạnh phúc cho chính mình. “Yêu và được yêu không phải là đặc quyền của bất cứ giới nào. Quyền được mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của tất cả mọi người” - ông Thảo cho biết. 

Theo một khảo sát nhanh của ICS trên các diễn đàn của người LGBT ngay khi Bộ Tư pháp trưng cầu ý kiến, 71,1% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng tính, 24,7% mong muốn luật pháp Việt Nam sẽ thừa nhận quan hệ chung sống có đăng ký;  4,2% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam sẽ thừa nhận quan hệ chung sống không cần đăng ký.

Chị Nguyễn Hải Yến - một thành viên của ICS cho biết: “Việc hôn nhân đồng giới được công nhận, cũng sẽ giúp mối quan hệ của những người đồng tính trở nên gắn kết hơn, có trách nhiệm hơn. Chừng nào pháp luật còn chưa công nhận, họ sẽ còn thấy băn khoăn, lo lắng và dễ bị tổn thương khi chung sống với nhau, do chưa được ràng buộc với nhau một cách chính thức” - Yến cho biết. 

Đối với quan niệm kết hôn đồng tính “là băng hoại đạo đức, phá bỏ thuần phong mỹ tục” của người Việt Nam, ông Bình phản biện: “Thuần phong mỹ tục của người Việt mang tính nhân văn rất cao và trân trọng tình yêu, hạnh phúc của mọi người, không hề có sự kỳ thị, bài xích, khiến người khác tổn thương, cũng không xâm hại quyền yêu thương của bất kỳ ai. Nếu cho rằng việc sống đúng với con người mình, muốn được khẳng định tình yêu và cam kết chung sống với nhau của người đồng tính là “trái với thuần phong mỹ tục” cũng có nghĩa đi ngược với bản chất vốn có của thuần phong mỹ tục Việt Nam”. 

Các nghiên cứu mới đây của ISEE còn chỉ ra rằng do bị kỳ thị, phân biệt nên người đồng tính phải chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần, thể chất, thường xuyên bị gia đình hắt hủi, dè bỉu, bạo hành, mất bạn bè, mất việc làm… Vì e ngại sự kỳ thị của xã hội, nhiều người đã phải sống trong “vỏ bọc” giả tạo, kết hôn với người khác giới và sinh con trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của nhiều người khác. “Đây chính là những lý do dẫn tới sự cần thiết phải thừa nhận và bảo vệ các mối quan hệ đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi tới đây” - Tiến sỹ Bình nhận định.