Hôn nhân đồng giới: Được cho mình, nhưng phạm luật

ANTĐ - Gần đây, những đám cưới đồng giới diễn ra khá nhiều với độ công khai và hoành tráng ngày một tăng. Sau mỗi đám cưới, dư luận lại không ngớt bàn tán, còn cơ quan chức năng thì rơi vào tình trạng lúng túng.

Đám cưới đồng tính mới diễn ra ở Việt Nam. Ảnh minh họa


Cấm vẫn cưới

Ngày 7-7 vừa qua trên các diễn đàn mạng, những bức ảnh về màn tỏ tình của 2 bạn nam trên phố cổ Hà Nội đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những bức ảnh này xuất phát từ một trang chuyên ủng hộ người đồng tính trên facebook. Trong phần miêu tả về những bức ảnh này, admin (người quản lý) của Hội này chia sẻ: “Chiều thứ 7 ngày 7 tháng 7, một ngày rất đẹp và may mắn. Hai chàng trai trong nhóm đã dùng ngày này để kỷ niệm hạnh phúc trong họ với một màn tỏ tình thật lãng mạn dưới sự chứng kiến của đông đảo bạn bè thân thuộc. Các bạn hãy cùng chúc mừng cho hai bạn ấy và hoan nghênh tinh thần dũng cảm của hai bạn ấy nhé”.

Khi xem những bức này có khá nhiều ý kiến bình luận với quan điểm trái chiều. Nickname hoamuaha đồng tình: “Mình thực sự khâm phục sự dũng cảm của hai bạn. Mặc dù trong xã hội còn không ít người kỳ thị, phản đối quan hệ đồng tính nhưng hai bạn hãy cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Chúc các bạn sẽ thật hạnh phúc với quyết định của mình”. Tuy vậy có không ít ý kiến phản đối gay gắt: “Tôi không kỳ thị giới tính nhưng cách thể hiện ngày càng thái quá của một số bạn trẻ thật phản cảm và lố bịch. Tại sao người ta có thể ra giữa đường để khoe khoang chuyện này? Chắc là lại tung chiêu “độc” để gây sốc đây. Những hành động như quỳ gối, tặng hoa, ôm… trông rất khó coi. Đành rằng việc thể hiện tình cảm là quyền của mỗi người, song  mỗi cá nhân cũng nên cân nhắc và kiềm chế, không nên thể hiện quá đà ở nơi công cộng” - nickname gaubongbubam viết. 

Trước những ý kiến này, nhân vật chính trong những bức ảnh đã có thông tin đính chính. Một bạn cho biết: “Đây không phải là một màn cầu hôn… chỉ là món quà người đó tặng cho mình ngày họp nhóm mà thôi nên mọi người đừng hiểu nhầm chuyện đó. Mình mong admin có thể gỡ những bức ảnh này xuống. Mình không muốn đời tư của mình và gia đình bị ảnh hưởng”.

Ở Việt Nam, đám cưới đồng tính nam đầu tiên được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo đó, đầu năm 1998, hai người đồng tính ở Vĩnh Long đã tổ chức tiệc cưới khá linh đình. Dù đạo luật cấm hôn nhân đồng tính đã được thông qua vào tháng 6-1998 nhưng đến 12-2010, tại Hà Nội, đám cưới giữa chú rể Quang M (tên thật Ngô Diễm H), 19 tuổi và cô dâu là Thùy L (19 tuổi) vẫn diễn ra khá hoành tráng. Đến tháng 6-2011, một đám cưới đồng giới cũng được tổ chức sang trọng tại TP Hồ Chí Minh. Gần đây, ngày 

16-5 vừa qua, một đám cưới đồng giới lại được tổ chức tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ngoài hai nhân vật chính là Nguyễn Hoàng Bảo Q và Trương Văn H. Tham gia đám cưới này còn có sự góp mặt chứng kiến của cha mẹ hai bên.

Những quan điểm trái chiều

Hôn nhân đồng giới đã được công nhận ở nhiều nước. Ảnh minh họa

Chị Vũ Thảo Chi, ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi có một số người bạn và đồng nghiệp đồng tính, tôi rất yêu quý họ bởi thấy họ dễ mến, chăm chỉ và có trách nhiệm. Tôi cũng mong họ có một cuộc sống tốt, được chia sẻ, được yêu thương và có quyền hưởng hạnh phúc. Tuy vậy, tôi không chấp nhận những người đồng tính kết hôn. Bởi hôn nhân không chỉ là sự gắn kết thiêng liêng giữa 2 người tự nguyện chung sống với nhau mà họ còn có nghĩa vụ sản sinh ra thế hệ tương lai. Việc 2 người đồng giới lấy nhau chỉ nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của riêng họ, không giúp ích gì cho xã hội. Đành rằng họ có thể nhận con nuôi nhưng thử hỏi nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường không bình thường, nếu không muốn nói là lệch lạc (chỉ có cha hoặc có mẹ) thì liệu nó thể phát triển bình thường hay không? Vì hôn nhân là phạm trù khá phức tạp, làm phát sinh nhiều mối quan hệ khác nên để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, thay vì cho phép hôn nhân đồng giới, pháp luật chỉ nên công nhận cho mối quan hệ của họ”. 

Anh Lê Trung Tín - một cán bộ ngân hàng tại quận Ba Đình, Hà Nội lại bày tỏ sự cảm thông: “Tôi có cậu em họ là người đồng tính. Do là con một nên gia đình đã tìm đủ mọi cách để cậu ấy phải kết hôn, sinh con nối dõi. Cậu ấy đã đau khổ, tự dằn vặt mình, thậm chí tìm đến cái chết nhưng cuối cùng vẫn phải nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ. Sau khi kết hôn cậu ấy sống vật vờ như cái bóng, không quan tâm ngó ngàng gì đến vợ, không chấp nhận ngủ chung giường. Được 3 tháng, do không thể chịu đựng nổi, cô gái bỏ về nhà mẹ đẻ còn cậu em tôi bỏ nhà, tìm đến người tình cũ. Điều này cho thấy việc cưỡng ép người đồng tính kết hôn, chung sống với người họ không yêu, hậu quả sẽ là bi kịch cho cả gia đình. Do đó, chúng ta hãy tôn trọng quyết định của họ. Chúng ta không có quyền lựa chọn giới tính khi sinh ra nhưng có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình. Dẫu biết cuộc sống của người đồng tính còn nhiều mặt trái nhưng cũng có nhiều người rất tài giỏi, đạo đức tốt. Đã đến lúc chúng ta cần công nhận có nam có nữ thì dĩ nhiên cũng có giới tính thứ 3. Tôi mong muốn sớm có luật dành riêng cho người đồng tính”…

Có thể nói vấn đề hệ trọng nhất mà các bậc cha mẹ quan tâm khi con cái lập gia đình là khả năng “duy trì nòi giống”. Đó là một trong những mục đích tối thượng của hôn nhân, trong khi hai người cùng giới không làm được điều này. Do vậy, rào cản lớn nhất của những đám cưới đồng giới là phản ứng từ phía gia đình. Mặc dù hôn nhân là sự lựa chọn của những người trong cuộc và bản thân chúng ta phải tôn trọng họ. Song với hôn nhân đồng giới, để có một đám cưới, mỗi cá nhân không chỉ phải vượt qua dư luận mà còn chấp nhận việc vi phạm pháp luật…

(Còn tiếp)