Hệ lụy nghiêm trọng từ mất cân bằng giới

ANTĐ - Giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ quyết định đến nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới.

Hệ lụy nghiêm trọng từ mất cân bằng giới  ảnh 1
Đảm bảo cân bằng về giới tính sẽ giúp xã hội phát triển bền vững. Ảnh: Phú Khánh


Vẫn phân biệt đối xử

Đây là nhận định được các chuyên gia thống nhất tại Hội thảo “Bàn giải pháp giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh từ góc độ giới” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức. Theo đó, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn đến hậu quả thừa nam, thiếu nữ trong xã hội. Các hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn có nguy cơ khắc sâu thêm vấn đề bất bình đẳng giới và có thể biến đổi xã hội theo chiều hướng xấu. Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội chỉ ra, tình trạng thừa nam thiếu nữ trong xã hội sẽ làm gia tăng áp lực buộc phụ nữ phải kết hôn sớm hơn và nam giới sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời. Bên cạnh đó, bất bình đẳng giới sẽ gia tăng nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn do sự mất cân bằng này.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, một trong những nguyên nhân có tính quyết định dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do sự tồn tại dai dẳng của tư tưởng trọng nam khinh nữ, của tệ phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phận nhân dân. Thực tế tại nước ta, những năm gần đây vẫn ghi nhận các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người, cho thấy những nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương phải đối mặt. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta luôn trong xu hướng tăng và tăng mạnh, có năm tăng tới 1 điểm phần trăm – tức là gấp 10 lần so với trước đây. Hiện tại, tỷ số giới tính trung bình trên cả nước vào khoảng hơn 112 trẻ trai/100 trẻ gái, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hết sức trầm trọng. Nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thì tỷ số giới tính khi sinh trung bình của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2020 và duy trì ở mức này cho đến năm 2050. 

Nâng cao vị thế của phụ nữ

Trước đây, khi nói về công tác dân số cũng như giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thường thấy nổi bật lên vai trò của Bộ Y tế với đơn vị đầu mối là Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mà ít thấy có sự vào cuộc quyết liệt từ các bộ, ngành khác. Các chuyên gia đều thống nhất rằng, muốn thực hiện hiệu quả các biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng tỷ số giới tính thì cần phải tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái là một trong các giải pháp then chốt giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. “Cần có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái. Đây là nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH, cũng là nhiệm vụ của toàn xã hội” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nói.

Bà Trần Thị Vân, phụ trách văn phòng Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị và nhận thức về quyền của họ. Nên khuyến khích sự tham gia của nam thanh niên và trẻ em trai, vì họ là tác nhân thay đổi văn hóa xã hội cần thiết. Các nhà lãnh đạo và các đảng viên cần đóng vai trò quan trọng trong việc nêu gương về thúc đẩy bình đẳng giới. 

Dự báo, với xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 2,3 đến 4,3 triệu người.