Hai người thợ sửa giày

ANTĐ - Tôi mang một đôi dép đẹp ra hàng quen nhờ sửa. Đến gần, không thấy ông thợ quen đâu, chỉ thấy một anh thanh niên đang cúi xuống, cặm cụi đưa từng mũi kim khâu. 

Tôi hỏi: 

- Em ơi, ông sửa giày hôm nay nghỉ à?

Anh thanh niên ngẩng lên: 

- Vâng, ông nghỉ hai tháng nay rồi. Em thay.

Tôi ngạc nhiên: 

- Ông ốm à? Cách đây mấy hôm cô còn trông thấy ông kia mà?

- Vâng. Ông bị tai biến. Ông không nhìn rõ nữa. Hôm ấy là ông thuê “xe ôm” ra đây ngồi chơi với em. 

Anh quay lại hỏi: Thế cô chữa gì?.

- Là dép đó. 

Tôi thở dài: Thật tội nghiệp. Trông ông còn khỏe lắm, da dẻ hồng hào, người cao to. Thế mà nay không nhìn rõ nữa. Em là con hay là cháu ông?

- Em chỉ là thợ học việc.

Rồi anh nhiệt tình kể: Trước em cũng là khách như cô, đến sửa giày. Ông sửa cẩn thận, lấy giá phải chăng. Ông thuê một ki ốt vừa sửa giày, vừa bán các thứ lặt vặt. Sau, tiền thuê đắt quá. Ông ra chỗ này, che bạt và chỉ sửa giày. Ông ngồi cặm cụi, hiền từ. Trong lúc chờ đợi, em cứ ngắm ông, quan sát. Một hôm, em hỏi, nửa đùa nửa thật: 

- Ông ơi, công việc cháu đang làm bấp bênh lắm, lương thấp, gia đình cháu lại khó khăn. Ông dạy nghề cho cháu nhé.

Ông nhìn em một lúc rồi vui vẻ nhận lời. Trong thời gian học việc, hai ông cháu hiểu thêm hoàn cảnh của nhau. Em chăm chỉ, tiếp thu nhanh. Thế rồi cho đến một hôm, có người đưa em thư - không phải chữ của ông, nhưng là thư của ông. Ông hẹn em đến nhà…”.

Chiều tôi ra lấy dép. Anh thanh niên sửa cẩn thận, đẹp lắm, lấy giá phải chăng, y hệt ông. Anh chỉ chiếc xe đạp nữ, còn mới, để dựa gốc cây, bảo tôi:

- Ông cho em chỗ ngồi, đồ nghề, truyền nghề và cả cái xe ông vẫn đi. Em xin thôi việc và ra đây sửa giày, nối nghiệp ông. Từ hôm đó, chiều nào cũng vậy, về đến nhà, tắm gội, cơm nước xong, em đều đến thăm ông và làm được cái gì cho ông thì làm. 

Câu chuyện giản đơn làm tôi cảm động. Hai người đàn ông: một già, một trẻ, không bằng cấp, ít chữ nghĩa, nhưng đã sống rất tình nghĩa, rất đẹp.