Đi tìm lối ứng xử chuẩn mực

ANTĐ - Sở VH-TT&DL Hà Nội vừa hoàn tất Dự thảo Đề án Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội. Hiện đề án này đang được đưa ra xin ý kiến của các ngành các cấp cũng như đông đảo người dân Thủ đô.

Cảnh cướp hoa trong Lễ hội Hoa anh đào từng gây nhức nhối dư luận Thủ đô

“Lời nói chẳng mất tiền mua…”

Những cải cách về kinh tế đã và đang tạo nền móng vững chắc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô. Song, sự phát triển đó không đồng nghĩa với việc văn hóa và văn minh trong đời sống xã hội được nâng cao, điều này thể hiện rõ qua văn hóa ứng xử của người dân sống ở Hà Nội. Chưa bao giờ, vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay khi hàng ngày, bon chen nhiều hơn, đố kỵ nhiều hơn, cái tâm lý “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đã trở thành chuyện hiếm. Chỉ cần hơn nhau nửa cái bánh xe trong khi tham gia giao thông cũng có thể khiến nhiều người nổi xung. Xỉ vả, mạt sát nhau là còn nhẹ, không hiếm những án mạng xảy ra cũng chỉ vì “ra đụng vào chạm” hoặc “tại thằng đó nói ngứa tai”… Những tiêu cực này đã đặt ra vấn đề đáng báo động về văn hóa ứng xử và tạo ra những hình ảnh xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh một thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử và đang trên đà hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa người Hà Nội không chỉ của một cá nhân, một tổ chức, mà nó cần được chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân, tổ chức, cơ quan công quyền hoạt động trên địa bàn thành phố để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm với một thành phố nghìn năm tuổi.

Hà Nội tạo ra chuẩn mực

Ở một số thành phố trên thế giới, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng giữa cơ quan công quyền với người dân và tại những nơi như trường học, bệnh viện, nhà ga… không còn là điều mới mẻ. Chính vì thế, tại Hà Nội, việc xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử trong các môi trường giao tiếp của Hà Nội để hình thành một bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống và mang nét hiện đại được cho là việc làm cấp thiết. Thêm vào đó, sự hình thành và triển khai quy tắc ứng xử trên diện rộng sẽ cải thiện đáng kể văn hóa ứng xử của cộng đồng, tạo môi trường làm việc năng động, minh bạch, hỗ trợ tăng chỉ số cạnh tranh CPI, thu hút nguồn đầu tư phát triển…

Trong Dự thảo Đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội” đã đưa ra một số tiêu chí đối với từng lĩnh vực cụ thể. Ví như, đối với cán bộ Ban giám hiệu/quản lý nhà trường cần phải thỏa mãn những điều kiện như: nhìn xa trông rộng; có lương tâm đạo đức; biết giải quyết vấn đề, vấn đề mới phát sinh; kiên định quyết đoán; công bằng, không thiên vị trù dập… Đối với cán bộ công chức viên chức cần: tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân; thể hiện giao tiếp tri thức, lịch sự, thái độ vui vẻ; trang phục lịch sự, chỉnh tề… Đối với ngành y tế cần: tận tình, chu đáo trong việc khám chữa bệnh; tôn trọng hòa nhã lịch sự trong giao tiếp; chịu trách nhiệm trong công việc; thực hiện đầy đủ nội quy và y đức…

Góp ý xây dựng Dự thảo đề án, ông Nguyễn Văn Hòa- Hiệu trường trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, văn hóa và tri thức là giá trị cốt lõi đặt nền tảng cho hành vi ứng xử. Dù có đưa ra điều khoản nào đi chăng nữa muốn thành công buộc phải khơi dậy bằng được nền tảng văn hóa. Lấy ví dụ từ ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, đã qua rồi cái thời thầy giáo nói gì cũng đúng. Và chính vì “thầy giáo luôn đúng” nên đã vô hình trung hình thành hành vi ứng xử của thầy giáo đối với học sinh, việc dạy dỗ là ban phát, học sinh chỉ được nghe, không có quyền thắc mắc. Trong khi đó, thầy giáo chưa hẳn đã giỏi và càng không phải nói gì cũng đúng. Giờ học trò nhiều người xuất sắc hơn thầy. Chính vì cái tư tưởng “Quân -Sư -Phụ” nên cho mình quyền mắng chửi, xỉ vả, thậm chí đánh đập học sinh… Thế là, “con giun xéo mãi cũng quằn”, đương nhiên học sinh sẽ phải phản ứng lại.

Rõ ràng, việc xây dựng một tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với những thứ “phi vật thể” như văn hóa ứng xử, việc chuẩn hóa thành điều khoản e hơi khó. Tất nhiên, “khó cũng phải làm cho bằng được” là tinh thần của Sở VH-TT&DL Hà Nội nói riêng- đơn vị chủ trì xây dựng đề án và thành phố Hà Nội nói chung. Và điều mà dư luận quan tâm là, làm thế nào để những điều khoản đã được chuẩn hóa khi ban hành được người dân đồng tình ủng hộ và đi vào cuộc sống? 


Còn ứng xử thiếu văn hóa ở một số cơ quan công quyền

Theo ông Nguyễn Hoài Phương - Trưởng phòng Văn hóa quận Tây Hồ thì dự thảo đề án của Sở VHTT&DL Hà Nội mới chỉ nêu hiện tượng mà chưa chỉ rõ nguyên nhân sự xuống cấp trong giao tiếp ứng xử ở Thủ đô; đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến ứng xử thiếu văn hóa trong một số cơ quan công quyền hiện nay. Tự nhận mình là “người dại” khi góp ý thẳng về vấn đề này bởi “người khôn người ta không nói, chỉ im lặng”, ông Nguyễn Hoài Phương đưa ra ví dụ cụ thể, khi đến các phòng ban về tài chính hoặc cấp phép, tâm lý người dân luôn nơm nớp. Đó là một số “phòng sức mạnh”, nếu không hẹn, không đăng ký thì không bao giờ gặp được người cần gặp. Ông Hoài Phương cũng tỏ ra tiếc nuối cái thời chưa đổi mới, khi kinh tế chưa phát triển, thời đó kỷ cương xã hội, gia phong gia đình sao mà quy củ đến thế!