Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua

ANTĐ - Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/Chả biết tay ai làm lá sen… Nhà thơ Nguyên Sa đã yên phận tận Paris, nhưng câu thơ về thiên tình thu xứ Bắc còn lại một nỗi đau xưa cũ...         

Cốm làng Vòng đã trở thành hương sắc mùa thu đặc trưng của người Hà Nội

Một sáng đầu thu, lúc tôi đương ngồi ở Hội Nhà báo Việt Nam, có một cựu nhà báo đến chơi với anh chị em. “Có quà đây”, nói rồi anh giở ra một gói lá sen. Vỡ òa hương cốm mới. “Đây là quà quê tôi đấy”. Chả là nhà anh ở Dịch Vọng. Và “quà quê” mang vào cho bạn là thứ thơm thảo nhất đất trời Hà Nội. Một gói cốm xanh, bọc trong lá sen xanh.  Mấy quả chuối chín lừ, vỏ điểm những nốt nâu gọi là chuối trứng cuốc. Sáng ấy căn phòng nơi chúng tôi ngồi bỗng dưng… thu sớm.

Mùa thu Hà Nội là mùa cốm. Mùa màng bây giờ có thể thay đổi để quanh năm gần như có cốm. Cốm ngon nhất là cữ thu, khi ấy sữa hạt lúa hình như đủ gió mưa làm nên sự ngọt bùi, sau khi tích tụ tinh hoa trời đất để dâng người cái thơm thảo.

Vào đầu mùa cốm mới, từ làng Vòng xưa, những cái mủng, mẹt cốm xanh, hạt cốm mỏng mềm, thơm thoảng mùi hương nếp, cạnh bó lá sen, nắm rơm vàng, theo quang gánh của các bà, các cô về phố. Đâu cần tiếng rao vẫn tha thiết biết mùa cốm lại về. Chợt nhớ Trịnh Công Sơn rất tài tình khi viết “Nhớ mùa thu Hà Nội”: Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua… Đối với nhiều người Hà Nội, cốm là món quà tao nhã, chỉ cho người biết thưởng thức…Chiều nay trên phố nhỏ khu Thanh Xuân Bắc, tôi lại thấy hai bà cụ già ngồi bên chiếc thúng cốm như vẫn ngồi đó gần chục năm nay. 

Thứ gì cũng có mùa của nó. Phải bắt đầu chớm thu trong hơi may lành lạnh, người mua cốm sà xuống vỉa hè hay dừng xe bước lại, ngắm màu xanh cốm với tay nhón thử vài ba hạt thả vào miệng nếm. Và khi cái ngọt ngào dẻo thơm ùa vào lòng ta rồi thì khó có thể nói lời chối từ một thứ quà sang trọng… Làng Vòng bây giờ hết đất trồng lúa. Từ lâu người làng Vòng đi mua lúa nếp non nơi khác về làm cốm. Công nghệ làm cốm bây giờ cũng khác với các công đoạn tuốt lúa rang lúa, rồi giã cốm. Dùng để giã cốm vẫn là cái cối chày đạp xưa, nhưng bây giờ không còn đôi nam nữ nhún trên cối mà thay vào đó là cái mô tơ quay vòng bán nguyệt kéo chày lên thả xuống… Nhịp chày nhanh hơn xưa rất nhiều nhưng hình như cốm cũng bớt đi cái dẻo thơm xưa… Hà Nội bây giờ có cốm Mễ Trì góp vào món quà thu. Rồi thì cốm từ Thái Bình, Hải Dương chảy về phố, dẫu không bằng hương vị cốm Vòng xưa, vẫn làm cho người Hà Nội đỡ cái nhớ…

Chợt nhớ “Dặm ngàn hương cốm Mẹ” của Nguyễn Tham Thiện Kế. Câu văn Kế làm thổn thức quá chừng những người yêu Hà Nội: “Vỉa hè ba hàng cây nơi Cửa Bắc mùa thu mấy mươi năm trước, tôi đợi một hương cốm diễu qua tiếng chuông nhà thờ… Hương cốm Vòng cho tôi thêm nhớ Mẹ…. Vâng đó là thức cốm ngọc thạch của nếp cái hoa vàng Đẳng cốm Mẹ… Mẹ sửa cốm không bán xuôi Hà Nội mà để hầu ngoại - cụ giáo nửa Tây nửa ta không trò học. Mỗi mùa mới, nhiều lắm Mẹ cũng chỉ sửa dăm cân cốm là đủ chia hương hoa cho hai bên nội ngoại…”, Kế viết vậy. Bây giờ Bầm mất, bên tai vẫn còn nhời: “Thầy em ạ, hình như tới mùa sửa cốm”. Có những mùa cốm xa. Cốm khắp xứ vẫn bày bán đấy thôi, nhưng vẫn man mác lòng ta nỗi nhớ những gì đang mất….