Bỏ rơi tình yêu

ANTĐ - Người ta kết hôn vì mong muốn tình yêu của mình được bền chặt, đơm hoa kết trái ngọt. Tuy nhiên, sau đám cưới, nhiều người đã đày tình yêu vào “lãnh cung” và hy vọng nó sẽ không bị phai nhạt. Nhưng tình yêu giống như một cây xanh, nếu không thường xuyên chăm sóc, thì nó sẽ mòn mỏi, khô héo.

Đối với phụ nữ, sự quan tâm, chia sẻ của chồng chính là vitamin tình yêu. Ảnh: Internet

Bà vợ “không biết điều”

“Vợ tôi đúng là sướng quá hoá rồ. Con cái khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, nhà cao cửa rộng, chồng có bia bọt một tí nhưng không gái gú bên ngoài. Thẻ ATM tiền lương chồng cũng đưa cho giữ, muốn tiêu gì thì tiêu. Nhưng cô ấy suốt ngày than vãn, mè nheo, bực bội về việc tôi thiếu quan tâm, vô trách nhiệm” - anh Đinh Văn Thành (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) “chém gió” với bạn ngoài quán bia. 

Theo lời anh kể, vợ anh, chỉ phải dạy con học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… và ngồi đợi chồng đi nhậu về. Anh Thành cho biết, việc bia rượu cũng là việc “chẳng đừng” vì anh làm kinh doanh nên thường phải đi tiếp đối tác, để kiếm tiền về cho vợ, chăm lo cho gia đình. Đáng nhẽ anh say rượu về nhà thì vợ dìu chồng vào giường, đằng này lại mặc anh nằm ngủ ở ghế salon, sáng dậy đau vẹo cả cổ. Đã thế, vợ anh còn không biết điều, thường xuyên cằn nhằn về việc anh không tặng hoa ngày sinh nhật, vô tâm với vợ ngày tình nhân, không để ý khen váy mới của vợ, không đưa vợ đi xem phim, đi chơi. 

“Mình về nhà mệt lả rồi, sức đâu mà dẫn vợ đi chơi. Cô ấy phải thông cảm chứ. Nẫu nhất là thi thoảng cô ấy còn hỏi: “Anh có còn yêu em không?”. Mình phẩy tay bảo: “Em hết việc để làm à?”, thì lại dằn dỗi. Không yêu thì còn nhìn nhau được à” - anh Thành vẫn không hết bức xúc. 

Nhưng đối với chị Hằng – vợ anh Thành, cuộc hôn nhân của anh chị đã như cái cây khô héo. Chị thấy mình giống như bà quản gia trong nhà, hoặc nói tệ hơn là “người giúp việc” cao cấp, hàng ngày dọn nhà, chăm con, nấu ăn cho ông chủ. Và nếu ông chủ có cao hứng muốn “tình tang” thì lại phục vụ. “Anh ấy chỉ quẳng vào mặt tôi một cái thẻ ATM rồi hết trách nhiệm. Khi gặp rắc rối, tôi gọi điện hỏi ý kiến thì anh ấy chỉ bảo: “Em toàn quyền quyết định”. Con cái có hư hỗn, tôi chia sẻ để muốn anh ấy cùng tôi dạy con, anh ấy cũng phẩy tay: “Anh không rành mấy chuyện dạy dỗ, tùy em xử lý”. Đến cả việc ngủ với tôi, anh ấy cũng không hề tìm hiểu xem tôi có ưng thuận không, có thích thú không” - chị Hằng nghẹn ngào. 

Chị hiểu chồng mình vẫn quan tâm đến gia đình nhưng lòng chị chua xót: “Tuy rằng bó hoa, món quà chỉ là việc nhỏ nhưng điều đó cũng thể hiện tình cảm của chồng tôi đối với tôi nhạt nhẽo tới mức nào. Tôi chắc rằng anh ấy vẫn mua hoa, quà tặng đồng nghiệp nữ nhân ngày 8-3 nhưng trong lòng anh ấy không hề có tôi. Như thể tôi chỉ là “vợ” chứ không phải là một phụ nữ, không cần tình yêu”.

Kết nối cảm xúc

TS Trần Thị Trâm (Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho biết: “Kiếm tiền chăm lo gia đình là việc mà đàn ông chú trọng nhất sau khi kết hôn. Họ cảm thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm khi “quẳng” một cục tiền cho vợ. Nếu bà vợ nào may mắn hơn thì sẽ được ông chồng giúp đón con, lau nhà, giặt quần áo. Họ sẽ không hiểu được vì sao vợ vẫn còn mè nheo, cằn nhằn chỉ vì họ không nhận ra mái tóc mới của vợ, không thường xuyên trò chuyện, nói lời yêu thương với vợ”.

Nhưng lý do chung nhất mà các bà vợ thất vọng về các ông chồng chính là “bạo lực tinh thần”. Nhưng nhiều sự bạo hành không hẳn xuất phát từ chủ kiến của người chồng. Thường là do người chồng mải tập trung vào những việc khác hoặc cho rằng việc khen ngợi, nói lời có cánh với vợ, tặng hoa, tặng quà là phù phiếm và không cần thiết. Cánh mày râu cũng cho rằng: “Vợ chồng đi guốc trong bụng nhau, nên không cần khách sáo làm gì”. Chính sự vô tâm như vậy khiến nhiều người vợ bực bội, buồn phiền.  Và nhiều ý kiến cho rằng, “sự độc ác” nhất trong hôn nhân chính là sự bỏ quên, không quan tâm đến nhau. Điều đó bao gồm cả sự bỏ rơi về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người chồng chỉ dành thời gian cho công việc và những thú vui riêng, để vợ vò võ một mình hoặc chẳng bao giờ ngồi nghe vợ tâm tình, để hiểu những khúc mắc, buồn tủi của vợ. 

Đối với anh Trần Minh Quốc (Hà Đông), ngay từ khi kết hôn, anh chị đã giao ước với nhau luôn có “ngày hẹn hò” trong tuần, suốt 7 năm nay. Cứ vào trưa thứ 4, anh chị lại hẹn hò nhau đi xem phim, đi ăn trưa với nhau. Đó là thời gian anh chị có thể vui vẻ, chia sẻ với nhau những điều bận tâm trong lòng. “Nhiều người hỏi sao không hò hẹn vào cuối tuần để rảnh rang hơn. Nhưng cuối tuần lại thường sum họp gia đình, cũng ít có điều kiện hai vợ chồng ngồi với nhau vừa ăn vừa trò chuyện, hoặc nắm tay nhau cùng xem phim. Ngoài ra, khi mình bận mà vẫn luôn dành ưu tiên hẹn hò với vợ còn có nghĩa là tôi luôn quan tâm tới cô ấy. Đối với chúng tôi, đó là tình yêu” -  anh Quốc cho biết.