Bi kịch của những “đứa trẻ” không bao giờ lớn

ANTĐ - Với lý do quan tâm, giúp đỡ đôi vợ chồng còn trẻ người, non dạ, nhiều bậc phụ huynh đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Hậu quả, đôi trẻ bị giằng xé giữa hai bên gia đình nội - ngoại, mâu thuẫn không được giải quyết mà còn nhân lên nhiều lần. 

Chiều quá hóa hỏng

Thanh Mai và Tuấn Linh (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) đều là con một trong gia đình giàu có. Vì thế, cả hai được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ. Mai không biết đi chợ, bóc hành thì đứt tay, còn luộc trứng sẽ bị bỏng. Còn Linh càng chẳng biết thay bóng điện hay là quần áo. Được cái, cả hai đều học hành chỉn chu, ra trường xin được việc ngay, bề ngoài cũng xứng đôi vừa lứa. Vì thế, khi hai gia đình thông gia gặp nhau, mọi người đều bàn ngay đến hôn sự, cho dù cả hai vừa mới tốt nghiệp Đại học. Đám cưới là cuộc “chạy đua” giữa hai gia đình. Nhà Tuấn Linh mua cho hai vợ chồng 1 căn hộ, nhà Mai sửa sang, sắm đồ điện tử, nội thất, không thiếu thứ gì. Bố mẹ Linh đặt cỗ cưới, ông bà nhạc xung phong mua váy áo, veston cho đôi trẻ, kèm theo vương miện được thửa bằng vàng nặng trĩu cho “xứng đôi” với nhà trai.  

Hai vợ chồng nói là ở riêng nhưng chỉ biết đi làm, trưa đi ăn hàng, tối về nhà nội hoặc nhà ngoại ăn cơm. Bếp gas thỉnh thoảng mới bật lên để nấu mì, còn tủ lạnh chỉ đựng bia và nước hoa quả đóng chai. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng kéo đám bạn về nhà tụ tập ăn uống. Đồ ăn do người giúp việc được mẹ chồng cử sang để nấu nướng hoặc mua sẵn ở nhà hàng về. Mỗi tuần, nhà ngoại lại cử người giúp việc sang dọn nhà cho hai vợ chồng, giặt giũ, là sẵn quần áo. Mai bị cúm, sốt, Linh lại điện thoại về nhà cho mẹ cầu cứu. Bố mẹ già lại lóc cóc nửa đêm mang thuốc sang, hướng dẫn con dâu uống. 

Đến khi Mai có bầu, bố mẹ đẻ đón hẳn về nhà ở. Linh như chim sổ lồng, lấy lý do trông nhà, bận việc, đi biền biệt cả tuần, mặc dù hai nhà chỉ cách nhau có vài cây số. Mai vừa mang bầu mệt mỏi, vừa bực bội chồng nên cáu gắt cả với cha mẹ. Mẹ Mai sốt ruột lại gọi cho bà thông gia để cằn nhằn con rể. Mẹ Linh bênh con trai, cho rằng đàn ông phải bận bịu mới thành sự nghiệp lớn. Đàn bà có mỗi chuyện sinh đẻ thì có gì mà phải có chồng kè kè bên cạnh. Đến khi Mai ở cữ thì cô cũng nhận được thông tin chồng đang cặp bồ. Hai nhà cuống cuồng họp bàn, khuyên nhủ hai vợ chồng trẻ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhưng Linh cứ ngồi ngáp vặt, như thể đó không phải là việc của mình. Còn Mai chỉ biết khóc lóc, “bắt đền”… bố mẹ. Ngay cả đứa con nhỏ, cô cũng không chăm sóc mà phó mặc cho mẹ và người giúp việc. 

Giữa hai dòng nước

Đám cưới của Oanh và Đạt (chung cư Mỹ Đình, Hà Nội) thực rôm rả. Cũng là con một nên khi hai con lấy nhau, hai bên thông gia thống nhất mua nhà cùng khu chung cư với bọn trẻ để tiện qua lại. Ba căn hộ chỉ khác nhau số tầng. Ở gần con nên bố mẹ hai bên “có bát canh cần”, miếng cá ngon đều bê xuống cho hai trẻ. Sáng đi tập thể dục sớm, thấy có mớ rau ngon, mẹ Oanh cũng bấm chuông ầm ĩ để đưa vào cho con gái. Buổi chiều hai vợ chồng về nhà, chưa kịp hàn huyên, mẹ chồng đã sộc vào, lục bếp, sờ túi để xem con dâu tối nấu gì cho con trai bà ăn, còn hướng dẫn con phải chế biến nhạt, không bỏ hành vì “thằng cu ghét lắm”. Buổi tối, hai ông thông gia rủ nhau chém gió về tình hình thời sự, nhưng lại mâu thuẫn chính kiến, 9h tối lại bấm chuông gọi con trai-con rể ra làm trọng tài. 

Nỗi sợ hãi nhất của Oanh chính là khi mẹ chồng dò hỏi về chuyện quan hệ yêu đương của hai vợ chồng. Bà dặn tư thế này thì sinh con trai hoặc “hành sự” xong thì phải cho chồng ăn gì, uống gì để không hại sức. Còn chồng Oanh cũng mấy lần tự ái vì bị bố vợ gọi sang thuyết giáo về “tư cách làm chồng”. “Hai vợ chồng tôi không có chút riêng tư nào. Ngôi nhà cứ bấn loạn, xoay mòng mòng vì sở thích của bố mẹ hai bên. Nhưng muốn ông bà bớt can thiệp thì họ lại dỗi dằn, khóc lóc vì con lớn là “khỏi vòng cong đuôi, bạc bẽo với cha mẹ”. Tôi bây giờ nhìn thấy chồng là mệt mỏi. Mà anh ấy cũng chẳng muốn về nhà” – Oanh tâm sự. 

Nhân dịp World Cup, lấy cớ đi xem bóng với bạn, Đạt thường xuyên về nhà muộn, mấy lần còn say xỉn, nôn ọe khắp nhà. Vốn sợ bẩn thỉu, lại bực bội trong người, Oanh mặc kệ chồng nằm trên bãi chiến trường ngủ. Sáng hôm sau, mẹ chồng mở cửa vào, thấy con trai trần trụi, nằm bệ rạc liền mắng con dâu không biết “làm vợ, để thằng bé say xỉn, nằm trên đất lạnh nhỡ có mệnh hệ gì”. Rồi bà phăm phăm lên nhà thông gia, yêu cầu thông gia phải dạy lại con gái. Tự ái, mẹ Oanh lớn tiếng về việc con rể mất nết, bỏ bê vợ đi đêm về hôm, còn say xỉn, nôn ọe, “con gái tôi lá ngọc cành vàng chứ không phải đầu đường xó chợ mà phải chịu khổ thế”. Hai ông thông gia cũng nóng tiết, lời qua tiếng lại về việc “tôi nhìn con anh chị đã không ưng ngay từ đầu”… 

Oanh và Đạt đều bị bố mẹ lôi về nhà, giáo dục về việc phải dạy vợ, trị chồng như nào mới là chuẩn. Rằng “con đó nhìn thế mà bạc ác”, “thằng đó tưởng ngoan mà điếm đàng”. Thay vì khuyên hai con cách cư xử, vì hạnh phúc lâu dài thì hai bên thông gia gây nhau kịch liệt, cấm con được lai vãng đến nhà bố mẹ của nhau. Hai vợ chồng trẻ ngao ngán, chán cả nhìn mặt nhau khi nghĩ đến việc phải đối diện với bố mẹ chồng (vợ). 

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Đức – Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, chính sự o bế của cha mẹ khiến “những đứa trẻ” có lớn mà không có khôn, sống ích kỷ, vô tâm, non nớt về kỹ năng sống, èo uột về trách nhiệm. Khi mối quan hệ giữa hai vợ chồng có mâu thuẫn gì, họ lại nhờ bố mẹ phân giải và đổ lỗi cho bố mẹ mà không thấy trách nhiệm của mình. Còn khi đôi trẻ có mâu thuẫn, các bậc phụ huynh cũng thường tìm cách bênh vực con mình, lên án con dâu (rể) thay vì hướng dẫn các con hòa hợp, thích nghi với nhau. Thậm chí chê bôi nhà thông gia, bài xích cách dạy con hay nếp nhà của nhau khiến cho mâu thuẫn của đôi trẻ càng bị khoét sâu, nới rộng ra.

“Những “đứa trẻ” lớn không có kỹ năng để tự chăm sóc mình, không có kỹ năng tạo dựng cuộc sống gia đình. Do đó, chỉ cần một xích mích nhỏ là họ dễ bỏ cuộc mà không cố gắng để vun vén hạnh phúc, hàn gắn mâu thuẫn. Cũng do quá dựa vào cha mẹ, họ không hài lòng với sự chăm sóc của bạn đời (vì cả hai cùng vụng như nhau) dẫn đến sự thất vọng và nghi ngờ giá trị của nhau. Sự đổ vỡ cũng từ đó mà ra” - (Bà Nguyễn Thị Hoài Đức - Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình)