Bài học đau xót từ vụ “ôm con cùng tự tử”

ANTĐ - Vụ việc nữ y tá ở xã Vĩnh Lại, Lâm Thao, Phú Thọ có thai 3 tháng, ôm theo con trai 2 tuổi tự tử đã khiến dư luận xôn xao. Không ít người lên án chê trách người phụ nữ chỉ vì mâu thuẫn lặt vặt mà phải tìm đến cái chết, bắt cả đứa trẻ vô tội chết theo. Tuy nhiên, trong cuộc sống nếu không biết cách nhìn nhận ra hiểm họa từ mâu thuẫn lặt vặt, sẽ còn rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra. 

Nhắn tin vĩnh biệt, tưởng dọa

Chị Lê Thị Hương M (SN 1986) ôm con trai 2 tuổi nhảy sông Lô tự tử ngày 1-9. Lúc đó, chị cũng đang mang thai 3 tháng. Theo lời người nhà, chị M tự tử do mâu thuẫn, xung đột nghiêm trọng với gia đình nhà chồng. Còn người chồng chia sẻ, anh biết rõ mẹ và vợ đã mâu thuẫn 2 năm nay, nhưng chỉ là chuyện ăn ở lặt vặt. Chính vì không cho là nghiêm trọng nên suốt 2 năm, mâu thuẫn không được giải quyết mà tích tụ lại ngày càng nhiều. Đến trước khi  đi tự tử, chị M đã nhắn tin vĩnh biệt chồng. Nhưng người chồng cho rằng chị chỉ dọa vì đã nhiều lần chị nhắn tin vĩnh biệt rồi. Anh đã không hề nhắn lại, không lo lắng, đến khi sự việc đau lòng xảy ra thì đã quá muộn màng.  

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Trần Minh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương, mỗi người có ngưỡng chịu đựng khác nhau. Đối với người này chỉ là mâu thuẫn lặt vặt, không đáng quan tâm hoặc chấp nhận theo kiểu “nhà ai chẳng vậy”. Nhưng đối với người khác, mâu thuẫn cãi cọ trong gia đình, giống như một vùng lầy, càng ngày càng nhấn sâu người ta xuống, khiến họ hoảng sợ, đau đớn, mệt mỏi và càng ngày càng có suy nghĩ u ám, dẫn đến ý nghĩ tự tử. Nếu như trong lúc này, người nhà biết và chia sẻ, cùng tháo gỡ mâu thuẫn để họ thấy được quan tâm, yêu thương thì ý nghĩ sẽ không biến thành hành động. Họ đã “kêu cứu” bằng sự tuyệt vọng, bằng cách dọa chết, dọa tự tử thì đó không phải là chuyện đùa, vì một người có tâm lý bình thường không ai mang cái chết của mình và con ra để dọa. Còn khi dọa là họ đã hết sức tuyệt vọng, hết sức đau lòng, họ đã thực sự nghĩ đến cái chết. Nếu lúc đó không ai “nghe” thấy những lời kêu cứu đó, chìa cho họ một bàn tay giúp đỡ thì cái chết sớm muộn sẽ xảy ra. Với suy nghĩ đơn giản, mình chết con mình sẽ khổ nên họ đã mang con cùng chết để kết thúc mọi bi kịch. 

Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục vụ tự tử đau lòng, thường là người mẹ tìm đến cái chết và kéo theo 1-2 đứa con của mình. Hầu hết nạn nhân là những người phụ nữ tuyệt vọng vì mâu thuẫn gia đình, chồng cờ bạc, lăng nhăng, bỏ bê vợ con hoặc quay sang đánh đập, hành hạ. Cũng không ít người trước khi chết đã nhắn tin, điện thoại vĩnh biệt chồng và người thân, nhưng mọi người đều cho rằng “dọa chơi”. Có người chồng còn nhắn lại “Cô muốn làm gì thì làm”, khiến ngọn lửa trong lòng vợ bùng cháy… Tại Hà Nội cũng có nhiều vụ việc thương tâm. Hồi tháng 3, tại xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội), người vợ (32 tuổi) mệt mỏi, cùng quẫn vì chồng nghiện ngập, đánh đập, đã buộc con trai 6 tuổi vào mình rồi nhảy sông. “Cần phải nhìn thấy tảng băng chìm dồn nén bên dưới những chuyện cãi cọ vớ vẩn để kịp thời ngăn chặn. Đáng tiếc, hầu hết người dân Việt Nam đều không có kiến thức nhận biết về vấn đề tự tử, giải quyết các rắc rối tâm lý để kịp thời giúp đỡ và ngăn chặn những người có ý định tự tử. Hầu như chỉ đến khi vụ việc xảy ra mới ngồi hối hận”, TS Trần Minh Tuấn cho biết. 

Cần ngăn chặn từ ý nghĩ

Nhân ngày phòng chống tự tử thế giới (10-9), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có báo cáo cho biết, cứ 40 giây, trên thế giới lại có 1 người chết do tự tử. Tự tử hiện là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai ở nhóm tuổi 15 – 29, 75% số vụ tự tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. TS Shekhar Saxena, Giám đốc WHO về sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện cho biết: “Tự tử đang là hiện tượng toàn cầu và cần giải pháp toàn cầu”. TS Shekhar Saxena cho rằng hiện tượng tự tử có thể giảm được nếu các nước triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống tự tử. Điều này sẽ cung cấp kiến thức cho người dân về nhận biết nguy cơ một người chán nản, căng thẳng và ngăn chặn họ tự tử, đồng thời cũng cho những người có ý định tự tử một giải pháp để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực. 

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội cho biết, Việt Nam cần phải nghiêm túc nhìn nhận và đưa ra các đánh giá, can thiệp trong vấn đề tự tử. Theo bà Vân Anh, để ngăn chặn nạn tự tử, người dân phải được chăm sóc về sức khỏe tâm thần để tháo gỡ khúc mắc cho chính mình và giúp đỡ những người xung quanh. Còn phụ nữ để tránh những cú sốc “mâu thuẫn gia đình”, trước tiên không nên đặt cược toàn bộ cuộc đời mình cho hôn nhân, tin tưởng dựa dẫm hoàn toàn vào chồng. Nếu như người chồng đó không tốt, hôn nhân không như kỳ vọng cũng không suy sụp đến mức mất hết động lực để sống.  

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), trong số gần 10.500 trường hợp được khảo sát có tới 73% người được hỏi đã trải qua cảm giác buồn chán, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống của mình, và 7,5% có những hành động làm đau bản thân nhằm thoát khỏi tâm lý căng thẳng (cứa vào tay, châm thuốc đang cháy lên người…); thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là nhóm có ý nghĩ tự tử cao nhất, nữ có ý nghĩ tự tử cao gấp 2 lần nam.