Ăn, uống gì cũng sợ độc

ANTĐ - Ngồi quán nước nghỉ trưa, anh Nguyễn Văn Đông, 33 tuổi, nhân viên công ty Kim Bôi (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt chuyện:

- Hết chuyện thức ăn, thực phẩm chứa toàn hóa chất lại đến chuyện uống thuốc ngộ độc. Hồi nhỏ tôi vốn còi cọc hơn bạn đồng lứa, lại ăn ít nên bố mẹ cho uống thuốc cam thường xuyên mà có sao đâu. Bây giờ hàng trăm cháu nhỏ ngộ độc chì phải nhập viện do sử dụng thuốc cam. 

- Đa phần số bị ngộ độc là do mua thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc rởm chứ đâu phải ai uống thuốc cam cũng ngộ độc?

- Nói vậy chỉ là lý thuyết, vì thuốc mua ở hàng bán rong, bán dạo, cơ sở hành nghề không phép thì dù có tốt hay độc cũng đương nhiên không được phép. Đời nào người ta lại đi khuyến cáo cứ uống thuốc cam sẽ ngộ độc chì để các nhà thuốc, cơ sở hành nghề thuốc có phép kiện tụng cho phiền phức. Tôi nghe nói cơ quan chức năng vừa kiểm tra 100 mẫu thuốc cam thì có đến hơn 85% mẫu chứa hàm lượng chì cao quá mức cho phép nhiều lần, bảo sao dân không hoang mang cho được. 

- Cái quan trọng là phải tìm hiểu vì sao số thuốc cam nhiễm chì lại cao như vậy?

- Thấy nhiều chuyên gia y tế nói rằng có thể trong bản thân các cây dược liệu để làm ra thuốc cam đã có hàm lượng chì cao. Vậy nhưng từ xưa đến nay thuốc cam vẫn được làm từ những dược liệu này mà có làm sao đâu. Mà nếu đúng như vậy thì có thể đó là nguồn dược liệu mua lậu, không được kiểm soát. Theo tôi, có thể vẫn là do các thầy lang, bà lang cố tình trộn chì vào thuốc nhằm mục đích nào đó, hoặc cũng có thể họ vì thiếu trình độ chuyên môn mà trong quá trình bào chế thuốc đã sử dụng các nguyên liệu gây nhiễm chì.

- Dù là nguyên nhân gì cũng thực sự đáng lo ngại!

- Vâng, hy vọng cơ quan chức năng sớm kiểm soát, quản lý được tình trạng này, còn các bác sĩ thì nhanh chóng tìm được phác đồ điều trị cho các cháu ngộ độc chì.