Tội ác dã man, sát hại người thân yêu để cướp

ANTĐ - Cả 2 vụ trọng án giết người, cướp tài sản xảy ra vào ngày 22 và 24/12 vừa qua đều được Công an Hà Nội điều tra, khám phá nhanh, bắt giữ thủ phạm gây án. Đau lòng thay thủ phạm gây án và nạn nhân lại có quan hệ ruột thịt…

Cả 2 vụ trọng án giết người, cướp tài sản xảy ra vào ngày 22 và 24/12 vừa qua đều được Công an Hà Nội điều tra, khám phá nhanh, bắt giữ thủ phạm gây án.
Đang ở thời điểm những ngày cuối năm, lại đúng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chiến công ấy là điều mừng mới phải. Song tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia phá án đều có chung tâm trạng trĩu nặng, bởi thủ phạm gây án và nạn nhân, đau lòng thay lại có quan hệ ruột thịt…

1. Ngôi nhà chưa đầy 8m2 nằm trong cái ngõ nhỏ tối om, chật chội đến mức khách lạ không biết mà phi xe máy đi vào thì báo hại chỉ có đường lùi ngược trở ra. Đó là nơi trú ngụ của 5 con người trong gia đình hung thủ Nguyễn Duy Hà (21 tuổi), kẻ sát hại bác ruột là bà Nguyễn Thị Yên (SN 1945) ở 69B2 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Theo lời khai ban đầu của Hà, chiều 22/12, Hà rủ bạn (quen nhau qua Internet) là Vũ Ngọc Lương (25 tuổi) ở phố Trần Quý Cáp, phường Văn Chương, Đống Đa, đến nhà bà Yên vay tiền chị Hiền (con gái bà Yên). Trong lúc Hà ngồi đợi chị Hiền đi làm về, bị bà Yên mắng nên giữa Hà và bà Yên xảy ra to tiếng. Hà đã dùng chày đập tỏi và con dao nhọn bà Yên đang dùng làm rau sát hại bác ruột. Sau đó Hà gọi Lương vào, cùng nhau dắt chiếc xe máy nhãn hiệu Shark của chị Hiền đi. Đêm đó, Hà và Lương mang xe lên Thái Nguyên bán được 3 triệu đồng. Hai tên đi tiếp lên Lạng Sơn trốn. Đến sáng 24/12, cả hai đối tượng đã về Hà Nội đầu thú.

Bước lên cái cầu thang sắt bé tí, dốc ngược lên gác xép là "buồng hạnh phúc" của vợ chồng Hà. Chỉ là một chỗ nằm chưa đủ trải cái chiếu đôi, cũng chẳng có gì che chắn, vì sát đó lại là cầu thang dẫn lên các buồng phía trên. "Ở trên đó còn hai cái chuồng chim nữa, dành cho vợ chồng tôi và thằng cả. Cháu cũng đang ốm liệt giường mấy tháng nay, nằm một chỗ" - bà Nguyễn Thị Oanh chua chát khi mời chúng tôi vào nhà.

Xoay một lúc, cả chủ và khách mới yên vị. Tất cả đều ngồi theo kiểu bó gối để không chạm vào nhau. Vợ Hà còn trẻ ngồi tựa vào đống chăn, nét mặt phờ phạc, mệt mỏi. Bà Oanh cho biết con dâu bà mới mang bầu hơn một tháng. Ông Nguyễn Duy Hạnh, bố của Hà mặc bộ quần áo đồng phục bảo vệ ngồi trên bậc cầu thang, hai tay ôm đầu. Ngay cả khi nói chuyện với khách, ông vẫn cúi gằm, khuôn mặt bạc nhược, đau khổ. Đã trót vào nhà rồi, chúng tôi thấy cám cảnh và ái ngại thay cho họ.

Trái với vẻ ngoài sắc sảo và có phần cứng rắn, vừa nghe chúng tôi hỏi thăm, bà Oanh đã òa khóc tức tưởi: "Toàn bộ công việc to nhỏ của cái nhà này đều đè lên vai tôi, một mình tôi gánh hết. Cả đời tôi khổ, có những lúc lang thang không nhà cửa nhưng tôi nguyện không bao giờ làm điều gì sai trái để dính dáng đến pháp luật. Dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố chịu đựng để nuôi chồng, nuôi con. Vậy mà thằng Hà nó không hiểu cho mẹ, nó lại làm tôi khổ thêm thế này…".

Bà Oanh kể,  trước khi gây ra tội ác, thằng Hà tự nhiên thu dọn quần áo mang đi. Bà Oanh hỏi mang quần áo đi làm gì, nó bảo mang đi cho bạn. Rồi nó đi luôn, không quay về. Chiều tối ngày 22/12, ông Hạnh điện thoại về thông báo tin bà Yên bị sát hại. Đang đứng ở bậc cầu thang, bà Oanh ngã lăn xuống đất. Bà có linh cảm xấu tới thằng Hà, vì nó bỏ nhà đi đã hơn một tuần rồi. Đến đêm hôm sau (23/12) thì Hà gọi điện thoại về nhà. "Lúc đó nó đang ở trên Lạng Sơn. Nó khóc bảo mẹ ơi con gây tội lớn rồi. Tôi hỏi tại làm sao đến nông nỗi này hả con? Thằng Hà khóc, nó bảo con đến nhà bác Yên vay tiền, bác bảo không có, con bảo thế thì con ngồi đợi chị Hiền về. Lúc đó bác Yên cầm dao (chắc là đang thái rau) chỉ vào mặt nó mắng: Đời mày cũng giống như con mẹ mày đầu đường xó chợ thôi. Thế là nó bảo bác mắng nó nhiều rồi, mắng nó thì được nhưng không được chửi đến mẹ nó. Nó nghĩ đến tôi làm gì cơ chứ. Nó nghĩ đến tôi nó mới phạm tội… Trời ơi, nó cứ coi như tôi không có danh dự thì đã sao. Việc gì nó phải giữ danh dự cho mẹ nó như vậy…".

Bà Oanh cứ thế khóc nấc lên từng chập. Bà xót xa cho con trai nhưng tự trong câu chuyện kể của bà, tôi biết, bà cũng hiểu, tội lỗi của Hà là đặc biệt nghiêm trọng. Dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi của Hà cũng là một tội ác.

Cũng qua câu chuyện của bà Oanh, chúng tôi mập mờ hiểu rằng giữa vợ chồng bà và hai chị gái ông Hạnh không được hòa thuận, xuất phát từ chuyện giải quyết ngôi nhà chung ở làng Yên Phụ, từ khi bà Oanh mới về nhà chồng. Tình cảm chị em rạn nứt từ đó. Đã 29 năm qua, bà Oanh không gặp mặt chị chồng. Chỉ có ông Hạnh và thằng Hà thỉnh thoảng vẫn xuống chơi nhà bà Yên.

Theo bà Oanh thì trong số những người bên phía gia đình nhà chồng, chị Hiền, con gái bà Yên là người quý thằng Hà nhất. Đó là lý do thằng Hà thi thoảng tìm đến để vay tiền, xin tiền chị họ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Oanh lúc khóc nghẹn ngào, lúc cười ra nước mắt. Kể cả khi thằng Hà chưa gây án thì cuộc đời bà đã là một chuỗi bi kịch. Dường như bà sắc sảo bao nhiêu thì ông Hạnh lại lành hiền bấy nhiêu. Thế nên gánh nặng gia đình đổ dồn hết lên vai người đàn bà này. Đàn bà một mình lao ra thương trường đã trăm phần vất vả. Nhưng bất hạnh vẫn cứ đeo đẳng không thôi. Ba thằng con trai thì thằng lớn sau khi ly hôn mắc bệnh trầm cảm, ốm liệt giường mấy năm nay. Thằng thứ hai thì chết bệnh. Không nói ra nhưng mọi hy vọng của bà Oanh dồn vào thằng con út Nguyễn Duy Hà. Đau đớn thay, hy vọng cuối cùng của bà đã vỡ tan. Việc thằng Hà gây án, vô tình giãn thêm khoảng cách trong mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa vợ chồng bà và phía nhà chồng. Bi kịch chồng lên bi kịch.

Hiện trường vụ án, nơi bà Yên bị sát hại.
Hiện trường vụ án, nơi bà Yên bị sát hại.

2. Trăn trở về bi kịch của gia đình hung thủ Nguyễn Duy Hà chưa nguôi, chúng tôi lại tiếp tục chứng kiến một thảm kịch mới về luân thường đạo lý xảy ra tại xóm 2 Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì. Hành vi gây án của nghịch tử Phan Thanh Tùng (18 tuổi) khiến dư luận bàng hoàng vì sự tàn nhẫn đến mất hết nhân tính của đứa cháu nội. Sau khi siết cổ bà  Nguyễn Thị Nhạn (SN 1937) đến chết, Tùng cùng bạn là Trương Trung Hiếu đã tháo đôi hoa tai rồi ném xác bà nội xuống ao nước nhằm tạo hiện trường một vụ chết đuối. Ngay sau đó, chúng mang đôi hoa tai bán được 400 nghìn đồng. Tùng chia cho Hiếu 100.000 đồng, còn lại 300.000 nghìn, nó mua ngay con gấu bông và cây thông Noel mang đến nhà bạn gái tặng nhân dịp Giáng sinh. Đó là lý do vì sao thằng Tùng đã chọn buổi tối ngày 24/12 để gây án đối với bà nội.

Chiều 26/12, có mặt tại xóm 2 Quỳnh Đô, chúng tôi không khỏi day dứt trước những lời than vãn của hàng xóm, về cách ứng xử của những người trong gia đình nạn nhân sau thảm kịch.  Những người hàng xóm cho biết, đám tang của bà Nhạn được tổ chức theo kiểu "mỗi người một phách". Bàn thờ bà Nhạn vẫn để ở gian nhà bà ở cùng cô con gái út. Nhưng hàng xóm đến viếng thì hai nơi, một là vào nhà bà Nhạn, hai là vào nhà con trai trưởng ở gần đó. Rồi làm cỗ cúng cũng hai nhà. Nhà ông Tuấn (bố của thằng Tùng) làm riêng, nhà con trai trưởng cũng làm cỗ riêng. "Chỉ khổ thân bà cụ, sống đã khổ, lúc chết lại còn khổ hơn!" - một người hàng xóm chép miệng than thở. Những người hàng xóm cho biết dù bà Nhạn ở ngay sát vách nhưng bình thường, thằng  Tùng cũng không quý mến gì bà nội. Con không nhờ được, đến cháu bà cụ cũng chẳng cậy được nốt.

Chân dung hai kẻ thủ ác táng tận lương tâm: Hà và Lương

Bà Nhạn có 9 người con cả thảy, nhưng đến khi xế bóng, bà vẫn chưa hết vất vả vì con. Có hai con trai thì anh trưởng đã mất. Bà Nhạn ở cùng cô con gái út bị câm. Nhưng mẹ con cũng chẳng hợp nhau, bà Nhạn vẫn phải nấu ăn riêng. Mấy năm gần đây, cô con gái tên Bích, nhà ở xóm bên bỗng dưng bị bệnh tâm thần, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Người làng thì đồn đại rằng trước đây chị Bích hay đi cúng lễ, một hôm vào điện thờ có ma xó, thế là bị ma nhập. Chồng mang con về nhà nội, chị Bích ở một mình. Thương con gái không có người chăm sóc, hàng ngày bà Nhạn lụi cụi nấu cơm rồi  xách sang chăm con. Thời gian gần đây, chị Bích yếu hơn, bà sang nhà con gái nấu cơm, sắc thuốc, có tối ngủ lại đó. Và tối 24/12, thằng Tùng vì muốn cướp đôi hoa tai của bà nội đã rủ bạn đi xe máy sang nhà chị Bích, nói dối đón bà về có khách. Bà cụ tưởng thật lên xe theo cháu về nhà. Ngờ đâu thằng cháu đưa thẳng bà ra cánh đồng vắng vẻ rồi ra tay sát hại… 

Một điều tra viên Công an quận Hai Bà Trưng bảo rằng, những vụ án người thân sát hại nhau, không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình, dòng họ đó, mà còn là nỗi khổ tâm của chính cán bộ điều tra khi phải chứng kiến bi kịch ấy. Điều đáng lo ngại là những vụ án như vậy trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu gia tăng. Hành động mất nhân tính của hung thủ, dù có toan tính hay chỉ là bột phát, đều là những dấu hiệu xấu về sự xuống cấp của đạo đức trong gia đình cũng như trong xã hội. Những vụ án đau lòng này, buộc mỗi người phải tự nhìn lại bản thân mình, gia đình mình. Nếu có thể điều chỉnh, nếu có thể tha thứ được cho nhau, là việc nên làm…

"Tôi chỉ biết cứu con bằng cách khuyên con ra đầu thú…"
(Bà Nguyễn Thị Oanh, mẹ của hung thủ Nguyễn Duy Hà)

Khi các anh Công an đến gia đình vận động đầu thú, tôi biết bản thân mình phải làm gì. Tôi muốn cứu thằng Hà, thì chỉ có cách duy nhất là khuyên nó sớm ra đầu thú. Thế nên đêm 23/12, khi thằng Hà từ Lạng Sơn điện thoại về, tôi bảo nó con ơi, nếu con còn thương mẹ, thương vợ, thương con của con thì con ra đầu thú càng nhanh càng tốt. Nó bảo mẹ ơi đằng nào cũng chết thì con uống thuốc tự tử… Tôi bảo con đừng làm như thế, con về đi, vẫn còn cơ hội, để con còn nhìn thấy con của con và vợ con, còn mẹ già rồi mẹ cũng chẳng thiết gì đâu. Tôi bảo thôi con đừng chết, con đi về với vợ, với con của con. Mẹ thì già rồi mẹ chết cũng được nhưng con của con, đừng để nó không có bố. Mồ côi là khổ lắm.

Nghe tôi nói vậy, nó khóc, nói  con thương mẹ lắm, con xót vợ con… Tôi bảo con đã nói được như thế thì con về càng nhanh càng tốt. Con hãy trả lời mẹ đi cho mẹ tin câu con nói là thật. Nó bảo: Vâng, thế thì con về. Nhưng lúc đó là 1 giờ đêm, không có xe. Nó lại bảo mẹ ơi không có xe, con không có tiền, sáng mai con mới về được. Tôi bảo nó cứ thuê xe về, mẹ sẽ trả tiền. Nó hỏi thế mẹ và vợ con đang ở đâu. Tôi nói đang ngồi ở đầu đường, không dám nói đang ngồi ở Công an quận (vì khi nó gọi điện thoại về, tôi đã lên quận trình báo). Tôi chỉ dám nói mẹ và vợ con đang buồn vì con đi lâu quá. Vợ con thì xót con mà mẹ thì đau nên hai mẹ con không dám ngồi trong nhà, sợ anh con ốm anh con lại nghĩ ngợi nên  mẹ cùng vợ con kéo nhau ra đường ngồi. Thế nên con về nhanh đi, con mà chưa về thì mẹ và vợ con vẫn ngồi ngoài đường để chờ con về.

Đến khoảng 5 giờ sáng, có xe, nó điện thoại về bảo mẹ ơi, 3 tiếng nữa con sẽ về đến nhà, con lên xe đây, mẹ đừng gọi điện nữa. Tôi bảo thôi con đừng về nhà, mẹ xấu hổ lắm (Tôi sợ nó về nhà, Công an đến bắt, mọi người nhìn vào thì tôi nhục lắm) Tôi bảo nó: Con về thẳng quận đi, mẹ đi taxi cùng vợ con ra quận. Nó bảo nhưng mẹ ơi con sợ lắm. Tôi bảo con là thằng đàn ông, dám làm thì phải dám chịu. Nhưng nó vẫn nói sợ. Tôi bảo vậy thì con đi về chỗ chợ Hôm (là chỗ trước đây tôi bán hàng), đến phố Trần Xuân Soạn mẹ đón con. Rồi tôi cùng các anh công an ra phố Trần Xuân Soạn chờ đón nó. Cũng may khi nó vừa về đến thì các chú công an bảo cứ ngồi luôn xe đó rồi đưa thẳng về quận,  chứ nếu để nó xuống xe, công an đến bắt trước mặt tôi thì tôi xấu hổ với bạn bè, với mọi người xung quanh lắm.