Tâm sự của phạm nhân giết người bên 50 lá thư vợ gửi chưa một lần đọc

ANTĐ - Cay đắng khi bắt gặp vợ mình đang tằng tịu với một người đàn ông khác, Lê Đình Nin (SN 1987) đã tước đi tính mạng kẻ tình địch rồi bước vào vòng lao lý mà không mảy may ân hận về tội ác của mình. Thi hành bản án 13 năm tù về tội Giết người tại Trại giam Tống Lê Chân, Lê Đình Nin bảo rằng anh ta có 2 kỷ vật luôn để dưới gối mình khi đi ngủ, đó là tấm hình cô con gái và tập thư hàng chục bức của vợ gửi vào suốt thời gian qua mà anh ta  chưa một lần…“thèm” đọc.

Hạnh phúc ngắn 

Lê Đình Nin sinh ra tại một vùng quê nghèo của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở còn đi học, Nin bảo với chúng tôi rằng anh ta rất thích học các môn khối A và khao khát được vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, do kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn nên ước mơ đại học của Nin bị dang dở. Năm 2001, Nin bỏ học khi mới vào lớp 10 để vào Nam lập nghiệp kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Xin vào làm việc tại một công ty sản xuất giày da của Đài Loan ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), Nin tuy chỉ là công nhân bình thường nhưng rất chịu khó và thường xin làm thêm ca, thêm giờ để tăng thu nhập. Năm 2007, trong một lần tình cờ đi giao ca, Nin quen cô gái Võ Thị Minh (SN 1987), ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ban đầu là chỗ đồng hương thân thiết, nhưng dần dần hai người cảm mến và yêu nhau. Sau 1 một năm tìm hiểu, Nin quyết định ngỏ lời xin cưới Minh làm vợ và được cô gái đồng ý. Đám cưới tại quê nhà tuy giản dị nhưng ấm cúng và họ hàng ai cũng mừng cho Nin, cho bố mẹ cậu có con dâu đẹp người, đẹp nết. 

Thời gian bên gia đình ngắn ngủi, Nin và vợ lại khăn gói vào Bình Dương tiếp tục công việc. Hai vợ chồng cùng làm tại một công ty nhưng lương tháng của cả hai chỉ gần 4 triệu đồng. Năm 2009, khi đứa con gái đầu lòng ra đời cũng là lúc Nin phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh. Nin tâm sự: “Lúc con lớn dần thì hai vợ chồng em cũng tính chuyện gửi con đi nhà trẻ nhưng tiền không có để trang trải khoản này. Thuê người trông cũng tốn kém nên thi thoảng con ốm, vợ lại xin nghỉ ở nhà để trông nom. Em biết hoàn cảnh của hai vợ chồng đang thiếu thốn nên ngoài việc ở công ty, thi thoảng em đi phụ hồ cùng bạn bè ở ngoài. Sau một thời gian, thấy việc làm phụ hồ thu nhập còn khá hơn làm công nhân giày da nên em bỏ việc cũ, chuyển hẳn về TP Hồ Chí Minh nhận công trình”. 

Bi kịch trong đêm

Kể từ khi về TP Hồ Chí Minh, thi thoảng Nin mới thu xếp công việc để về nhà thăm vợ con đang sinh sống trong một căn phòng trọ nhỏ ở khu 1, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là vợ Nin trong khi chồng vắng nhà đã ăn nằm với kẻ khác. Bi kịch đã xảy đến khi Nin phát hiện ra việc này. Một đêm tháng 6-2010, Nin đi nhờ xe người bạn từ TP Hồ Chí Minh về thăm vợ con với niềm vui vừa được lĩnh lương sau khi hoàn thành một công trình. Muốn vợ bất ngờ, Nin đã không gọi điện báo trước. Về đến cửa phòng trọ, Nin thấy có một đôi dép nam để ở ngoài nên tưởng mình vào nhầm phòng. Nhưng nhìn đi nhìn lại, Nin thấy đó đúng là “tổ ấm” của vợ chồng mình. Nin từ tốn gõ cửa. Trong nhà vọng ra tiếng hỏi của vợ Nin: “Ai đấy?”. Nin trả lời :“Anh đây, mở cửa cho anh”. Chờ mãi, chờ mãi, Nin mới thấy vợ khẽ hé cửa nhìn ra ngoài. Tức giận đẩy mạnh cửa, Nin bước vào trong và càng nghi ngờ hơn khi thấy bộ dạng lấm lét của vợ. Đảo mắt nhìn quanh phòng rồi thấy vợ cứ thoáng chốc lại bất giác hướng ánh mắt nhìn về phía nhà tắm. Xộc vào phòng tắm, Nin bắt gặp một gã đàn ông trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi đang núp ở đó, trên tay còn ôm bộ quần áo dài chưa kịp mặc. Sau này, Nin mới biết đó là Hoàng Văn Dũng (SN 1985, ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), một người bạn công nhân cùng làm chung công ty giày da với vợ chồng Nin trước đó. 

Nỗi uất hận dâng lên, Nin túm tóc lôi Dũng ra ngoài để đánh. Thấy vợ khóc lóc van xin cho Dũng, Nin càng điên tiết hơn. Nin bắt vợ đi gọi người nhà của vợ đến chứng kiến. Nin kể lại: “Lúc đó có rất nhiều người đến chứng kiến sự việc và khuyên em bình tĩnh nhưng quả thực em không tài nào nguôi giận được. Nếu ai đặt địa vị vào em về nhà thăm vợ con nhưng bắt gặp vợ ngoại tình thì làm sao có thể không tức giận cho được?”. Không thể nuốt trôi nỗi nhục bị “cắm sừng”, Nin đạp cho Dũng vài cái nữa khiến điện thoại của nạn nhân rớt xuống đất. Ngó thấy hình nền của chiếc điện thoại chính là ảnh chân dung của con gái mình, Nin lồng lộn như một con thú dữ khi nghĩ rằng: “Chẳng nhẽ nó là bố của con gái mình?”. Vớ được một chiếc gậy gần đó, Nin vụt liên tiếp vào người Dũng rồi cầm con dao gọt hoa quả gí vào cổ Dũng tra hỏi: “Mày ngủ với vợ tao mấy đêm rồi?”. Dũng trả lời: “Hai đêm, lần này là lần thứ hai”. Tức thì Nin cầm tóc Dũng kéo đầu thanh niên này đập vào tường nhiều lần đến khi bất tỉnh. Mọi người đã lao vào tước con dao của Nin và đưa Dũng đi cấp cứu, lúc này, trời đã tảng sáng. Tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Thủ Dầu Một, Hoàng Văn Dũng đã tử vong do chấn thương sọ não. Ngay sau đó, Lê Đình Nin bị Công an Thị xã Thủ Dầu Một bắt giữ, khởi tố về tội Giết người.

Nỗi đau dần nguôi ngoai 

Nhắc lại chuyện cũ, Nin ân hận nói: “Các cụ có câu “cả giận mất khôn” nên em đánh mất tự chủ mà làm vậy. Lúc các anh công an đến bảo lên trụ sở lấy lời khai, vợ em vẫn khóc lóc xin em tha thứ. Em chỉ hỏi: “Tại sao cô làm thế? Tại sao cô phản bội tôi?” rồi đi. Em nghĩ rằng tình nghĩa vợ chồng cũng đã hết sau câu nói ấy”. Nghe tin Nin giết người và đã bị công an bắt giữ, cha của Nin không giữ nổi bình tĩnh và bị ngất ngay tại chỗ. Do sức khỏe yếu và huyết áp không ổn định, chỉ một thời gian ngắn sau thì ông qua đời. Vào thăm con, mẹ Nin ban đầu không dám nói cho Nin tin dữ về tang cha. Nhưng em gái ruột của Nin thì cứ thút thít khóc nên Nin đã gặng hỏi và nhận được câu trả lời: “Bố vì chuyện của anh mà suy sụp và mất rồi”. Nghe dứt câu nói, Nin ngồi ngây người như hóa đá rồi bật khóc. Nin không ngờ chuyện mình gây ra phải trả một cái giá đắt đến thế. “Em đã khóc, khóc rất nhiều, cả tuần liền em không thể động đũa ăn cơm. Em là đứa con bất hiếu, chưa báo ơn sinh thành đối với cha mẹ ngày nào mà lại còn gây ra việc tày đình. Quả thực, cho đến giờ, em vẫn chưa quên cảm giác của mình lúc đó. Nó phũ phàng và cay đắng quá”, Nin kể lại. 

Ngày Nin bị quản thúc tại Trại tạm giam để phục vụ công tác điều tra, vợ Nin có bế con lên thăm nhưng Nin từ chối gặp. Lần thứ hai, vợ Nin lại bế con cùng với mẹ chồng và em chồng lên thăm gặp. Mẹ Nin bảo: “Có tha thứ được cho vợ thì tha, cái tình vợ chồng đã hết nhưng nghĩa thì vẫn còn. Con gái là con của con chứ không phải của ai khác, đừng có nghĩ lung tung mà phải tội”. Sau câu nói này, Nin đồng ý gặp vợ nhưng vẫn không nói một lời nào. Nin tâm sự: “Cô ấy khóc, còn em thì thấy buồn quá! Cuộc đời đối với em cho đến bây giờ chưa lúc nào thấy hết cực”. Ngồi tâm sự với chúng tôi, Nin bảo sau lần gặp ấy, vợ anh dường như rất ân hận về tội lỗi ngoại tình của mình. Trong lần thứ ba lên thăm chồng, cô đã gửi cho Nin một tấm hình của con gái. Liền sau đó, vợ Nin rất đều đặn gửi thư vào cho chồng bên ngoài phong bì đề chữ: “Em biết em sai, em nhất thời làm việc hồ đồ có lỗi với anh, không dám mong anh tha thứ, chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe mà cải tạo cho tốt”. Thế nhưng, những lá thư vợ gửi vào, Nin chỉ để đấy mà không đọc. Từ ngày nhận lá thư đầu tiên cho đến nay đã gần 50 bức thư của vợ, Nin vẫn chưa đọc lá thư nào. Nin bảo: “Vào trong trại, có người hỏi em nếu gặp lại cảnh đấy thì có hành xử thế không? Em khẳng định là em vẫn muốn làm vậy nhưng sẽ không làm vì sợ mẹ em đau lòng. Suốt mấy năm cực nhọc làm thuê, làm mướn đủ nghề, đủ nơi, không nghĩ cho mình, chỉ mong vợ con được tấm áo mới, có đủ cơm ăn, điều kiện sống sung túc hơn, vậy mà đổi lại em được cô ấy “báo đáp” như thế...”.

Tại trại giam, các quản giáo rất đồng cảm với hoàn cảnh dẫn đến việc phạm tội của Nin nên thường xuyên động viên, chia sẻ và trò chuyện với phạm nhân này. Một cán bộ quản giáo Phân trại số 1 cho biết: “Trường hợp của Nin không ai trong chúng tôi không biết. Thấy phạm nhân này nhiều tâm sự và đôi khi hay buồn chán, chúng tôi phân công nhau động viên cho Nin yên tâm cải tạo để sớm trở về bên con và gia đình”. Sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn của cán bộ quản giáo cuối cũng đã giúp phạm nhân Lê Đình Nin hồi tâm chuyển ý. Sau nhiều đêm suy nghĩ và trằn trọc không ngủ, Nin đã viết thư hồi âm cho vợ. Lá thư ấy, theo lời Nin kể chỉ vẻn vẹn có 3 dòng: “Cái gì nó qua rồi thì thôi, không nhắc lại nữa mà thêm buồn, thêm suy nghĩ. Em gắng nuôi con để bù đắp lại những ngày tháng đã qua”. Hỏi Nin rằng liệu có thể tha thứ được cho vợ mình không vì cô ấy cũng đã biết lỗi rồi, đã rất ăn năn và có lẽ đó chỉ là một phút xao lòng không mong muốn đã xảy ra. Nin cười, nụ cười duy nhất trong buổi trò chuyện, mà đáp lời: “Em chưa nghĩ đến việc đó. Hiện giờ em chỉ quan tâm xem con mình thế nào thôi. Nó đã lên 3 tuổi và vừa mới vào thăm em đấy. Nghe tiếng con gọi “bố”, niềm vui ấy đã giúp em cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Cháu càng ngày càng giống em nên em cũng nguôi ngoai”… Nói lời chào chúng tôi mà bỗng thấy trong đôi mắt phạm nhân này khác hẳn với lúc mới gặp. Có lẽ với Nin, việc kể được ra câu chuyện thầm kín đau đớn mà gắng gượng chôn giấu trong lòng mà chẳng thể tiêu tan đã phần nào làm cho phạm nhân này thanh thản hơn.