Kiều nữ xứ Lạng và những vụ trộm cắp “siêu hạng”

ANTĐ - Xuất hiện ở tòa với cặp kính cận thời trang và mái tóc buộc kiểu đuôi gà, Lương Thị Thanh mang vẻ xinh tươi của một sinh viên con nhà khá giả. Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài ấy lại là một tay trộm cắp siêu hạng.

Lương Thị Thanh bần thần ngồi đợi tòa ra tuyên án

Lừa lấy lòng tin để trộm cắp

Phiên xét xử Lương Thị Thanh (SN 1994, trú ở xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) theo tội “Trộm cắp tài sản” diễn ra vào chiều muộn ngày 19-12, do tòa phải đợi người đại diện hợp pháp của bị cáo có mặt. Thời điểm này, Thanh đã bước vào tuổi 18, nhưng pháp luật vẫn buộc phải xem xét tội phạm của cô ta từ hồi còn là “trẻ con”. Bị dẫn giải tới tòa, nhưng Thanh vẫn xúng xính trong chiếc khoác mũ lông hàng hiệu và chiếc quần âu là “cháy” ly. Đối lập với sự ăn diện của kiều nữ – ông Lương Văn Phương (bố của Thanh) lại lặn lội đến tòa trong bộ dạng mệt mỏi. 

Cùng với cáo trạng truy tố sau khi phiên xử bắt đầu, kiều nữ đã nói về mánh lới trộm cắp của mình. Cuối năm 2009, Thanh lên mạng Internet tán gẫu và nhanh chóng quen được nam sinh viên một trường đại học. Ngỏ lời “kiếm hộ” bộ trang phục cảnh sát, kiều nữ lập tức được anh chàng kia giúp đỡ. Thế rồi kiều nữ “đóng bộ”, chụp hình và đưa lên mạng với những lời trích dẫn “mùi mẫn” và cái tên Trần Thị Hồng Nhung. Nhờ vẻ ngoài hiền lành và tấm “bình phong” cảnh sát, Thanh dễ dàng làm quen, tiếp cận một số người, để từ đó thừa cơ “cuỗm” tài sản, rồi lặn mất tăm. 

Một trong những nạn nhân là vợ chồng anh Nguyễn Hồng Thanh, trú ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hồi tháng 8-2010, Thanh lên mạng làm quen với anh Nguyễn Văn Luyện, sinh viên trường Sỹ quan Chính trị Bắc Ninh. Ngay trong lần đầu tán chuyện, Thanh đã tự giới thiệu đang làm việc tại Cục Hình sự - Bộ Công an. Ngày 8-11-2010, kiều nữ “mò” về Bắc Ninh với lý do đi công tác. Thanh được Luyện đưa đến nhà anh Hồng Thanh (chỉ huy của Luyện) chơi. Được chủ nhà nhiệt thành giữ lại ít ngày, Thanh đã lén mở tủ lấy cắp 5 chỉ vàng, trước khi “mất dạng”.

Cùng thời điểm thực hiện vụ trộm cắp trên, tháng 10-2010, Thanh lại tự giới thiệu đang công tác tại CAQ Tây Hồ để làm quen với chị Lê Thị Thanh Vân ở Quảng Ninh. Ngày 3-11-2010, kiều nữ tìm về đất mỏ vì lý do “công vụ”. Ăn ở tại nhà chị Vân, Thanh phát hiện gia chủ thường để chiếc ví hớ hênh, bên trong có 17 triệu đồng. Nhân lúc chị Vân ra ngoài, kiều nữ xứ Lạng liền cất ngay vào túi mình và tức khắc rời khỏi hiện trường… Theo lời trần tình của Thanh, ngoài những vụ trộm cắp “siêu hạng” này, cô ta còn gây ra nhiều vụ trộm cắp máy tính xách tay nữa, khi thì ở các quán cà phê, lúc lại ở một vài nhà trọ. Và hầu hết những lần “chôm chỉa” tài sản ấy, kiều nữ đều nhận mình là cảnh sát hòng chiếm được sự tin tưởng tuyệt đối của bị hại.           

Trượt dài vì hoàn cảnh?

Trình bày về các tang vật trộm cắp với tòa, Thanh lý nhí: “Bị cáo đã bán đi và ăn tiêu hết cả”. Lúc vị hội thẩm căn vặn: “Bị cáo thấy hành vi của mình đáng xấu hổ không? Ở tuổi của bị cáo lẽ ra phải ra sức học tập và cống hiến cho xã hội, đằng này lại chuyên đi lấy cắp tài sản của người khác. Bị cáo nghĩ sao?”. Lương Thị Thanh chỉ cúi đầu im lặng.

Giờ tòa nghị án, chúng tôi tranh thủ tiếp xúc Thanh. Với mánh lới cực kỳ tinh vi khi gây án, ngỡ tưởng Thanh từng được học hành “đến đầu đến đũa”. Ai dè, cô ta mới chỉ học hết lớp 5. Năm 2004, Thanh vừa bước vào lớp 6 thì mẹ đột ngột qua đời. Ít ngày sau Thanh bỏ học, rồi bỏ luôn cả bố, chị gái và em trai để về Sóc Sơn sống với ông bà ngoại. Cũng kể từ thời điểm đó, Thanh thường xuyên “dạt” nhà xuống Hà Nội. Những ngày đầu “tự lập”, Thanh đi bán quần áo thuê. Nhưng chỉ sau một lần “chôm” được tài sản của người khác một cách dễ dàng, cô ta bắt đầu trượt dốc. Trong lúc chờ tòa Đống Đa đưa vụ án ra xét xử, Thanh bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên đã bị công an truy bắt theo lệnh truy nã, ngày 27-7.

Ngoài trời nhá nhem tối, lất phất mưa phùn, trong phòng xử án, Lương Thị Thanh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 tháng tù giam. Nhìn kiều nữ lầm lũi bước ra xe chở phạm, trong lòng chúng tôi cứ canh cánh một điều, liệu sau này mãn hạn tù, Thanh có thoát khỏi câu ca: “Ăn trộm quen tay, ăn mày quen ngõ”!?