Giây phút cuối cùng của kẻ giết mẹ liệt sỹ, cướp vàng

ANTĐ - “Trong khuôn mặt khá hiền lành, trắng trẻo, cao ráo, sáng sủa…, lẽ ra phải có tương lai khác…”, lời của một quản giáo trước khi đưa “tử tù” rời khỏi phòng chờ ở trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình để bước lên xe ra pháp trường. Ít ai có thể ngờ rằng đây chính là một kẻ sát nhân máu lạnh, chỉ vì thiếu tiền để tiêu xài cá nhân mà y đã nhẫn tâm sát hại dã man mẹ Liệt sỹ Lê Thị Cỏi (80 tuổi) để cướp đi số vàng mà mẹ đã tích cóp từ số tiền tuất ít ỏi của mẹ.

Sau 2 năm chờ thi hành án tại trại tạm giam, “tử tù” Nguyễn Thái Bảo (SN1991), ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, với tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản” đối với mẹ Liệt sỹ Lê Thị Cỏi, ở bản Khe Ngang, gây nhiều phẫn uất trong dư luận nhân dân, đã đến lúc phải trả cái giá của mình.

4h30”, một ngày cuối tháng 4/2011. Trước mặt tôi, Bảo gầy hơn so với lần trước tôi gặp khi vừa mới bị bắt. Trong căn phòng gặp gỡ, chưa đầy 10m2, hôm nay đông hơn thường lệ, trong khi Hội đồng thi hành án và các cán bộ trại tạm giam đang tất bật chuẩn bị cho công việc cuối cùng để loại bỏ một con người ra khỏi đời sống xã hội, thì “tử tù” được một đặc ân được viết lá thư cuối cùng, những nét chữ đều thẳng tắp được “tử tù” cẩn thận viết trong lá thư cuối cùng gửi cho gia đình trước giờ ra pháp trường.  

Ba, mẹ hôm nay là ngày con phải trả giá cho những lỗi lầm của con gây ra. Con đã xa ba, mẹ và gia đình đã được hơn 2 năm rồi, đến hôm nay thì thật sự con phải xa ba, mẹ và em mãi mãi, con mong sao mai này con không còn nữa, ba, mẹ và em sẽ vẫn cứ sống cho thật tốt đừng quá đau buồn vì con. Ba, mẹ và em hãy tha lỗi cho con vì đã không thể chăm sóc được ba, mẹ và em. Ba mẹ và em khi nghe tin con thi hành án thì đừng có đau buồn nhiều nữa, hãy cố gắng coi như là con đã mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Con rất muốn viết để tâm sự với ba, mẹ và gia đình thật nhiều nữa, nhưng cuộc sống của con bây giờ chỉ được tính bằng giờ nữa thôi, con cũng chẳng có gì hơn mong ba, mẹ và những ai đã hy vọng về con đừng quá đau buồn hãy giữ gìn sức khỏe để sống tiếp cho ba mẹ cho em và cả cho con nữa..."

Tử tù Nguyễn Thái Bảo viết lá thư cuối cùng gửi cho gia đình trước giờ ra pháp trường.

"...Em gái thân mến, anh đã sắp xa ba, mẹ và em lần này là mãi mãi, anh chỉ muốn nhờ em hãy thay anh chăm sóc ba, mẹ hãy sống cho cả anh nữa nghe, cố gắng học tập, nghe lời ba, mẹ đừng để ba, mẹ buồn, anh đến lúc này thì anh cũng chỉ có thể nói với em như thế thôi chúc em sức khỏe, nhớ lời anh nghe chưa…”.

Bức thư tử tù Bảo gửi lại cho gia đình

Bữa cơm cuối cùng khá thịnh soạn của một tử tù trước giờ ra pháp trường được bày ra. “Ăn kẻo đói Bảo ơi”, tiếng của một “chị nuôi” từ cửa sổ vọng vào.... Từ chối bữa ăn, Bảo xin điếu thuốc rít liên hồi, 2 bàn tay Bảo run liên hồi, khuôn mặt tái nhợt.

Ông Lê Văn Phú - Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình (Chánh tòa hình sự, TAND tỉnh Quảng Bình) cho biết: Việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn đối với Nguyễn Thái Bảo là trường hợp cuối cùng tại Quảng Bình theo Luật quy định. Luật thi hành án hình sự đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Theo đó, Luật áp dụng hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay vì xử bắn như hiện nay. 

5h00”, 2 cán bộ dìu Bảo lên xe chở phạm nhân và tiếng cánh cửa đóng lại vang lên khô khốc khiến Bảo giật mình. Chiếc xe lao đi vun vút. Cùng ngồi sau thùng xe với “tử tù”, như đã quá hiểu với tâm trạng của những “tử tù” trước giờ ra pháp trường, một cán bộ trại giam vừa trấn an và kể câu chuyện một “tử tù” khác trước giờ đến pháp trường. Chuyện một “tử tù” đã vui vẻ hát tặng cho cán bộ và còn kể những câu chuyện tình cảm riêng tư của mình cho cán bộ nghe, rồi chân thành nói lời cảm ơn cán bộ quản giáo đã giúp đỡ mình trong thời gian ở trại và thanh thản đón nhận điều sắp xảy ra với bản thân hết sức nhẹ nhàng, như luật đời người ta thường nói “có ăn có trả”.

Bảo lặng thinh. Một số câu hỏi được Bảo trả lời nhát gừng và dường như muốn giành thời gian còn lại để nghĩ về điều gì đó. Thoáng thấy tôi cầm chiếc điện thoại trên tay, “xin cán bộ cho em nghe tí nhạc”, Bảo cất lời. “Cán bộ mở cho em nghe bài “Trở về cát bụi””, lời của Bảo như hối thúc.

“Sao em lại thích bài này? mới thích hay lâu rồi?” Tôi vội hỏi, như để lý giải tâm trạng của Bảo. Khuôn mặt tái nhợt, lặng thinh, Bảo nhìn xa xăm như vô định. Một bài hát được phát ra từ chiếc điện thoại của một cán bộ dẫn giải ngồi cạnh. Y trầm ngâm thưởng thức. Không biết y đang nghĩ gì? Y đang nghĩ đến bố, mẹ và những người thân của y hay nghĩ đến tội ác tày đình mà y đã gây ra? Giờ phút này, hẳn y mới cảm nhận được giá trị sự sống, cảm nhận được thời gian trôi nhanh đến mức nào.

Theo hồ sơ vụ án, thì khoảng 8h sáng 12/2/2009, nhà Bảo đối diện với nhà anh Nguyễn Văn Công (con trai mẹ Cỏi). Theo dõi thấy vợ chồng anh Công đi làm, bà Cỏi cũng vừa ra khỏi cổng nhà, Bảo liền đột nhập. Trong khi đang lục lọi tìm tài sản thì bất ngờ bà Cỏi đi về và bắt gặp, bà Cỏi kêu lên "Mi mần chi rứa Bảo", thấy bà Cỏi nhận ra mình nên Bảo đã dùng 2 tay bịt chặt mũi, miệng bà Cõi. Hắn vật ngã bà cụ xuống nền nhà, dùng tay bóp chặt mũi, miệng bà Cỏi khoảng 10 phút. Thấy bà Cỏi hết vùng vẫy, Bảo mở túi vải bà Cỏi buộc quanh bụng lấy ra một túi ni lon trong đó có 15,5 chỉ vàng và hơn 4 triệu đồng. Bảo lấy số tài sản bỏ vào túi quần rồi đi về hướng bếp. Thấy chiếc xoong nhôm to đựng nước, Bảo bê vào phòng lồi rồi kéo xác bà Cỏi dìm đầu vào xoong nhôm. Sau đó Bảo về nhà cất tiền vào va ly, còn số vàng Bảo bỏ vào lon bia chôn cạnh gốc cây phía sau nhà. Mấy ngày sau, y mang số vàng đi bán lấy tiền tiêu xài. Sau một thời gian ngắn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã xác định Nguyễn Thái Bảo chính là hung thủ gây án và bắt giữ hắn. 

Vụ án xôn xao dư luận đã được TAND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra xét xử và quyết định khung hình phạt đối với Nguyễn Thái Bảo là “tử hình” về tội "Giết người", 7 năm tù về tội "Cướp tài sản". Tổng hợp hình phạt chung là "tử hình". Sau đó TAND tối cao đã bác đơn kháng cáo và đơn xin tha tội chết của hắn cũng bị Chủ tịch nước không chấp nhận, bởi tội ác tày đình của tên giết người cướp của.

“Kẻ gieo gió phải gặt bão”, âu đó cũng là chân lý muôn đời. Chung cảm nhận với những người cùng đến pháp trường để “tiễn đưa”, chúng tôi vừa trách, vừa giận nhưng cũng vừa thương kẻ "tội đồ". Y còn quá trẻ, gia đình y chỉ có mình y là con trai. Bao nhiêu hy vọng, niềm tin và tương lai đang còn rộng mở phía trước đối với Bảo. Ấy thế mà chỉ vì một phút nông nổi, a dua theo bạn bè mà giờ đây Bảo phải trả giá quá đắt, cái giá bằng chính cả sinh mạng của mình. Giây phút cuối cùng của cuộc đời cũng là khi mà một “tử tù” biết được giá trị của sự sống.

“Y chấp hành rất tốt, ít nói nhưng rất được các bạn tù khác quý mến. Nhờ xác định trước “cái giá phải trả” của mình, cùng với sự động viên thăm hỏi thường xuyên của gia đình, vì thế mà y không có những hành vi xốc nổi, bất cần đời như những bạn “tử tù” trước đây”, một cán bộ trại giam nhận xét.

“Vốn rất khéo tay, những gói mì tôm và túi ni long đựng đồ ăn được Bảo giữ lại cẩn thận, tỉ mỉ kéo giãn ra rồi se lại với nhau thành từng sợi nhỏ và khéo léo đan thành những món đồ chơi rất đẹp, con tôm Bảo phải mất hơn 1 tuần, con thuyền thì có khi phải mất nửa tháng. Thế nhưng sau khi làm xong Bảo đều tặng cho các bạn tù của mình để tặng lại người thân”, một bạn tù của Bảo kể lại.

5h30” sáng, chiếc xe chở tử tù Nguyễn Thái Bảo đỗ ngay ngắn gần cây cột gỗ cao hơn 2m được dựng sẵn từ chiều hôm trước ở khu vực trường bắn tiểu khu Trạng, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới. Những khâu chuẩn bị đã được các đơn vị trong Hội đồng thi hành án tiến hành khẩn trương, nhưng hết sức chu đáo, đúng pháp luật. Vị Chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình đọc các quyết định tử hình, tóm tắt quá trình phạm tội của Bảo, bác đơn xin tha tội chết của Chủ tịch nước và các quyết định có liên quan… Kẻ phạm tội ác phải đền tội, mọi sự ân hận đều đã quá muộn màng.