Xét xử phúc thẩm “đại án” Vinalines

Dương Chí Dũng “kêu” giúp cho “bạn gái”

ANTĐ - Hôm qua 22-4, TAND Tối cao mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). 

Dương Chí Dũng “kêu” giúp cho “bạn gái” ảnh 1
Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo có đơn kháng cáo gồm Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (SN 1957, nguyên Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (SN 1952, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines), Mai Văn Khang (SN 1958, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin), Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (SN 1970, nguyên Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6 - Cục Đăng kiểm Việt Nam), Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm Phó Chánh Văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa), Lê Ngọc Triện (SN 1964, nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa) và Lê Văn Lừng (SN 1959, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong). 

Tại ngày thứ nhất của phiên xử phúc thẩm, hầu hết 9 bị cáo đều kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt cũng như mong HĐXX xem xét số tiền mà các bị cáo phải bồi thường. Cụ thể, biện minh cho tội danh “Tham ô tài sản”, cả hai bị cáo Dũng và Phúc đều khẳng định không nhận một xu nào từ  bị cáo Trần Hải Sơn, không thỏa thuận về việc ăn chia 1,666 triệu USD với ai mà cho rằng lời khai của Sơn là bịa đặt. Tuy nhiên, hai bị cáo này cũng thừa nhận từng nhận “rượu biếu” và một phong bì của Sơn để trong túi quà.

Nhằm làm rõ hành vi của Trần Hải Sơn liên quan đến việc đàm phán mua ụ nổi 83M, HĐXX đã đưa ra một số câu hỏi và đều được Sơn trả lời khá rành rọt. Sơn khẳng định mình không tiến hành đàm phán mua ụ nổi và khai Ban Tổng Giám đốc (tức là “anh Phúc” và “anh Chiều”) tiến hành đàm phán. Bị cáo không ở Tổng Công ty nên không biết cụ thể thời gian đàm phán như thế nào. Khi sang Nga khảo sát ụ nổi thì Trần Hữu Chiều làm trưởng đoàn và làm việc với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP - Singapore. Sau khi về nước thì giữa bị cáo và ông Goh không có thư từ gì liên lạc với nhau. Bị cáo cũng không rõ có thư nào trao đổi với ông Chiều, ông Khang hay không. Còn về chứng cứ đưa tiền cho bị cáo Phúc và Dũng, Sơn nói: “Thật ra, cũng chẳng có chứng cứ gì về việc đưa tiền. Chỉ có vợ chồng em gái bị cáo chứng kiến việc xế́p tiền vào va ly”.

Tại phần thẩm vấn diễn ra trong ngày hôm qua, hầu hết các bị cáo đều quanh co chối tội, không khai thẳng sự thật mà “đá” trách nhiệm sang nhau. Riêng bị cáo Lê Văn Dương được HĐXX nhận định là thành khẩn và có những nhận thức tích cực tại phiên tòa này.  

Đáng chú ý, ngoài 9 bị cáo có đơn kháng cáo lại bản án sơ thẩm thì 3 cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này cũng có đơn kháng cáo về việc bị cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản là bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dũng), Phan Thị Thảo (“bạn gái” của bị cáo Dũng) và Ngô Thị Vân (vợ của bị cáo Mai Văn Phúc). Theo bà Phương, tiền mà ông Dũng bỏ ra mua hai căn nhà đứng tên bà Thảo chủ yếu là tiền của bà Phương được bà Phương huy động của người khác. Điều này cũng được bị cáo Dũng khẳng định trong phần xét hỏi sáng qua khi cho rằng những căn nhà trên mua đứng tên bà Thảo cũng do bà Thảo góp một số tiền cụ thể là 600 triệu đồng nên cơ quan thi hành án cần phải khấu trừ cho bà Thảo.

17h45 chiều qua, HĐXX tạm dừng làm việc. 8h sáng hôm nay 23-4, phiên xử tiếp tục.