Đánh nhau vỡ đầu vì cái rãnh thoát nước

ANTĐ - Chỉ vì tranh chấp rãnh thoát nước ở ranh giới vườn giữa 2 gia đình, họ đã “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau. Hậu quả, một người phải nhập viện cấp cứu do chấn thương sọ não, tỷ lệ thương tật 35%; những người khác bị thương nhẹ.

Vụ việc xảy ra cách đây đã 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa phân xử ngã ngũ đúng sai!

Sự vụ xảy ra từ 15/10/2008, mãi đến 31/5/2011 mới được TAND thành phố Bảo Lộc đem ra xét xử sơ thẩm. Theo cáo trạng của VKSND, khoảng 15 giờ 15/10/2008, do trời mưa to, nước chảy vào nhà nên ông Lê Bá Đại (55 tuổi, ngụ tại thôn Tân Hóa, xã Lộc Nga, Bảo Lộc) cầm cuốc lên đồi phía sau nhà để khơi rãnh nước. Khi lên đến nơi, ông Đại thấy anh Nguyễn Minh Đức (29 tuổi, là người ở cạnh nhà) cũng đang cầm cuốc khơi rãnh nước. Hai bên lời qua tiếng lại rồi nảy sinh mâu thuẫn, đánh nhau. Ông Đại kêu 2 con là Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Văn Hưng và vợ là Trịnh Thị Thủy, còn Đức kêu bố là ông Nguyễn Văn Chúc cầm theo dao quắm. Hai gia đình xảy ra xô xát, khi Đức té ngã thì cả gia đình ông Đại vây đánh và ông Đại đã cầm cuốc bổ vào đầu Đức. Đức rơi xuống bờ ta-luy đất và được mọi người đưa đi cấp cứu.

Theo giấy y chứng của Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, anh Đức bị chấn thương sọ não và rách mi mắt phải 3 cm. Giám định thương tật của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Lâm Đồng xác định anh Đức bị mất sức lao động vĩnh viễn do thương tật là 35%.

Trong quá trình điều tra, cả gia đình ông Đại đều cho rằng trong khi Hưng và Đức đang vật nhau thì ông Chúc có dùng dao quắm chém về phía 2 người nhưng không rõ có trúng ai hay không. Bản thân ông Đại đã bị thương ở chân trước đó, do ông Chúc chém. Tuy nhiên, kết quả giám định cơ chế hình thành vết thương của Phân viện kỹ thuật hình sự - Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Vết thương vùng đỉnh trán của Nguyễn Minh Đức do vật có lưỡi sắt, thẳng tác động trực tiếp với một lực không đủ mạnh, hướng từ ngoài vào trong và từ trên xuống dưới. Dao quắm không tạo được tổn thương này”. Toàn bộ các chứng cứ, hiện trường và thực nghiệm điều tra và kết quả giám định cơ chế hình thành vết thương cho thấy có đủ cơ sở xác định ông Đại là người gây ra thương tích cho anh Đức. Do vậy, ông Lê Bá Đại bị truy tố về “tội cố ý gây thương tích” và ông Nguyễn Văn Chúc, Lê Bá Hưng bị truy tố về “tội gây rối trật tự công cộng”.

Bà Nguyễn Thị Tiến (mẹ của Đức) kể lại: “Phiên tòa diễn ra suôn sẻ từ đầu đến cuối và VKSND vẫn giữ quan điểm truy tố “tội cố ý gây thương tích” của ông Đại. Thế nhưng, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử lại quyết định tạm hoãn phiên tòa để tiếp tục điều tra. Khoảng 2 tháng sau phiên tòa sơ thẩm nói trên, gia đình tôi nhận được bản kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Bảo Lộc) ký ngày 14/7/2011. Theo đó, quyết định thay đổi khởi tố ông Đại từ “tội cố ý gây thương tích” sang “tội gây rối trật tự công cộng” theo yêu cầu của VKSND TP Bảo Lộc. Tôi không hiểu vì lý do gì mà VKS lại thay đổi quyết định khác hẳn so với cáo trạng tại phiên tòa sơ thẩm!”.

Đúng như lời bà Tiến, sau khi nhận được quyết định trả hồ sơ của VKS yêu cầu thay đổi quyết định khởi tố bị can Lê Bá Đại từ “tội cố ý gây thương tích” sang “tội gây rối trật tự công cộng”, cơ quan CSĐT (Công an thành phố Bảo Lộc) đã tiến hành điều tra bổ sung. Đến ngày 14/7/2011, cơ quan CSĐT đã có “Bản kết luận điều tra bổ sung” số 08/KLĐT. Bản kết luận này ghi rõ: “Hết thời hạn điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT (Công an thành phố Bảo Lộc) xét thấy: không đủ căn cứ khẳng định các bị can Lê Bá Đại, Lê Bá Hưng và Nguyễn Văn Chúc đã có hành vi gây rối trật tự công cộng”(!). Hồ sơ vụ án đã được cơ quan CSĐT chuyển đến Viện KSND TP Bảo Lộc.

Như thế, theo cơ quan CSĐT, các bị can nói trên đều không phạm “tội cố ý gây thương tích” và cũng không phạm “tội gây rối trật tự công cộng”, thì họ vi phạm về tội trạng gì? Đây là đều gây ra bức xúc cho cả gia đình bà Tiến và là câu hỏi đặt ra trước dư luận đang quan tâm đến công lý và vụ án này! Trong khi đó, người bị hại là anh Nguyễn Minh Đức suốt đời phải gánh chịu thương tật 35%, phải chịu vết thương hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời!