Chiếm đoạt tiền tỷ của đối tác

ANTĐ - Hôm qua (27-8), Bùi Anh Dũng (SN 1981, trú ở xã Phương Chiểu, Tiên Lữ, Hưng Yên) - cựu Giám đốc Công ty TNHH Kim khí và Đầu tư xây dựng Sông Hồng (gọi tắt là Công ty Sông Hồng) bị di lý tới tòa để xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a, khoản 4, Điều 140-BLHS. Bị hại là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vạn Lộc (gọi tắt là Công ty Vạn Lộc), có trụ sở tại quận Hà Đông. 

Làm ăn bất chính, Bùi Anh Dũng phải trả giá đắt

Tài liệu truy tố cùng các lời khai tại phiên tòa cho thấy, Công ty Sông Hồng có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Bùi Anh Dũng đứng ra thành lập và làm đại diện theo pháp luật. Ngày 1-8-2013, Dũng ký hợp đồng mua thép xây dựng của Công ty CP Thép và Thương mại Hà Nội (gọi tắt là Công ty Thép Hà Nội). Có được hợp đồng trong tay, ít ngày sau, đối tượng tiếp cận và đặt vấn đề bán gần 218.000kg thép xây dựng cho Công ty Vạn Lộc, tương ứng với hơn 4,2 tỷ đồng. Hai bên xác định, địa điểm giao nhận hàng hóa là chân một công trình xây dựng trên phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm. Công ty Vạn Lộc cam kết sẽ thanh toán tiền cho Công ty Sông Hồng vào trước thời điểm thép xây dựng được đưa tới chân công trình, theo từng đơn hàng cụ thể. Trên cơ sở các hợp đồng mua bán ký kết, ngày 15-8-2013, Dũng mang 50 triệu đồng tới Công ty Thép Hà Nội đặt mua hơn 69.000kg thép cây và thép buộc. Hôm sau, theo yêu cầu của Dũng, Công ty Thép Hà Nội đã điều động một xe ô tô chở số thép này tới chân một công trình đang xây dựng của bên thứ ba. 

Cùng với việc điều động xe ô tô thép tới địa điểm xây dựng, cựu Giám đốc Công ty Sông Hồng liên tục hối thúc Công ty Vạn Lộc chuyển trả toàn bộ số tiền mua hàng hóa tương ứng. Ngay trong ngày 17-8-2013, bên mua thép của Dũng tiếp tục chuyển nốt hơn 700 triệu đồng (trước đó đã đặt cọc 300 triệu đồng) cho Công ty Sông Hồng. Biết tiền đã chuyển về tài khoản, Dũng tức tốc ra ngân hàng rút sạch, rồi nhanh chân ôm gọn hơn 1 tỷ đồng của đối tác bỏ trốn. Về phía Công ty Thép Hà Nội, đợi mãi không thấy Công ty Sông Hồng thanh toán tiền mua hàng nên kiên quyết không bàn giao thép cho Công ty Vạn Lộc. Do đó, việc mua bán lòng vòng này trở thành mối xung đột giữa Công ty Vạn Lộc và Công ty Thép Hà Nội. 

Sự việc tiếp tục căng thẳng khi bên mua thép của Dũng tự ý rút một phần trong số thép xây dựng nêu trên để đưa vào công trình xây dựng. Mặt khác, doanh nghiệp này còn “giam giữ” toàn bộ lô hàng cùng phương tiện chở thép của Công ty Thép Hà Nội. Vì thế trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, đại diện doanh nghiệp bán thép cho Công ty Sông Hồng đã đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng buộc Công ty Vạn Lộc phải bồi thường tổng cộng hơn 1 tỷ đồng thiệt hại vì bị “giam giữ” hàng hóa trái phép.

Quá trình xét xử, cựu Giám đốc Công ty Sông Hồng tuy khai nhận hành vi chiếm đoạt tiền như cáo trạng truy tố, song lại khẳng định rằng không bỏ trốn mà chỉ vào TP.HCM để giải quyết một số công việc. Ngoài ra, bị cáo còn trình bày đã “lại quả” 145 triệu đồng trong số tiền bán thép ảo cho Giám đốc Công ty Vạn Lộc. Và đó chính là lý do khiến Công ty Sông Hồng dễ dàng có được hợp đồng bán thép cho đối tác. Vậy nhưng lời khai này của bị cáo không có gì để chứng minh, còn đại diện Công ty Vạn Lộc thì phủ nhận món tiền “lại quả” nói trên… Sau 1 ngày xét xử, nhận thấy cáo trạng truy tố cựu Giám đốc Công ty Sông Hồng là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Bùi Anh Dũng 14 năm tù giam, theo đúng tội danh bị đưa ra truy tố. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Thép Hà Nội, Tòa án Hà Nội chỉ chấp nhận gần 250 triệu đồng, nhưng buộc bị cáo phải gánh chịu khoản tiền này vì lỗi không thuộc Công ty Vạn Lộc.