Bị nhốt vào cũi hàng nghìn ngày vì bị “ma rừng” bắt

ANTĐ - Sau buổi chiều lên nương tra ngô, Thào Thị Trung (SN 1987), ở thôn 11, xã Quảng Hoà, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông trở về trong trạng thái thất thần, ánh mắt lơ đãng, miệng nói năng lảm nhảm, đêm đến hết khanh khách cười rồi lại gầm rú làm cho xóm làng hoảng sợ. Nhìn thấy mấy đứa em, Trung lao vào bóp cổ, dúi đầu vào tường, sau đó đuổi đánh trẻ con khắp bản. Dân bản cho rằng Trung  bị “ma rừng” bắt khi lên nương. Thế là  người cha đẻ đã buộc phải nhốt con gái mình vào trong cũi, nơi xó vườn…

Lên nương, mất tích 

Từ nhiều tháng nay, đồng bào bản Mông thuộc thôn 11 (xã Quảng Hoà, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) vẫn một mực cho rằng cô gái Thào Thị Trung bị “ma rừng” bắt đến nỗi hồn siêu, phách lạc nên mới có những triệu chứng bất bình thường như vậy. Dòng họ nha gia đình ông Thào Seo Cấu (SN 1961, cha đẻ của Trung) vốn cũng rất nổi tiếng bởi sự đông đúc, đủ đầy, con trai họ Thào thì rắn giỏi, mạnh mẽ, con gái họ Thào thì đẹp như bông hoa rừng. Ấy vậy mà sự phồn thịnh bỗng dưng lại sụp đổ chỉ vì “con ma rừng” ám vào cô con gái khiến người này sống dở, chết dở từng ngày. Cứ mỗi khi nhắc đến chuyện về cô con gái xinh như hoa của mình khiến trái tim ông Thào Seo Cấu vẫn như có ai đó bóp nghẹt.

Trong ánh chiều chập choạng giữa nơi núi rừng, ông Thào Seo Cấu kể lại bi kịch đến với cô con gái của mình: Đó là một buổi chiều âm u năm 2003, người vợ cùng 3 đứa con của mình lên nương tra ngô như thường ngày. Đang mải mê tra những hạt ngô vào hộc đất thì bất ngờ cả nhà đều thấy bụng đau dữ dội, cái miệng buồn nôn không chịu được. Khi về đến nhà, ông Cấu hỏi người vợ về đứa con gái tên Trung sao chưa thấy về thì cả nhà mới tá hỏa nhớ ra rằng, Trung tra ngô giỏi nhất nhà nên khi mấy mẹ con bảo nhau lục tục ra về thì vẫn thấy Trung lầm lũi làm việc ở tận trên cao. Đợi mãi đến khi bóng đêm ập vào tận trong nhà, gà đã lên chuồng hết, bếp than đỏ rực mà chưa thấy Trung về, lúc đó gia đình ông Cấu mới tá hỏa hò nhau cầm đuốc đi tìm con. Tìm đến nơi tra ngô ban chiều không thấy con gái đâu, sau khi rà soát từng vúng đất mới thấy những hạt ngô vương vãi. Lúc này, ông Cấu mới sai các con đi gọi những người hàng xóm và dòng họ Thào đi tìm con giúp. Đêm đó, họ cầm đuốc đi khắp các mỏm đồi, con suối, sau đó đi đến sát những cánh rừng già tìm cũng không thấy người đâu. 

Cho đến khi họ vừa bước qua một đoạn đường mòn, đi qua một con suối nhỏ thì tất cả đều sửng sốt bởi phía trước có một thiếu nữ, tóc tai rũ rượi, dáng vóc trông giống với người họ đang tìm. Một người lên tiếng hỏi thì không thấy cô gái trả lời, họ cùng nhau tiến đến xem cô gái là ai thì đó đúng là con gái dòng họ Thào. Trung được đưa về nhà trong tình trạng quần áo tơi tả, váy, đầu, mặt lấm bẩn, ánh mắt thất thần, hoảng sợ, hỏi gì cũng chỉ lắc đầu rồi sụt sùi khóc. Đêm đó, ông Cấu và những thành viên trong gia đình không dám ngủ, ông Cấu sợ con gái mình lại biến mất một lần nữa. Sau ngày tìm thấy Trung, những người dân trong bản bàn ra, tán vào về chuyện mất tích bí ẩn của cô. Họ cho rằng, Trung bị “con ma rừng” bắt đi, rồi thả về nên mới trở nên như vậy.

Nghìn đêm nhốt con trong cũi

Mấy ngày sau, Trung trở nên lầm lì hơn, miệng lúc nào cũng nói năng lảm nhảm. Trong khi tin đồn đậm màu sắc mê tín dị đoan rằng “con ma rừng” đã về bản và nhập vào người gia đình ông Cấu thì vài tháng sau người dân bản địa sinh sống quanh đó lại giật bắn người vì một người hàng xóm nhà ông Cấu cũng bị phát những triệu chứng bất thường như đứa con gái của ông. Sự việc khiến cho người trong bản khẳng định như đinh đóng cột rằng Trung bị “ma rừng” bắt là sự thật, và nó đang tìm cách làm hại bản làng. Từ đó cả bản ngày đêm ăn không ngon, ngủ không yên bởi “ma rừng” đã hiện hữu tại làng của họ. Rồi một ngày, một nhóm người cầm gậy gộc sang gia đình ông Cấu đưa yêu sách, muốn bảo toàn tính mạng cho cô con gái thì buộc phải đưa cô ta rời khỏi làng. Trước sức ép của dư luận địa phương, gia đình ông Cấu không thể đuổi bỏ đứa con gái tội nghiệp nên đã chọn cách rời khỏi địa phương. Năm tháng dần qua đi, dù đã di chuyển qua nhiều vùng khác nhau nhưng cuộc sống vẫn không thể yên ổn vì chỉ được một thời gian ngắn thì nhiều người trong bản lại tìm đến đập phá, chửi bới… 

Đầu năm 2008, không chịu được điều tiếng, ông Cấu đành đưa bố đẻ, vợ và các con của mình vượt 2.000 cây số vào Tây Nguyên, nghe phong thanh chính quyền xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông kêu gọi người dân di cư ở phía Bắc đến khu tái định cư mới rồi sinh sống cho đến tận nay. Cũng từ ngày vào Tây Nguyên, bệnh tình Trung lại tái phát và thêm nặng, cô thường xuyên đuổi đánh trẻ con, rồi lại chửi bới những người lớn, sau đó lại bỏ đi. Có lần đến bữa cơm, Trung ụp cả xoong canh xuống nền đất lấy tay nhào nặn thành bùn rồi bốc thứ bùn đó cho vào miệng. Quá mỏi mệt với con, ông Cấu đành lấy dây thừng buộc chân Trung lại ở gốc cây nơi góc vườn, cạnh mấy chiếc chuồng nuôi gia súc. Nhưng nhiều lần Trung thoát ra được rồi lẩn trốn, gia đình ông Cấu phải ra tận khu trung tâm xã đưa con về vì cô đang “làm loạn” và bị người ta đánh cho tơi tả ngoài đó. Cho đến tận lúc này ông Trung cũng đành tin con gái mình bị “con ma rừng” bắt nên mới không tỉnh táo như thế.

Đến năm 2009, ông Cấu cùng với người con trai cả đành làm một cái cũi bằng những cây gỗ rồi nhốt con gái mình vào trong đó, không cho cô ra ngoài làm loạn, quậy phá. Từ đó, không gian sống của Trung là một chiếc chuồng chật hẹp nơi xó vườn, cạnh mấy chiếc chuồng gà, chuồng nuôi lợn của gia đình. Mọi sinh hoạt của Trung đều diễn ra trong chiếc chuồng đó. Suốt buổi hỏi chuyện về Trung, cô đều cúi gằm mặt không ngước lên một lần nào. Cho ăn thì ăn, thay áo cho Trung thì cô không thèm, hết ngồi lại đứng lì một chỗ, cặm cụi nhìn xuống nền đất ướt, gọi cũng không thưa, miệng nói năng lảm nhảm. Bà Ma Thị Dung (SN 1964, mẹ của Trung) thở dài chia sẻ: “Từ ngày nó bị “con ma rừng” bắt đi, chồng tôi nó mới bắt con Trung ở trong cũi, cán bộ đừng phạt chồng tôi. Phải nhốt nó như thế, nếu không nó ra ngoài làm hại người dân thì tội lắm. Tôi thương con Trung lắm, nhưng không biết làm thế nào...”. 

Khi được hỏi, đã đưa Trung đi khám bác sĩ chưa? Thì ông Cấu trả lời: “Hồi ở ngoài Bắc Hà, tỉnh Lào Cai tôi có đưa nó đến Trạm y tế xã khám, sau khi khám bác sĩ bảo nó không có bệnh gì cả. Vậy là ngót nghét gần chục năm trời trôi qua mà gia đình ông Cấu, bà Dung cùng biết bao người dân khác vẫn không hề tường tận nguyên nhân vì sao Trung lại có những hành động như người điên đến vậy. Thậm chí đến ngay cả người trong gia đình vẫn mơ hồ cho rằng Trung bị “ma rừng” bắt. Vì thế, Trung phải sống trong chiếc chuồng bẩn thỉu vô cùng cực khổ. Còn gia đình cô thì phải sống day dứt đau khổ vì thương con.

Hóa giải sự mê muội? 

Ông Vi Văn Thuộc, Trưởng Công an xã Quảng Hòa cho biết: “Sự việc này ông Cấu nhốt con vào trong cũi, mãi sau chúng tôi mới biết, cũng tại vì đồng bào người H’Mông hay bao che cho nhau, Trưởng thôn, Công an viên đều là người đồng bào cả cho nên sự việc đã diễn ra 3 năm trời chúng tôi mới nắm được. Sau khi biết được sự việc thì chính quyền xã đã xuống tận nhà thuyết phục gia đình ông Thào Seo Cấu đưa chị Trung đi chữa bệnh nhưng gia đình ông Cấu không chịu vì gia đình khó khăn quá, không có tiền. Trường hợp của con gái ông Thào A Cấu chỉ là những biểu hiện của bệnh tật chứ không hề có chuyện bị “ma rừng” ám hoặc một câu chuyện nào đó liên quan đến mê tín dị đoan cả. Nếu biết ai là người cố tình tung tinh, bịa đặt, chúng tôi sẽ có phương án giải quyết cụ thể, không để cho những luồng thông tin đó lan truyền ra bên ngoài”.

Ông Tràng A Rua, Công an viên thôn 11 (xã Quảng Hòa) cho biết vì để an toàn, ông Cấu mới phải làm cái chuồng nhốt Trung lại không cho ra ngoài làm hại cho mọi người nữa. Biết là không được phép nhốt vì sẽ vi phạm vào quyền con người nhưng cũng chẳng con cách nào khác, buộc ở ngoài nó hay cắn đứt dây rồi trốn xuống xã làm hại trẻ con thì gia đình không có tiền mà đền mất. Từ hôm, mấy cán bộ xã xuống tận nhà vận động không cho nhốt Trung như vậy, ông Cấu cũng nghe theo, Trung vẫn ở lì trong đó, lúc nào đói lại tìm đường ra, chán thì lại vào, ai nói gì cũng không nghe, không bảo được”…

Có thể thấy ở những nơi rừng rú, xa xôi thường lan truyền những câu chuyện liên quan đến “ma rừng” không có thực. “Căn bệnh” thiếu hiểu biết và sự quản lý lỏng lẻo sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường và khởi nguồn cho những chuyện liên quan đến “ma rừng”, ma xó… phát sinh. Người dân cần phải hiểu rằng con người có quyền được sống và chữa bệnh. Hơn thế, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp ngăn chặn những luồng thông tin dư luận không đúng sự thật, xóa tan những tin đồn nhảm, giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo tình hình trật tự, trị an tại địa phương. Có thể thấy chị Thào Thị Trung có những biểu hiện của người bị mắc chứng bệnh tâm thần chứ không hề có chuyện bị “ma rừng” bắt, gia đình ông Cấu cần đưa chị Trung đi chữa bệnh và để chị sống một cuộc sống theo đúng nghĩa “con người”.