Tỷ phú Thái Lan thâu tóm siêu thị Metro và cơn bão hàng Thái Lan

ANTĐ - Ngay sau khi nghe tin hệ thống siêu thị Metro đã được ông chủ người Đức bán cho một tỷ phú Thái Lan, nhiều người Hà Nội cũng như những thành phố lớn đã có nhiều tâm trạng khác nhau. Nhiều người mừng thầm, từ nay sẽ tràn ngập hàng Thái. Nhưng nhiều người quan tâm đến kinh tế trong nước thì lại lo lắng: phải chăng sẽ có một “cơn bão” hàng Thái Lan tràn vào thay chỗ cho hàng Trung Quốc đang bị người tiêu dùng trong nước từ chối? 

Cũng đã có nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng cảnh báo về sự yếu thế của hàng tiêu dùng Việt Nam so với hàng tiêu dùng Thái Lan và đưa ra những dự báo tiêu cực về khả năng cạnh tranh của hàng tiêu dùng Việt Nam trên chính đất nước mình. Nhưng sự thật lại không như vậy. Rõ ràng, những nhà phân phối người Thái Lan đã sớm nhìn thấy tiềm năng tiêu dùng của hơn 90 triệu người Việt với thu nhập ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn và đã có những kế hoạch bài bản để tăng thị phần hàng Thái Lan trong nội địa Việt Nam. Nhưng việc thâu tóm hệ thống siêu thị, phân phối, không có nghĩa sẽ có “cơn bão” hàng Thái Lan hay có một ưu thế nào đối với hàng Thái Lan. Vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Chiến lược thâu tóm bài bản của các ông chủ người Thái

 Năm 2012, Tập đoàn Berli Jucker Corpozation (BJC) của Thái Lan đã rót 1 tỷ Bath (656 tỷ đồng) cùng với Tập đoàn Mongko mở siêu thị phân phối hàng Thái vào thị trường Việt Nam và 2 nước Đông dương còn lại (Lào,     Campuchia). Đầu năm 2013, Tập đoàn của tỷ phú Chearavanont này cũng đã mua đứt hệ thống siêu thị  Family Mart của liên doanh Việt - Nhật để đổi tên 40 cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP.HCM thành chuỗi siêu thị B’mart. Tiếp đó, đầu năm nay, thương vụ ồn ào của đại gia bán lẻ số 1 xứ Chùa Tháp là Central Group đã tuyên bố mở chuỗi siêu thị Robinson Department Store ngay tại Royal City - Hà Nội. Bên cạnh đó, ông chủ này cũng tham vọng cuối năm nay sẽ mở trung tâm thứ hai (ước tính rộng 1.000 m2) có tên Crescent Mall tại TP.HCM chỉ để bán các thương hiệu của hàng Thái tại Việt Nam. Và đình đám hơn cả là mới đây BJC đã mua đứt chuỗi siêu thị bán buôn khổng lồ Metro - cung cấp phần lớn hàng hóa cho các chợ và siêu thị trong cả nước. Nhưng để sự thâu tóm này có hiệu quả, suốt 12 năm qua. Kể từ năm 2002, mỗi năm Thái Lan tổ chức 4 kỳ hội chợ hàng Thái Lan với sự có mặt đầy đủ những nhà phân phối hàng đầu của họ. Những nhà phân phối Thái Lan có kế hoạch xâm nhập bài bản từ thí điểm quảng bá thương hiệu đến đưa hàng qua đường xách tay, mở thử nghiệm chuỗi phân phối, đại lý nhượng quyền và đến nay là chuỗi cung ứng, các đại lý bán lẻ. Cạnh tranh của các nhà phân phối Thái rất trực diện và đi vào hiệu quả chứ không chỉ bằng vài ba cuộc vận động tiêu dùng hàng trong nước như các doanh nghiệp Việt Nam thường làm.

Về mặt chất lượng và giá cả, hàng hóa Thái Lan đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và chất lượng đảm bảo. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan như: dầu gội, sữa tắm, hóa mỹ phẩm đang được rất nhiều người tiêu dùng sính chẳng khác gì đồ Nhật. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 1,37 tỷ USD, năm 2013 Việt Nam cũng nhập siêu từ thị trường này là 3,2 tỷ USD, đáng chú ý, trong con số nhập siêu này tỷ lệ hàng tiêu dùng rất cao.  Như vậy, với thói quen mua sắm cuối năm, con số nhập siêu từ Thái Lan có thể không kém năm 2013.

Nhưng đó có phải là điều đáng để quá lo lắng không? Theo chúng tôi là không. Theo dõi thị trường tiêu dùng, đặc biệt là phía Nam, so với những năm trước, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng giảm. Không chỉ vậy, sự vắng vẻ đến không ngờ của các khu kinh tế cửa khẩu đã chứng tỏ hàng Thái Lan không còn được yêu chuộng như trước kia. Trên các kệ hàng của chợ Bình Tây, chợ bán buôn lớn nhất TP.HCM và các tỉnh Nam bộ, tỷ lệ hàng Thái trên các giá kệ bày hàng gần như không đáng kể. Hàng lậu chấm dứt thì hàng chính ngạch sẽ tăng lên vì nhu cầu hàng Thái dẫu ít đi thì vẫn còn đáng kể. Đặc biệt một số mặt hàng chất lượng cao. Vì vậy con số nhập siêu cỡ 3 tỷ USD/năm là con số không đáng lo đối với một nền kinh tế như Thái Lan.

Hàng Việt có khả năng cạnh tranh được với hàng Thái Lan

 Bị kẹp giữa hai trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng lớn là Thái Lan và Trung Quốc, sau nhiều năm trì trệ, sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chiếm thị phần chủ yếu hàng tiêu dùng trong nước. Không chỉ nhờ những chiến dịch quảng bá “người Việt dùng hàng Việt” mà chủ yếu là nhờ chất lượng, mẫu mã và giá cả hàng hóa tiêu dùng của chúng ta đã có sức cạnh tranh thật sự. Hàng Việt Nam có uy tín đến độ nhiều con buôn nhập hàng Trung Quốc về bóc nhãn mác ngoại đi để dán nhãn mác nội cho dễ tiêu thụ lại được giá cao. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta còn phải tính toán đầu tư công nghệ và tài chính để đảm bảo được nhu cầu nội địa.

Có thể tạm phân hàng tiêu dùng ra ba loại tùy theo nhu cầu người tiêu dùng. Đó là các chủng loại hàng cao cấp, có chất lượng cao hẳn và dĩ nhiên giá cũng cao. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp này cũng nhỏ vì vậy, giá trị tiêu thụ cũng không cao. Thứ hai là hàng tiêu dùng trung bình, chất lượng tốt, mẫu mã đáp ứng nhu cầu thời trang cho người có thu nhập trung bình. Lượng người có nhu cầu tiêu thụ hàng có chất lượng và giá cả trung bình là rất lớn, vì vậy, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam đang tập trung vào đối tượng này. Thứ ba là các loại hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ có đối tượng chủ yếu là người có thu nhập thấp, tập trung ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa. Với ba cấp độ này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy, hiện nay, hàng Thái Lan đang đáp ứng khá lớn cho nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp với tỷ lệ trên 50% thị phần cùng với các nước Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu và một phần Trung Quốc. Hàng Việt Nam chiếm thị phần lớn ở cấp độ trung bình và hàng Trung Quốc đang là bá chủ cấp độ giá rẻ, chất lượng thấp. Qua khảo sát của chúng tôi, với việc nắm chắc khả năng sản xuất hàng tiêu dùng với chất lượng trung bình, với sự quan tâm của chính sách hiện nay, với sự đầu tư cả về công nghệ và tài chính, việc sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng cao đang nằm trong tầm tay các doanh nghiệp Việt Nam và chắc chắn việc cạnh tranh với hàng tiêu dùng Thái Lan không quá khó khăn. Nói thẳng, khó khăn nhất của chúng ta là làm sao cạnh tranh được với hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ của Trung Quốc, dĩ nhiên không chỉ chúng ta mà gần như cả thế giới cũng đang tìm cách giải bài toán này. Vì vậy theo chúng tôi, việc các tỷ phú Thái Lan thâu tóm hệ thống phân phối không phải sẽ tạo ra sự lấn át của hàng Thái Lan trên thị trường nội địa. Nỗi lo ở chỗ khác, nỗi lo mất thị trường phân phối, thị trường bán lẻ.

Nỗi lo mất thị trường bán lẻ

Thứ tài sản mà Việt Nam trước đây rất tự hào là “thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất”, “dân số vàng có khả năng tiêu thụ hàng hóa mạnh mẽ nhất” đã lặng lẽ bị chiếm trọn trong tay người ngoài… Trong danh sách những siêu thị lớn nhất hiện nay, thì Co.opmart vẫn đang dẫn đầu danh sách, tiếp theo là Big C, đến Metro, sau rồi mới là LotteMart, Maximark, Citimart hay Vinatex Mart. Vị trí trên bảng tổng sắp này chưa thay đổi, nhưng các chỉ số thị trường bên trong đã có phần khác biệt so với thời gian trước, đặc biệt là sự xuất hiện mang tính bủa vây của các công ty chuyên doanh loại hình cửa hàng tiện ích như FamilyMart, Circle K hay B’smart… Cùng với sự rộng lớn của Giant, Aeon, những cửa hàng nhỏ ngay khu dân cư đã dần biến bức tranh bán lẻ thành một diện mạo khác. Một thống kê không chính thức nhưng lại hiệu quả bởi nó dựa vào doanh số sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, khoảng năm 2005 thì thị phần của nhà bán lẻ Việt Nam so với nước ngoài là 70 - 30, nay tỷ lệ này đã đảo ngược. Và với sự xâm nhập của các tỷ phú Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam lại sẽ phải đối đầu với các địch thủ hơn hẳn cả về sức mạnh tài chính, cả về kinh nghiệm kinh doanh và đáng tiếc cả sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ nữa. 

Ngày 29-3-2014, cổng thông tin Chính phủ đưa tin: Cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi mở thêm cửa hàng bán lẻ với diện tích bé hơn 500m2 là một bước tiến mới mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Và khi khái niệm chống độc quyền bán lẻ chưa bao giờ được đề cập đến trong luật và trong điều hành thì tương lai “thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất” sẽ nằm trong tay các tỷ phú nước ngoài và sẽ khó khăn thêm cho các ngành sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam.