Thuế phí chiếm 32,1% giá xăng

ANTĐ - Bộ Tài chính cho biết, giá xăng sau đợt điều chỉnh ngày 7-7 hiện là 25.640 đồng/lít, trong đó Quỹ bình ổn chỉ sử dụng 500 đồng/lít. Mức giá bán lẻ xăng hiện nay đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít.
Thuế phí chiếm 32,1% giá xăng ảnh 1
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc giữ mức thuế nhập khẩu cũng nhằm thực hiện định hướng điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường

Cao hơn Mỹ 4.000 đồng/lít

Tính từ đầu năm đến ngày 7-7-2014, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp đầu mối thực hiện 10 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm điều chỉnh giá bán lẻ ở mức hợp lý (dưới 500 đồng/lít/kg). Giá xăng sau đợt điều chỉnh ngày 7-7  là 25.640 đồng/lít. Mức giá bán lẻ xăng hiện nay đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, về thuế phí áp dụng với mặt hàng xăng dầu tại các nước có những khoản khác nhau. Ngoài các sắc thuế chung hầu như các nước đều áp dụng như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... một số nước còn áp dụng thêm các loại thuế, phí đặc thù khác. Ví dụ như Trung Quốc có thêm thuế giáo dục, thuế kiến thiết, Lào có thêm phí cầu đường, phí rủi ro doanh nghiệp và chi phí hao phí, Campuchia có thêm phụ thu.

Đối với mặt hàng xăng, ở Việt Nam tỷ lệ thuế chiếm 32% trong giá bán, thấp hơn so với mức 36,12% của Lào; mức 35,91% của Thái Lan và mức 33,95% của Trung Quốc. Vì vậy, giá bán lẻ xăng của Việt Nam cũng thấp hơn các nước đó. Đối với mặt hàng dầu diezel, tỷ lệ thuế ở Việt Nam chỉ chiếm 21% trong giá bán nên giá cũng thấp hơn các nước này. 

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, có thể thấy giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước láng giềng mà một trong các nguyên nhân là do trong cơ cấu giá, Việt Nam có tỷ lệ thuế, phí bình quân thấp hơn. Nếu điều chỉnh giảm thuế thì sẽ phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra.

Trước ý kiến cho rằng, giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn so với Mỹ khoảng trên dưới 4.000 đồng/lít, đại diện Bộ Tài chính cho rằng đúng là giá xăng dầu ở Mỹ thấp hơn Việt Nam nhưng để so sánh, cần phải xem xét nhiều yếu tố và những đặc thù khác nhau chứ không chỉ đơn thuần về mức giá. Bởi Mỹ là nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn và ngành lọc hoá dầu phát triển rất mạnh nên là nước xuất khẩu xăng dầu thành phẩm lớn. Đồng thời, Mỹ cũng là nước có dự trữ xăng dầu lớn nhất thế giới trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu.

Bên cạnh đó, căn cứ xác định mức giá cũng khác biệt, giá xăng dầu ở Mỹ thay đổi từng ngày, thậm chí theo giờ. Trong khi Việt Nam là tính bình quân 30 ngày và thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá chỉ được thực hiện tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá. Ngoài ra, cơ cấu và mức giá xăng dầu giữa các bang của nước Mỹ cũng rất khác nhau. 

Vì sao không giảm thuế?

Trong bối cảnh mức giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng kể từ đầu năm, với mức thuế và phí chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá xăng, câu hỏi được dư luận đặt ra trong những ngày qua là tại sao Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu?

Về vấn đề này ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Căn cứ tình hình trong nước, để chủ động cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân tiêu dùng, Bộ Tài chính có văn bản công bố các mức thuế suất thuế nhập khẩu (Barem) đối với các mặt hàng xăng dầu khi giá thế giới biến động”. 

“Nếu theo Barem và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%, nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại). Như vậy, vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của Barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định”, ông Ngô Hữu Lợi chỉ rõ.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế phân tích: “Có thể thấy thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần là công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập. Mặt khác, thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo...”.

Một trong những lý do quan trọng để Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế nhập khẩu cũng được ông Ngô Hữu Lợi chỉ ra. Đó là trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong định hướng điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và để bảo đảm thực hiện định hướng đó thì Nhà nước cần giảm sự can thiệp thông qua thuế nhập khẩu để giá xăng dầu có thể dần theo cơ chế thị trường.