Thu phí tải nhạc có bị “chìm”?

ANTĐ - Thu phí tải nhạc những tưởng sẽ tạo nên cơn “địa chấn” đối với các trang mạng nghe nhạc trực tuyến và khách hàng, bởi trước thời điểm thực hiện thí điểm, vấn đề này đã trở thành chủ đề của không ít cuộc bàn thảo và tranh luận. Thế nhưng thực tế sau hơn 1 tháng tiến hành thì nó lại im ắng khiến nhiều người nghi hoặc rằng liệu có bị “rơi vào quên lãng” không khi khẩu hiệu quyết tâm của các đơn vị liên quan chỉ là việc làm hình thức? 

1 tháng thu được 15 triệu

Theo thống kê của MVCorp., số tiền thu được sau 1 tháng thử nghiệm việc thu phí tải nhạc là 15.116.600 đồng. Trong đó, thu về nhiều nhất là Viettel với 7.000.000 đồng; đứng thứ hai là Zing Mp3 với 6.000.000 đồng. Đáng ngạc nhiên là website có thị phần lớn thứ hai Việt Nam - “NhạcCủaTui” chỉ thu về có 36.000 đồng, nhac.vui với 86.600 đồng... Con số này tuy quá khiêm tốn nhưng lại không mấy khiến người ta ngạc nhiên, bởi trước thời điểm được thử nghiệm, nhiều người đã nghi ngờ tính hiệu quả của quy định. 

Với thị trường âm nhạc khá đồ sộ ở Việt Nam, con số 100 album phải trả tiền khi download đúng là như hạt cát trên sa mạc. Không chỉ vậy, bên cạnh các yêu cầu phải trả tiền, các website vẫn cho người nghe nghe miễn phí và thậm chí là download miễn phí với chất lượng 128 Kbps. Không những thế nhiều người cũng phàn nàn về việc đáng lẽ khi trả tiền họ sẽ được tải về các ca khúc với chất lượng 320 Kbps nhưng thực tế không ít trường hợp vẫn bị “mua nhầm” sản phẩm chất lượng thấp khi nhiều ca khúc sau khi đã trả tiền nhưng tải về chỉ có chất lượng 128 Kbps. Điều này, được MVCorp. thừa nhận sự nhầm lẫn và và đồng ý bồi thường cho người nghe. Dù vậy thì cộng đồng nghe nhạc cũng không khỏi bức xúc trước tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” của các đơn vị thực hiện.

Cung chưa gặp cầu

Dù với mục đích “tạo thói quen” cho người nghe nhạc, nhưng với việc chỉ gói gọn trong 100 album của MVCorp, việc thu phí tải nhạc xem ra còn “kém ảnh hưởng”. Lý do là các album do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) quản lý với các công ty hội viên như Rạng Đông, Bến Thành,  Phim Truyện 1, Lạc Hồng… hầu hết đã được sản xuất khá lâu. Trong khi các album mới của các ca sỹ trẻ hiện nay mà người nghe muốn tải về phần lớn do các công ty không thuộc Hiệp hội thực hiện. Các trang nghe nhạc đang tiến hành thu phí tải nhạc cũng khẳng định sự “cũ kỹ” của các album là lý do số lượt nghe và tải nhạc không bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này đã cho thấy sự “lệch pha” giữa cung và cầu trong “thị trường” nhạc số. Đại diện MVCorp. cũng khẳng định họ chỉ là một đơn vị tiên phong trong phong trao này, có vai trò tương tự như với các ca sỹ, nghệ sỹ và các chủ sở hữu khác chứ không phải là người đặt ra một quy định bắt buộc nào cả.

Mới đây, ca sỹ Lệ Quyên là một trong những ca sỹ tiên phong đã quyết tâm đòi quyền lợi chính đáng của mình khi buộc 9 trang mạng đăng tải 23 ca khúc trong hai đĩa “Khúc tình xưa” và “Tình khúc yêu thương” của cô phải bồi thường. Yêu cầu của Lệ Quyên là 1.000 đồng/phí tải nhạc một bài và 500 đồng/lượt nghe. Cô cho biết đến nay đã có một số trang mạng hợp tác nhưng còn số khác vẫn cương quyết không nhận sai. Nếu các trang này không hợp tác, có thể cô sẽ kiện họ ra tòa. Những ca sỹ như Lệ Quyên không nhiều, trên thực tế rất nhiều ca sỹ vì nhiều lý do, trong đó có cả sự e ngài nào đó mà chấp nhận sản phẩm mình làm ra bị “xài chùa”.

Sẽ minh bạch tỉ lệ ăn chia (?)

Một vấn đề nữa được nhiều ca sỹ, nhạc sỹ băn khoăn, đó là sự trung thực của đơn vị thực hiện, mà cụ thể ở đây là MVCorp. và các trang nghe nhạc, liệu quyền lợi của các ca sỹ, nhạc sỹ sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc. Nói về vấn đề này, đại diện MVCorp. cho biết, đơn vị này đang nỗ lực cùng các website hoàn thiện hệ thống đối soát công khai và tức thì. Mỗi đơn vị cung cấp sẽ có một tài khoản đối soát thời gian thực để theo dõi sản lượng của mình.

Khác với nhạc chuông, nhạc chờ thường cuối tháng mới gửi đối soát, nhạc số có lợi thế lớn trong vấn đề này là có khả năng theo dõi hàng ngày. Đơn vị này cho rằng, sự minh bạch và công bằng sẽ là ưu điểm lớn của thị trường nhạc số, đủ để thuyết phục các nhà cung cấp đi theo mô hình của nước ngoài là ký gửi và phân chia doanh thu. 

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến thời điểm thu phí chính thức (1-1-2013) cho việc tải nhạc tại 7 website nhạc số lớn nhất Việt Nam sau khi họ đã thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số với mức giá khởi điểm 1.000 đồng mỗi bài hát từ ngày 1-11-2012. Tuy vậy, nhiều nghệ sỹ vẫn nghi ngờ rằng việc thu phí chỉ  một hành động mang tính đối phó nhiều hơn là một hành động thực tế. Phải chăng các trang nhạc tham gia cho có lệ, chứ không muốn làm thực chất việc thu phí không đem lại cho họ nhiều lợi ích mà còn ảnh hưởng đến thị phần và dẫn đến mất nguồn thu quảng cáo.