Sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên

ANTĐ - Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 vừa được Tổng cục thống kê (TCTK) công bố cho thấy, năm 2014 sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp đã “thoát đáy” và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan, rõ nét hơn so với 2 năm trước. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô và tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ về vốn và thị trường.

Doanh nghiệp vẫn muốn tiếp cận vốn dễ dàng hơn

Nhu cầu thị trường tăng

Tham vấn ý kiến của 8.100 doanh nghiệp về tình hình thị trường trong nước, các chuyên gia của TCTK cho hay: “Nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 có triển vọng hơn so với năm 2013”, thể hiện ở 34,8% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 37,2% cho rằng nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 không đổi so với năm 2013. Tính từ thời điểm 1-1-2013 đến 1-3-2014 có 5,6% số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, giảm mạnh so với mức 8,4% của năm 2012. Doanh nghiệp cũng bày tỏ thái độ lạc quan về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu so với năm ngoái. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn, đồng nghĩa với thuận lợi ngày càng tăng giúp các doanh nghiệp lạc quan hơn, đầu tư hơn và kỳ vọng sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn trong năm 2014 và các năm tiếp theo. 

Tuy nhiên, về thị trường thế giới, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang bị thiếu thông tin. 55,8% doanh nghiệp không biết hoặc không đánh giá được nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay. Việc các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, thiếu các doanh nghiệp lớn nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu nên đã hạn chế khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường thế giới. TCTK cho rằng, vai trò của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong nước về nhu cầu của thị trường thế giới còn hạn chế.

Doanh nghiệp ngại vay vốn ngân hàng

Một điểm đáng chú ý là mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp có ý định tăng vốn sản xuất kinh doanh nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng phần lớn doanh nghiệp khảo sát lại không muốn vay ngân hàng. Thời điểm tháng 3- 2014, tỷ lệ doanh nghiệp đang vay vốn để sản xuất kinh doanh là 49,5%; 50,5% còn lại không vay. Trong số 3.873 doanh nghiệp không vay vốn được hỏi vào thời điểm tháng 3-2014 thì có 70,3% số doanh nghiệp trả lời không có nhu cầu vay; 22,9% cho rằng thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian; 18,8% cho rằng lãi suất quá cao. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho biết họ có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác; không đủ tài sản để thế chấp; vốn tự có để đối ứng không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng và phải trả thêm chi phí khác ngoài lãi suất, cho thấy những rào cản trong tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp bấy lâu nay vẫn chưa được tháo gỡ. 

Kết quả khảo sát này cũng tương đối phù hợp với tình trạng hiện nay khi lãi suất đã giảm nhưng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,52%. Nhiều chuyên gia dự báo, thời gian còn lại của năm 2014 sẽ diễn ra cuộc đua tăng trưởng tín dụng. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này sẽ xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm… nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.