Từ chuyện bò không ăn dưa hấu

Phải làm gì để giải cứu thị trường nông sản?

ANTĐ - Theo nguồn tin chính thức từ Quảng Ngãi, bò giờ cũng đã… từ chối ăn dưa hấu. Cũng như vài tháng trước, bò cũng chán ăn bắp cải, cà chua. Không cho bò ăn được, giá rau quả xuống thấp hơn giá cỏ. Trên một đoạn đường quốc lộ, trước một trạm cân di động mới được triển khai để chống xe quá tải, tôi gặp một thương nhân bên cạnh hai xe tải chở dưa hấu lên biên giới phía Bắc bán cho Trung Quốc. 

Không thể qua trạm cân được, lái xe không dám đưa chiếc xe quá tải này qua bàn cân bởi tiền phạt thì doanh nhân phải trả đã đành, nhưng nếu bị thu bằng lái, giữ phương tiện thì cả nhà anh ta đói dài. Ngồi nhìn hai xe dưa thối ruỗng từng giờ, thương nhân đã khóc. Có một cái gì giống như đèn cù chạy vòng quanh, người nào cũng kêu ca, ở đâu cũng thấy vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tại sao và làm gì để không còn phải tái diễn những cảnh như vậy?

Con đường khổ ải từ đồng ruộng đến thị trường

 Câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm để nông dân trong suốt hàng chục năm qua cứ lặp đi lặp lại cảnh hễ được mùa thì rớt giá gần như đối với tất cả các nông sản... đã được đặt ra nhiều lần. Và người ta chú mục vào những thương lái, những người đã mua của nông dân giá một rồi bán ra trên thị trường giá mười. Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh trong khi chất vấn Thứ  trưởng Bộ Công thương: “Đồng ý là trong cơ chế thị trường đương nhiên có nhiều loại thương lái, nhưng làm sao để có nhiều thương lái biết điều, đừng để thương lái ăn chặn, ép giá ép đủ mọi thứ để người nông dân phải khóc”. Phần trả lời, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết Bộ Công thương đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường trong nước trong đó có phát triển thị trường thương mại nông thôn. Chương trình quy hoạch thương nhân thu mua nông sản lúa gạo cũng được Thứ trưởng Thoa nhắc đến. Tiêu thụ sản phẩm bao giờ cũng phải có khâu trung gian nhưng làm sao khâu đó ngắn đi và quản lý được, bà Thoa nhấn mạnh.

Nhưng có vẻ tất cả hai bên đã thiếu thực tế. Đúng là nông dân đã phải chịu nhiều cay đắng khi giá phân, giống, điện, nước, xăng dầu tăng cao làm giá thành sản xuất tăng mà giá thành sản phẩm đi xuống. Nhưng cũng cần phải nhớ, các khoản thu cho ngân sách Nhà nước từ nông dân gần như không có bởi các khoản thu đã đổ hết lên thương lái. Giá vận chuyển tăng cao do giá xăng tăng, giá vốn cũng vẫn cao, các loại phí cầu đường không thể tính được, các khoản thuế phí qua các khâu bán buôn, bán lẻ và các khoản bôi trơn để chuyến hàng được xuôi lọt nhanh chóng. Mà thị trường thì chỉ chấp nhận một mức giá vừa phải, không thể cứ tăng mãi được. Bởi sẽ có lúc có người lại phải hét lên: Đừng để người tiêu dùng phải khóc vì giá. Đó là chưa kể đi buôn mười chuyến, mất vốn một chuyến coi như lỗ. Bán được 10 xe dưa hấu qua cửa khẩu Tân Thanh nhưng chỉ cần ế một xe là thương nhân khóc ròng. Vào những giờ này, khi Bộ GTVT quyết định chấm dứt tình trạng xe quá tải phá hoại đường xá, các thương nhân không thể chở hàng đi được, giá nông sản bán tại ruộng đã xuống kỷ lục. Bởi vì giá vận tải thường chiếm khoảng 40% giá bán nông sản, chở quá tải giá còn thấp, nếu chở đúng tải, theo dự tính, giá vận tải sẽ phải tăng gấp đôi, chiếm đến 80% giá thành. Vậy nghỉ buôn là hợp lý. Sẽ lại tái diễn cảnh nông dân không sản xuất hàng hóa tập trung nữa mà chuyển sang sản xuất nhỏ lẻ để dễ tiêu thụ hàng hóa. Con đường hiện đại hóa nông nghiệp sẽ bị bẻ cong “mềm mại” về phía quá khứ.

Thấy người ăn khoai, vác mai ra đào?

Sau những sự kiện giá lúa sụt giảm, người nông dân phải bán thấp hơn giá thành, sau những sự kiện khủng hoảng thừa nông sản, đã có nhiều người đổ tội cho nông dân sản xuất ngoài kế hoạch, thấy mùa trước cái gì giá cao là đổ xô vào nuôi trồng, thị trường thừa ế, giá xuống thấp là phải. Có người khuyên nông dân là chỉ nên sản xuất nhỏ lẻ. Có người đề ra chủ trương cánh đồng mẫu lớn, tập trung sản xuất, hợp tác nhiều đầu mối, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ… Tất cả đều đã được nông dân nghe theo và… đã thất bại cả.

Cánh đồng mẫu lớn với mức độ tập trung cao, có điều kiện triển khai cơ giới, triển khai các biện pháp kỹ thuật. Điều ấy đã được khẳng định. Nhưng sự kiện sét đánh đối với mô hình này vừa xảy ra: Tất cả các đầu mối thu mua nông sản vừa bỏ chạy, không thực hiện hợp đồng mua nông sản vì… giá thị trường xuống quá thấp, thương nhân không có lãi đã đành mà còn lỗ nặng. Nghe nói có thương nhân từ chối hợp đồng mua nông sản với lý do phải vào viện tâm thần(!).

Đối với sản xuất nông nghiệp, cái câu “Thấy người ta ăn khoai, vác mai ra đào” không phải là câu nói mỉa mai mà là đúng. Cần phải tăng cường sản xuất tập trung để tạo ra lượng sản phẩm lớn. Vì chỉ có lượng sản phẩm lớn mới có quyền lực tham gia thị trường thế giới, mới đủ sức cạnh tranh trên những sân chơi lớn. 

Chỉ có điều, ai là người chơi: nông dân hay thương nhân? Câu hỏi này sẽ dễ dàng trả lời nếu nông dân là của thương nhân và thương nhân là của nông dân, nghĩa là không phải thương nhân hợp tác với nông dân, các đầu mối cung ứng, các nhà khoa học hợp tác với nông dân và thương nhân… Tất cả phải nằm trong một doanh nghiệp, doanh nghiệp này đủ lớn để sản xuất tập trung và trực tiếp tham gia thị trường, kể cả thị trường thế giới. Chỉ có như vậy mới có thể ra khỏi tình trạng tắc đầu ra nông sản như hiện nay. 

Những vướng mắc cơ chế và pháp lý

Rất nhiều thương nhân đã từng tuyên bố: Cho tôi đất, tôi sẽ làm thay đổi tốt lên nhiều. Dĩ nhiên không phải cho đất mà là cho quyền sử dụng, định đoạt về đất. Mới đây chủ một hãng sữa lớn, bà Thái Hương tuyên bố, nếu trao Tây Nguyên cho bà, chỉ cần 10 năm bà sẽ thay đổi theo hướng tốt, không chỉ khung cảnh với việc khôi phục lại rừng mà còn nâng cao gấp nhiều lần thu nhập của nhân dân lẫn GDP khu vực. Nhưng đó là một ước mơ không tưởng. Một nghìn các quy định pháp lý chống lại việc các doanh nghiệp chiếm giữ khai thác diện tích đất lớn. Và ước mơ của bà Hương vẫn chỉ là ước mơ. Cũng với nhiều lý do, quyền tham gia thị trường của các doanh nhân, nhất là các doanh nhân có điều kiện sản xuất bị hạn chế. Các nhà sản xuất lúa gạo đã tranh đấu nhiều nhưng đành bất lực trước quy định về các đầu mối xuất khẩu gạo. Đã xảy ra cảnh, anh sản xuất, anh có kho phải bán giá thấp cho anh buôn nước bọt và nông dân ngồi nuốt nước bọt mơ được tự mình đi bán gạo của mình.

Đã đến lúc cần phải nói thẳng, các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả Bộ Công thương, không thể tạo ra thị trường được. Họ chỉ có thể điều tiết, qua công cụ quản lý như thuế, chính sách để hỗ trợ sản xuất đáp ứng thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Can thiệp quá sâu vào thị trường sẽ là cản trở thị trường. Theo chúng tôi, cần sớm giải quyết các ách tắc về mặt pháp lý về hạn mức đất, cho phép tạo ra các doanh nghiệp lớn có sự tham gia cổ phần của các nông dân, cho phép các doanh nghiệp này tham gia bình đẳng trên thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường sẽ tự động điều chỉnh sản xuất, điều chỉnh lợi nhuận, giá trị gia tăng cho từng khâu đoạn từ đất tới người tiêu dùng. Càng lao tâm khổ tứ điều tiết, cấm đoán, càng can thiệp càng gây ách tắc. Kể cả với khoa học kỹ thuật nông nghiệp cũng phải sớm hình thành một thị trường vì chỉ có đảm bảo được lợi nhuận thì các nhà khoa học mới chịu khó nghiên cứu, chịu khó phổ biến các kết quả nghiên cứu. Chỉ có thể cứu thị trường nông sản bằng cách giải phóng nó, trả nó về cho các quy luật thị trường chi phối.