Nhà mạng "khó thở" phải lấn sân sang truyền hình trả tiền

ANTĐ - Với năng lực thị trường hiện nay của Việt Nam, cung về phát triển, cho thuê hạ tầng viễn thông đã sắp vượt cầu. Nghịch lý sắp xảy ra nếu không có điều chỉnh.
Năm 2012, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng của ông đã cảm thấy “chật chội” nên phải “lấn sân” sang dịch vụ truyền hình trả tiền. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp...). Với con số này, mật độ thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam còn thấp so với các nước.

Hiện tại, Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang xem xét và thẩm định hồ sơ của Viettel theo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đi tìm câu trả lời hợp lý cho việc hoạch định chính sách đối với dịch vụ Truyền hình trả tiền, chúng tôi đã gặp và phỏng vấn những người trong cuộc. Ông Lê Quốc Vinh, "ông chủ" của Le Media, đơn vị nắm kênh truyền hình Fansipan TV và các tạp chí Đẹp, Thể thao văn hóa & đàn ông, Thế giới vàng, Doanh nhân, Stuff Vietnam, Autocar Vietnam, đã có cách nhìn nhận riêng về dịch vụ Truyền hình trả tiền.

Ông Lê Quốc Vinh (bên phải)

- Hiện nay có hơn 40 đơn vị triển khai truyền hình trả tiền, ông thấy hiện tượng này là bình thường hay không? Việc quá đông đảo như thế liệu có nguy cơ phá vỡ thị trường, làm “sụp đổ” lĩnh vực truyền hình trả tiền? Có những tác động, ảnh hưởng gì đến việc quản lý, quy hoạch lại ngành phát thanh, truyền hình?

Số lượng các công ty làm nội dung thì không phải là nhiều. Nhưng sẽ là vấn đề, nếu có quá nhiều đơn vị phát triển hạ tầng hệ thống. Trong giai đoạn đầu phát triển, việc có nhiều đơn vị tham gia phát triển nội dung truyền hình là rất bình thường, nhưng về lâu dài, chắc chắn sẽ có nhiều sự mua bán, sáp nhập hoặc tiêu vong của các đơn vị không đủ năng lực đi đường dài. 
Vấn đề quy hoạch chỉ phụ thuộc vào các nhà quản lý, phát triển và khai thác hệ thống truyền dẫn, chứ không phải nằm trong tay các nhà phát triển nội dung. Các đơn vị truyền dẫn sẽ lựa chọn những kênh có nội dung phù hợp với quy hoạch của họ để đưa vào hệ thống của mình.

- Một đơn vị mới gia nhập thị trường truyền hình cáp cần sử dụng công nghệ mới, thiết bị hiện đại (công nghệ số, cáp quang) phù hợp với quy hoạch phát triển, có cần phải là điều kiện dứt khoát để cấp phép hay không?

Đương nhiên, truyền hình liên quan đến công nghệ rất nhiều, và đó phải là một trong những điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, mức độ quan trọng về công nghệ sẽ khác nhau giữa các nhà phát triển hạ tầng truyền dẫn và các nhà phát triển nội dung. 

-Ngày 22-5-2012, Tập đoàn Viettel đã nộp hồ sơ chính thức xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc 1 doanh nghiệp sử dụng hạ tầng kỹ thuật của quân đội vào mục đích dân sinh có ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia hay không khi tội phạm công nghệ cao ở trong nước lẫn trên thế giới rất đông đảo. So sánh với khái niệm "đầu tư ngoài ngành", việc này giống và khác ở những điểm chủ yếu gì?

Với sự phát triển của công nghệ truyền hình, giờ đây có thể truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp thông qua hệ thống viễn thông. Tuy nhiên, không phải bất cứ một doanh nghiệp viễn thông nào cũng có thể làm truyền hình. Đặc biệt là vấn đề nội dung. Bởi vì hệ thống viễn thông chỉ có thể đảm nhiệm vai trò truyền dẫn tín hiệu, còn làm truyền hình thì 50% (hoặc hơn) thuộc về nội dung. Vì vậy, với Viettel, đầu tư vào truyền hình là lĩnh vực nằm ngoài hoạt động kinh doanh truyền thống. 
Tôi không có bình luận về vấn đề an ninh, vì nó nằm ngoài hiểu biết của tôi. Nhưng tôi tin rằng, Viettel sẽ phải có hệ thống viễn thông dân sự để thực hiện các dịch vụ dân sinh, nằm ngoài hệ thống phục vụ mục đích quân sự.
- Ông cho biết đánh giá về việc có cần kiến nghị các công ty viễn thông nhà nước, nhất là quân đội, không được đầu tư ngoài ngành, tập trung vào dịch vụ Viễn thông, và cho các đơn vị truyền hình thuê hạ tầng. 
Về vấn đề này, tôi cho rằng nếu các doanh nghiệp tập trung vào thế mạnh riêng của mình, thì mới phát huy được năng lực và tạo hiệu quả kinh doanh. Cho thuê hạ tầng là một giải pháp đáng nghiên cứu. Nhưng cũng phải thú thực rằng, với năng lực thị trường hiện nay của Việt Nam, cung đã sắp vượt cầu rồi. Nếu nhiều doanh nghiệp chạy đua phát triển hạ tầng thì sẽ xảy ra một nghịch lý thế này: giá thuê bao sẽ giảm, hoặc không tăng, các nhà phát triển nội dung sẽ không thể tăng giá trị của các kênh được, không thể đầu tư cho nội dung được. Chúng ta sẽ tiếp tục sa lầy vào xu hướng ngược với thế giới, khi mà các nhà phát triển nội dung phải phụ thuộc vào đơn vị truyền dẫn, phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo, vì bản thân các đơn vị phát triển truyền dẫn không thể mua nội dung được. Đó cũng là lý do mà ngành truyền hình của Việt Nam phát triển chậm chạp.