Nên coi xăng dầu là ngành kinh doanh công ích

ANTĐ - Tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng tăng liên tục mà không có giảm. Giá xăng tăng, tất nhiên đẩy giá vận tải lên cao, kéo theo sự tăng giá thành của tất cả hàng hóa. Cái vòng xoáy xuống đáy này giáng thêm một đòn nữa vào nền kinh tế vốn đã khó khăn. Nhưng tất cả những điều ấy chưa đáng sợ. Sợ hơn là những dự báo của chính những nhà kinh doanh xăng dầu: Giá xăng dầu sẽ còn tăng!

Ảnh: Internet

Những lý do tăng giá không chấp nhận được

Để giải thích lý do tăng giá xăng dầu, trả lời báo chí, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm  tới trên 70% thị phần trong nước cho biết: Theo thống kê, việc điều chỉnh giá của liên bộ thời gian qua là có tăng, có giảm phù hợp với thị trường (giá thế giới) đối với các mặt hàng dầu; riêng mặt hàng xăng giá không giảm, Petrolimex cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do giá thế giới tăng. Ông Thịnh cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước thời gian qua do liên bộ quyết định, doanh nghiệp thực hiện đúng chỉ đạo. Việc điều hành giá tuân thủ đúng Nghị định 84/CP, phù hợp với thị trường, cân đối hài hòa các mục tiêu và lý do tăng giá chủ yếu do giá cơ sở tăng.

Chúng ta đã nghe quá nhiều những lý do tăng giá và đã đến lúc chúng ta cần xem xét những lý do đó có hợp lý không? Theo Nghị định 84/2009/CP:  Giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định (=) {Giá CIF (+) Thuế nhập khẩu (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} (x) Tỷ giá ngoại tệ (+) Chi phí kinh doanh định mức (+) Quỹ Bình ổn giá (+) Lợi nhuận định mức trước thuế (+) Thuế giá trị gia tăng (+) Phí xăng dầu (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định pháp luật hiện hành; được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 Nghị định này; Từ tháng 1-2011 đến 7-2014 giá xăng trên thị trường thế giới nếu đúng như thống kê của các hãng tin quốc tế, cho thấy đã tăng 8%, trong khoảng thời gian này, tỷ giá ngoại tệ tăng 3%, còn tất cả các chỉ tiêu khác gần như vẫn giữ nguyên. Như vậy giá cơ sở từ đó tới nay tăng 11%. Giá xăng ngày 1-1-2011 là 16.400 đồng/lít, giá ngày 7-7-2014 là 25.640 đồng/lít. Như vậy trong cùng thời kỳ, giá xăng bán lẻ trong nước đã tăng trên 50%. 

Bên cạnh đó, so sánh bước tăng giá trong thời gian qua cho thấy, khi giá xăng thế giới nhích khoảng 700 đồng/lít, giá xăng trong nước có thể tăng đến 3.000 đồng/lít. Như vậy có thể nói lý do giá xăng dầu thế giới cũng như tỷ giá ngoại tệ tăng không phải là lý do chính cho việc tăng giá xăng dầu. 

Một trong những lý do để các nhà kinh doanh xăng dầu kêu ca là tỷ lệ thuế phí trong giá xăng dầu lên đến 

32%, tức là trên 8.000 đồng/lít xăng. Nhưng xem xét kỹ, tỷ lệ này khá ổn định kể từ năm 2011 và có rất nhiều thời kỳ đã giảm mạnh nhưng cũng không cản được đà tăng của gia xăng dầu. Thuế và phí không phải là lý do tăng giá xăng dầu.

Vậy cái gì có thể làm tăng giá xăng dầu. Cũng soi theo đúng Nghị định 84/CP chúng ta thấy có hai khoản hoàn toàn thuộc quyền quyết định của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đó là chi phí kinh doanh và lợi nhuận doanh nghiệp. Về chi phí kinh doanh, dư luận đã kêu ca rất nhiều lần về hoa hồng đại lý và chi phí hao hụt trong kinh doanh. Điều này đã không được khắc phục và rõ ràng càng ngày càng tăng lên, kéo chi phí kinh doanh ngày càng lớn. Khoản thứ hai còn kinh khủng hơn. Sau những tháng ngày kêu ca về những khoản lỗ, năm 2013, khi Chính phủ yêu cầu giảm các khoản đầu tư kinh doanh ngoài nghành, Petrolimex đã công bố khoản lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu: lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.021 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.112 tỷ đồng. Và mặc dù mới công bố kết quả kinh doanh quý 1-2014, Petrolimex với đà tăng giá này, con số lợi nhuận ngàn tỷ từ kinh doanh xăng dầu sẽ nằm trong tầm tay.

Có thể nói cả nền kinh tế đang trả giá cho những khoản chi phí không rõ ràng và lợi nhuận khủng của các nhà kinh doanh xăng dầu.

Cơ chế quản lý giá và những hệ lụy

Những hệ lụy thì đã quá rõ. Có thể coi xăng dầu là một phần năng lượng cho nền kinh tế. Tăng giá năng lượng là trực tiếp tăng giá thành mọi loại sản phẩm. Trong đó ngành vận tải hàng hóa cũng như hành khách bị thiệt hại nặng nề. Chiến dịch chống xe quá tải đã làm tăng chi phí vận tải hàng hóa lên đến 2-2,5 lần và dự kiến sau đợt tăng giá xăng lần này chi phí sẽ còn tăng cao, quan trọng hơn sức mua của thị trường sẽ giảm sút. Điều ấy không cần nói, không cần phân tích ai cũng rõ. Vấn đề ở chỗ cần làm thế nào để giảm và quan trọng hơn ổn định giá xăng dầu. 

Chúng ta cần nhìn rõ thực trạng: Chúng ta chưa có ngành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Mặc dù có trên 10 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhưng chỉ doanh nghiệp Nhà nước đã chiếm tới 90% thị phần. Riêng Petrolimex chiếm tới trên 70% thị phần. Vì vậy có thể nói kinh doanh xăng dầu vẫn là độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước. Mặt khác, từ Nghị định 55/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 6-4-2007 giao quyền định giá bán xăng cho DN, rồi tới Nghị định 84/2009/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 15-10-2009 đều có đề cập đến giao một phần quyền định giá bán xăng dầu cho DN. Nhưng kể từ khi ban hành các nghị định trên, DN chỉ được 4 lần quyết định giá theo cơ chế hậu kiểm, 6 lần theo phương thức đăng ký giá và chờ phê duyệt. Từ 9-8-2010 đến nay, giá bán trong nước hoàn toàn do Bộ Tài chính quy định với lý do Nhà nước phải áp dụng các biện pháp bình ổn, mà công cụ bình ổn giá như thế nào là do Bộ Tài chính quyết định. Và gần đây nhất, chính Bộ Tài chính cũng phải nhường việc quyết định phê duyệt giá xăng dầu cho Bộ Công thương. Bộ Công thương là chủ sở hữu DN kinh doanh xăng dầu lớn nhất và cả những doanh nghiệp nhỏ hơn. Vậy là Bộ Công thương vừa kinh doanh xăng dầu vừa quyết định giá. Và ngay sau khi có quyền Bộ Công thương đã cho phép DN có quyền tăng giá đến 3% mà không cần xin phép, dĩ nhiên vẫn đảm bảo ít nhất là 10 ngày một lần tăng giá. 

Một nhà kinh doanh taxi nghe chủ trương mới toát mồ hôi than thở với chúng tôi: 10 ngày một lần tăng giá. Tăng giảm giá xăng mà như giá rau, ăn thì mua, không ăn thì thôi...

Đòi một cơ chế thị trường đầy đủ cho kinh doanh xăng dầu ngay bây giờ là điều không thể. Vậy có thể làm gì? Câu hỏi này đã qua nhiều hội thảo, nhiều trao đổi mà vẫn không có đường ra. Chính vì vậy, mặc dù ngay từ cuối năm 2012, Chính phủ đã nhận thấy những hạn chế của Nghị định 84/CP về quản lý kinh doanh xăng dầu và đã giao cho Bộ Công thương soạn dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84/CP nhưng gần 2 năm nay, Bộ Công thương cũng chưa bàn xong.

Trong khi chờ đợi, nhiều chuyên gia đã cho rằng: Giá xăng dầu có vai trò quyết định đối với nền kinh tế. Với một mức giá chấp nhận được, nó sẽ hỗ trợ  cho sự phát triển. Nếu giá tăng liên tục nó sẽ kéo cả nền kinh tế xuống đáy. Vì vậy, ngoài việc giảm các khoản thu ngân sách qua thuế phí, quản lý tốt kinh doanh xăng dầu, giảm chi phí trong kinh doanh, việc cần kíp là không hạn mức lợi nhuận doanh nghiệp cho các DN kinh doanh xăng dầu. Trước khi xây dựng được một ngành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có thể coi đây là một ngành kinh doanh công ích, không lợi nhuận. Có như vậy DN kinh doanh xăng dầu mới không chạy theo lợi nhuận chạy đua tăng giá với những lý do rất ảo như thời gian qua.