Mua bán hàng qua mạng: Thả chim lên trời!

ANTĐ - Những câu chuyện được kể lại từng ngày trên các mạng xã hội là những câu chuyện nửa cười, nửa khóc. Khóc vì mất tài sản, cười vì sự ngu dại, cười vì nói mãi rồi mà không cảnh giác nổi, cười vì hậu quả cay đắng của sự tham lam.

Mới đây nhất, ngày 28-8-2014, anh Nguyễn Văn Nghiệp, sinh viên trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh dạo chơi trên mạng, gặp một người rao bán một    laptop có cấu hình rất cao với giá quá rẻ. Đang cần máy để học tập, anh liên hệ và chủ máy đồng ý bán ngay. Gặp nhau trong quán cà phê, xem và thử máy, anh Nghiệp vừa ý lắm. Để anh bạn chờ với chủ máy, anh ra rút tiền mang về trả. Tính ra chiếc máy này rẻ hơn so với mua ngoài cửa hàng đến 5 triệu đồng. Về đến nhà, mở máy không được. Hóa ra chủ máy cũ đã gài mật khẩu phức tạp. Anh gọi điện lại cho chủ máy. Và sự thật đã được người bán máy nói qua điện thoại: Đây là chiếc máy ăn trộm. Chỉ vài phút sau, một số điện thoại khác gọi vào máy anh Nghiệp thông báo mình là chủ máy và muốn chuộc lại chiếc máy với giá cao hơn giá anh mua 2 triệu đồng. Hẹn gặp nhau ở một quán cà phê trên đường Hoàng Sa. Địa chỉ, nơi học, cả số điện thoại anh Nghiệp đã chót để cho người bán máy biết... Không còn cách nào khác, anh đành mang máy đến quán cà phê cho chủ máy chuộc lại. Nhưng không ngờ, vừa đến quán, một nhóm thanh niên đã vây lấy anh, bắt anh bỏ máy ra kiểm tra. Họ xác nhận đây là máy của họ qua những tài liệu lưu trong máy và khẳng định anh là người ăn trộm còn đòi tiền chuộc. Họ nhất định bắt anh ra công an. Biết rơi vào ổ lừa đảo và cuối cùng cũng không lấy lại được tiền, anh Nghiệp đành giao máy cho họ. Mất không 20 triệu đồng. 

Nhưng đó chỉ là một trong hàng nghìn chuyện lừa đảo bán hàng trên các trang mạng, cả qua các web lẫn các trang mạng xã hội. Và cũng không chỉ trên mạng xã hội, trên điện thoại và cả trên các trang quảng cáo truyền hình, lừa đảo vẫn xảy ra. Chị Phạm Thị Bích, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến tre vừa kể lại câu chuyện mà chị coi là tự mình chết vì tham. Trên chương trình quảng cáo, chị nhận được một lời mời gọi vào số ĐT: 08.38511… để được hãng sản xuất biếu 1 cặp đồng hồ Thụy Sĩ trị giá 15,8 triệu đồng. Quảng cáo còn nhấn mạnh, chỉ có 300 người gọi đầu tiên mới được biếu. Chị gọi ngay và chỉ sau 10 phút, chị nhận được điện thoại gọi lại, báo là chị được nhận quà biếu và thông báo thể thức nhận quà như sau: “Hãng” sẽ gửi 2 chiếc đồng hồ cho chị qua bưu điện, trước khi nhận hàng, chị phải nộp cho nhân viên bưu điện 1,58 triệu đồng tiền thuế. Số tiền chênh lệch quá lớn. Chị đồng ý ngay. Thêm khoảng 5 cuộc điện thoại liên lạc do “hãng” chủ động gọi cho chị, ngày  7-9 chị được nhận gói quà. Hàng đựng trong chiếc hộp gói kín, người đưa hàng xưng là nhân viên bưu điện, yêu cầu chị nộp tiền trước khi mở gói hàng. Mong có một cặp đồng hồ cho hai vợ chồng, chị nộp tiền ngay. Chờ đợi chị Bích mở gói quà, nhận đồng hồ, ký tên vào phiếu nhận xong, người bán hàng ra về. Nhìn cặp đồng hồ có hình thức đẹp, chị phấn khởi, chờ chồng về để khoe. Ai ngờ, chồng chị nhìn đồng hồ và mắng chị một trận. Anh lôi chị ra hàng đồng hồ và nhận được một kết quả đau xót: Đây là một cặp đồng hồ loại rẻ tiền, có độ bền thấp và giá chỉ chưa đầy 1 triệu đồng. Gọi lại số điện thoại “hãng”, chị được biết đây là hàng chính hãng theo thông báo ở phiếu nhận hàng. Còn giá tiền thì... theo đánh giá của doanh nghiệp phân phối là thế. Chị không thể khiếu nại. Thêm một ví dụ chết vì lòng tham. Để kiểm tra thông tin này, người viết bài đã gọi lại số điện thoại này và dù đã quá lâu, người viết vẫn được mời nhận đồng hồ “miễn phí”!

Quá nhiều lừa trên mạng

Truy cập vào các trang mạng xã hội như fb, you tube...và ngay trên các trang rao vặt ở các báo và trang điện tử chúng ta gặp hàng ngàn tin rao vặt bán mọi thứ trên đời. Rất có thể các tin rao vặt này đã nối kết được người cần bán và người cần mua nhanh nhất, vốn là một chức năng của thương mại điện tử. Nhưng với tính ẩn danh của các địa chỉ trên mạng những trò lừa nở rộ như cỏ mùa xuân. Trò lừa phổ biến nhất là nhận tiền không giao hàng. Đọc các tin rao vặt, chúng ta thường thấy thông báo về phương thức giao dịch: chuyển 100%, chuyển 30%, thậm chí với món hàng đắt tiền chỉ cần chuyển 10% qua tài khoản ngân hàng, sẽ được chuyển hàng đến tận nơi. Khi nhận hàng sẽ giao nốt số tiền còn thiếu. Và tình trạng phổ biến là chuyển tiền rồi, sau vài lần khất, hẹn, người bán hàng tắt điện thoại, tài khoản trên các mạng xã hội cũng đóng. Người đã chuyển tiền ôm một bụng tức mà chịu.\

Thời gian qua, Công an Cần Thơ đã khởi tố Bùi Thanh Phong (sinh năm 1981, trú ở phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) với tội danh Lừa đảo tài sản. Thông qua mạng xã hội Facebook, Phong lấy   nickname Kenny Zeng cho đăng tin rao bán các loại điện thoại iPhone 4s, iPhone 5; máy tính bảng iPad 3; máy tính MacBook Pro... với giá từ 4,5-33 triệu đồng. Để quảng cáo cho các tin rao trên Facebook, Phong sẽ quảng bá mình là một “ông trùm” buôn bán hàng điện tử xách tay “xịn” từ nước ngoài về Việt Nam. Các hàng điện tử do Phong rao bán đều là hàng chính hãng, mới 100%, tất cả đều là hàng xách tay. Khi có khách hàng add nick Kenny Zeng để thực hiện giao dịch bằng tin nhắn qua Facebok, nick Kenny Zeng sẽ hướng dẫn giao dịch, thỏa thuận giá cả, số lượng... Thấy khách hàng muốn mua sản phẩm, nick Kenny Zeng liền yêu cầu khách phải đặt cọc trước từ  20 - 30% giá trị hàng đặt mua bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng  mở tại Ngân hàng  nick Kenny Zeng cung cấp. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản, nick Kenny Zeng sẽ nhắn cho khách hàng là mình sẽ giao hàng tận nơi, theo địa chỉ của khách hàng cung cấp trong vòng 5 - 7 ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn Phong đã nhận được trên 400 triệu đồng từ 159 khách hàng trên mạng. Kiếm đủ tiền. Phong tắt máy điện thoại, đóng tài khoản.

Lừa đảo chuyển khoản còn biến tướng tinh vi hơn với kiểu “mạo danh 2 lần”. Kẻ lừa đảo lập trang bán hàng mạo danh một shop có thật, dùng hình ảnh, số tài khoản của shop thật những thông tin liên lạc của mình. Khi người mua liên hệ và chuyển tiền xong, lập tức kẻ gian đến shop thật và mạo danh là khách hàng đã chuyển khoản, lấy hàng và “lặn” mất. Kẻ mạo danh có hàng, shop thật có tiền, chỉ khách mua thật sự là bị thiệt. 

Hiện tượng phổ biến thứ hai là khách hàng chuyển tiền và nhận được hàng, nhưng là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Rất nhiều khiếu nại gửi tới quản trị các trang và các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng hàng bán qua các trang mạng và cả các trang thương mại điện tử, đặc biệt là với các hàng hiệu, hàng thời trang của các nhãn hàng có uy tín quốc tế. Vào đầu tháng 7 vừa qua, trên một diễn đàn mạng cũng ầm ĩ với vụ lừa đảo của hai chị em dùng chung. Do tin tưởng hai chị em, vốn đã tạo được uy tín nhất định trên diễn đàn, một thành viên đã đặt mua qua mạng 2 chiếc túi Marc Jacobs với giá 1.640 USD. Người bán đảm bảo bằng miệng rằng túi hàng xịn và mới 100%.Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền và nhận hàng, người mua mới ngã ngửa ra khi thấy túi xách hàng dởm và cũ nát. Việc lấy lại tiền hoàn toàn không phải dễ dàng.

Nhưng không chỉ người mua bị lừa mà chính người bán cũng bị lừa. Chiêu lừa “dã man” nhất phải kể đến việc người mua đặt lệnh chuyển tiền, lấy phiếu rồi, nhưng sau đó hủy lệnh chuyển, dùng phiếu chuyển không hiệu lực, che giấu hủy lệnh, chụp ảnh email cho người bán để người bán chuyển hàng. Sau khi hàng đến tay người mua, người mua hủy luôn tài khoản ngân hàng, tắt điện thoại, đóng tài khoản. Trời đất bao la, làm sao tìm được con chim không có tên? 

Làm sao để môi trường thương mại điện tử được trong sạch?

 Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã nhận được gần 800 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có tới 74% là khiếu nại về thương mại điện tử, mua bán trên mạng internet, qua quảng cáo trên các phương tiện truyền thông điện tử như đài phát thanh, đài truyền hình... Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, năm 2013 giá trị mua hàng trực tuyến ước tính lên tới 2,2 tỉ USD. Loại hình hàng hóa và dịch vụ được mua sắm trực tuyến cũng khá đa dạng: từ mỹ phẩm, quần áo, đồ công nghệ cho tới dịch vụ làm đẹp, tư vấn... Thế nhưng, qua khảo sát chỉ có hơn 30% khách hàng cảm thấy hài lòng sau khi mua sắm trên mạng.

Hiện có trên 1.100 doanh nghiệp (DN) đăng ký website bán hàng qua mạng tại Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ TMĐT (thông qua các sàn giao dịch). Trên thực tế, số lượng website bán hàng qua mạng chưa đăng ký với Cục còn lớn hơn gấp nhiều lần, nhất là những website bán hàng của cá nhân lập ra và thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter…Hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển nhanh chóng vì đây là hình thức tiện lợi, người bán không chịu nhiều chi phí đầu tư mặt bằng, kho bãi và quan trọng nhất là thủ tục hoạt động đơn giản. Trong lúc các cửa hàng kinh doanh thông thường phải chịu nhiều sự quản lý từ khâu đăng ký kinh doanh đến việc kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng như thuế, quản lý thị trường... thì trên những diễn đàn hoặc các mạng xã hội, việc giao dịch mua bán của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào, nên việc lừa đảo hoặc trà trộn hàng nhái, hàng giả cũng khá phổ biến. 

Theo đúng Nghị định 52/2013/CP, các sàn TMĐT, khi được chấp thuận đăng ký hoạt động, theo quy định phải xây dựng và đưa ra các quy chế và hợp đồng để ràng buộc những cá nhân tham gia kinh doanh. Khi có tranh chấp khiếu kiện xảy ra và cơ quan quản lý Nhà nước có yêu cầu thì các DN quản lý sàn TMĐT phải cung cấp toàn bộ thông tin của các cá nhân tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực thi quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TMĐT vẫn chưa cao, hầu hết các DN quản lý các sàn TMĐT vẫn không quản lý được các thành phần tham gia kinh doanh để khi bị khiếu nại, hầu hết đều không tìm được tung tích của người bán hàng. Còn với các trang mạng xã hội phải kiên quyết cấm việc rao vặt, quảng cáo bán hàng vì không thể quản lý được đối với các địa chỉ ảo, tên ảo, ẩn danh vốn là ưu thế của các mạng xã hội. Việc cấm kinh doanh, quảng cáo, bán hàng trên các trang mạng xã hội cần sớm được luật hóa.

Còn với người tiêu dùng, lời khuyên tốt nhất vẫn chỉ gồm hai từ: cẩn trọng. Trước khi giao dịch, hãy trao đổi với quản trị các sàn TMĐT và hãy dùng phương châm, nhận hàng, trả tiền. Hạn chế chuyển tiền trước, vì thả chim lên trời thì đuổi làm sao?