Mối lo hàng Thái

ANTĐ - Thương vụ mua bán giữa tập đoàn BJC (Thái Lan) và Metro cùng rất nhiều nhà đầu tư Thái Lan khác tham gia vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam làm dấy lên mối lo ngại, “cơn lốc” hàng Thái sẽ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới. 

Hàng Việt Nam cần đảm bảo tiêu chí: giá rẻ, chất lượng tốt, dịch vụ đầy đủ

Có thể thay thế hàng Trung Quốc

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, năm 2013, Việt Nam đã nhập 6,31 tỷ USD các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng từ Thái Lan. Kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng nhập khẩu từ quốc gia này vào Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Điều này cho thấy, không bao lâu nữa, hàng hóa “Made in Thailand” sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả các chợ từ nông thôn tới thành thị. Hàng hóa Thái Lan sẽ đứng đầu danh sách lượng hàng hóa từ các nước ASEAN đổ bộ vào thị trường nước ta tận dụng các cam kết ưu đãi của cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015. 

Có nhiều căn cứ để khẳng định điều này, bởi hàng Thái Lan đã có mặt và được biết đến rộng rãi trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay. Các cửa hàng tiêu dùng Thái Lan dày đặc tại rất nhiều tuyến phố ở Hà Nội như: Láng Hạ, Pháo Đài Láng, Tây Sơn… Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ hàng Thái Lan tại Hà Nội và TP.HCM là sự kiện thường niên rất được người tiêu dùng chào đón. 

Gần đây, khi hàng loạt vụ hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, thiếu an toàn bị phát hiện, “làn sóng” hàng Trung Quốc đã diễn ra, hàng Thái Lan lại có thêm cơ hội phủ sóng rộng hơn tại thị trường Việt Nam. Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, Thái Lan có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam từ rất lâu, đồng thời rất bài bản. Hàng năm, họ tổ chức 4 hội chợ triển lãm quy mô, đưa hàng hóa vào du lịch, tổ chức các đại lý, cửa hàng khắp từ Nam ra Bắc.

Đương đầu với thử thách

Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trong cuộc trò chuyện với tiểu thương Hà Nội mới đây đã cảnh báo: “Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập năm 2015 sẽ xóa bỏ nhiều rào cản, hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội xâm nhập thị trường các nước và ngược lại. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán cũng đặt ra nhiều thách thức cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam. Việc đẩy mạnh đưa hàng Việt vào chợ truyền thống cũng là một cách để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng Việt Nam”. 

Cho rằng ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội kiến nghị: “Cần thực hiện việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối Việt Nam theo quy hoạch (nhất là xem xét việc phát triển các điểm bán lẻ thứ hai trở đi ở thị trường nội địa), đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM. Các đại siêu thị cần đảm bảo cự ly khoảng 30km tính từ trung tâm thành phố để xác định vị trí kinh doanh kết hợp với kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở từng khu vực dân cư. Về phương thức phân phối, vị chuyên gia này cho rằng cần đảm bảo nguyên tắc: “Lưu thông thông suốt, ít trung gian, chi phí thấp, giá cả cạnh tranh, xây dựng một số chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân từ sản xuất tới tiêu dùng. Đảm bảo cho các nhà sản xuất, nhập khẩu, cung ứng hàng cho hệ thống bán lẻ hiện đại nắm được giá cả, chất lượng từ đầu vào đến giá bán lẻ cho người tiêu dùng cuối cùng”.