Liên kết từ 20-30 chủ tàu khai thác cá ngừ theo chuỗi giá trị

ANTĐ - Để chuẩn bị khởi động đề án thí điểm mô hình sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị của Chính phủ tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên đang vận động xây dựng mô hình liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ do Công ty cổ phần Bá Hải liên kết với 20 đến 30 chủ tàu khai thác cá ngừ.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2015, ưu tiên thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển đối với các tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Trong đó, 100% tàu khai thác cá ngừ đại dương được tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; xây dựng thí điểm 1 mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

Phú Yên có 6.146 tàu cá, trong đó 1.044 tàu có công suất từ 90CV (mã lực) trở lên. Trong số này có hơn 550 tàu câu cá ngừ đại dương với sản lượng khai thác bình quân hàng năm khoảng 6.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có 103 tổ tàu thuyền an toàn với 919 tàu cá tham gia và 5 nghiệp đoàn nghề cá. Những năm gần đây, các tổ tàu thuyền an toàn và tổ sản xuất được hình thành tự nguyện trong cộng đồng ngư dân đã tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất; cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên biển.

Vận chuyển, mua bán cá ngừ đại dương tại Cảng cá phòng 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên

Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Phú Yên, trong bối cảnh có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiện nay như nhu cầu mở rộng ngư trường khai thác; tổn thất sau thu hoạch cao (từ 20-30%) giá trị sản phẩm; chi phí đầu vào cho chuyến biển gia tăng; an ninh trật tự trên biển ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, các mô hình liên kết trong sản xuất của ngư dân thiếu bền vững, chỉ hỗ trợ nhau về thông tin thời tiết, ngư trường, thiên tai. Chưa liên kết được các dịch vụ hậu cần như liên kết khai thác và luân phiên vận chuyển sản phẩm bào bờ và vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm ra biển cung cấp cho các tàu khác trong tổ để kéo dài thời gian chuyến biển, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm; thiếu quy chế hoạt động và hợp đồng hợp tác, chưa hình thành được mô hình liên kết ngang, dọc theo chuỗi giá trị…

Theo TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng thuộc Ban điều phối Vùng Duyên hải miền Trung, Nhà nước nên rà soát lại chính sách hỗ trợ về đầu tư vốn, cơ chế, thời hạn cho vay ưu đãi trên tinh thần ngư dân hình thành việc đóng tàu, đánh bắt trong tương lai. Xây dựng một trung tâm hậu cần nghề cá tại vùng Duyên hải miền Trung có quy mô khu neo đậu tàu thuyền, nhà máy chế biến thủy sản, khu thương mại, đào tạo nghề đánh bắt thủy sản; gắn việc đánh bắt, thương mại với nâng cao hiệu quả công nghiệp chế biến, vì hiện trong vùng có 132 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng hoạt động chưa đạt yêu cầu.

Đào tạo đội ngũ đánh bắt xa bờ bảo đảm chất lượng, thân thiện mới môi trường, vì hiện nay hầu hết ngư dân chưa được qua đào tạo bàn bản (trong vùng khoảng 2.000 lao động). Xúc tiến thương mại phải gắn đánh bắt, chế biến đảm bảo chất lượng, biết tìm kiếm thị trường để mang lại hiệu quả; đồng thời chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư trước như cá ngừ đại dương.