Kinh doanh thực phẩm sạch: Khó đủ đường

(ANTĐ) - Thực phẩm sạch từ  “trang trại đến bàn ăn”, đó không chỉ là mong muốn của đông đảo người dân Hà Nội mà còn là trăn trở của các ban ngành thành phố. Để thực hiện nguyện vọng này, Hà Nội đang ưu tiên đầu tư xây dựng 5 khu vực bán thực phẩm, rau an toàn tại 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp, đồng thời hỗ trợ 60 triệu đồng với những dự án kinh doanh thực phẩm sạch. Tuy nhiên, muốn dùng nhưng lại không có thói quen mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch đang là một thực tế khiến nhiều tiểu thương không mặn mà với hình thức kinh doanh này.

Kinh doanh thực phẩm sạch: Khó đủ đường

(ANTĐ) - Thực phẩm sạch từ  “trang trại đến bàn ăn”, đó không chỉ là mong muốn của đông đảo người dân Hà Nội mà còn là trăn trở của các ban ngành thành phố. Để thực hiện nguyện vọng này, Hà Nội đang ưu tiên đầu tư xây dựng 5 khu vực bán thực phẩm, rau an toàn tại 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp, đồng thời hỗ trợ 60 triệu đồng với những dự án kinh doanh thực phẩm sạch. Tuy nhiên, muốn dùng nhưng lại không có thói quen mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch đang là một thực tế khiến nhiều tiểu thương không mặn mà với hình thức kinh doanh này.

Thực phẩm sạch, hay còn gọi là thực phẩm hữu cơ đang được ưa chuộng tại các nước phát triển. Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho rằng tại Mỹ đã có những đột phá mang tính cách mạng trong thói quen ăn uống. Trong vòng 10 năm qua các loại thực phẩm hữu cơ chỉ được bán tại một số cửa hàng nông sản ít ỏi, còn các nhà kinh doanh siêu thị cũng chẳng có khái niệm “thực phẩm hữu cơ”. Nhưng hiện nay, loại thực phẩm này đã được bán đại trà khắp nơi. Tại châu Âu các loại thực phẩm hữu cơ được coi là biểu tượng của thực phẩm cho sức khỏe, đã có khoảng 3-5% các trang trại nông nghiệp thực hiện nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp theo những quy định thực phẩm hữu cơ.

Các chuyên gia dinh dưỡng của Tổ chức y tế Thế giới lạc quan cho rằng trong một tương lai không xa thực phẩm sạch sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên tại Việt Nam thì khái niệm này vẫn còn khá xa lạ hoặc có nhưng người dân không quan tâm. Song các nhà khoa học đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân ung thư của Việt Nam cao thứ hai thế giới chính là do ảnh hưởng của các hóa chất độc hại trong thực phẩm bao gồm: thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc... Thực phẩm sạch sẽ loại trừ hoặc có nhưng trong giới hạn cho phép các loại thuốc này.

Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn ưu tiên, khuyến khích, đẩy mạnh các vùng trồng rau an toàn, các trang trại chăn nuôi thực phẩm sạch nhưng trồng xong không bán được hoặc bán với giá rẻ là một thực tế khiến nhiều người nông dân chán nản. Theo anh Nguyễn Xuân Hòa, xã Vân Nội, huyện Đông Anh: Trước đây, khi thành phố phát động Vân Nội là vùng trồng rau an toàn, nhà nhà trồng theo song sau một thời gian đều nhận thấy rằng hiệu quả kinh tế thấp hơn. Thứ nhất, rau sinh trưởng chậm hơn, dễ bị sâu bệnh. Thứ hai, khi thu hoạch bán cũng chậm hơn. Bán giá cao thì ít người mua mà bán giá thấp thì không có lãi. Vì vậy nhiều gia đình còn bị lỗ.

Không chỉ người sản xuất mà đến khâu phân phối cũng “kêu” về tính cạnh tranh kém của mặt hàng này. Chị Nguyễn Phương Hoa, chủ cửa hàng kinh doanh rau sạch chợ Nghĩa Tân cho biết: Rau sạch có giá cao gấp 2-3 lần rau chợ là chuyện bình thường. Ví dụ một mớ rau muống chợ bán 2.000 đồng nhưng tại đây phải bán 6.000 đồng-10.000 đồng vì khi nhập vào giá đã cao rồi. Chính vì giá cao nên người tiêu dùng không thích mua, hoặc nếu mua thì cũng chỉ mua số lượng ít, chủ yếu cho các gia đình có trẻ em.

Bên cạnh đó nhiều người còn không tin tưởng vào độ an toàn của rau, cho rằng rau ở cửa hàng sạch chắc gì đã sạch. Mua ở chợ, đặc biệt là mua ở các gánh hàng rong giá rẻ đã trở thành thói quen không dễ bỏ của các bà nội trợ luôn phải tính toán sao cho chi phí bữa ăn thấp nhất. Vì vậy, tính ra cả ngày lượng rau của cửa hàng bán có khi chỉ bằng 1/5 các sạp hàng ở trong chợ. Để tăng lợi nhuận, không ít chủ hàng đã trà trộn rau chợ, nói thật người mua cũng khó mà phân biệt.

Tận mắt chứng kiến mới thấy rằng sức mua ở các chợ sáng vô cùng lớn. Hầu hết các khu dân cư đều có chợ sáng họp từ 5h-9h sáng. Chỉ cần một góc chợ sáng Dịch Vọng nhưng trong vòng vài tiếng buổi sáng chị Thơm (Hoài Đức) cũng dễ dàng bán được 30-40 con gà ta với giá 60.000 đồng/kg nhưng cũng thời gian đó ở cửa hàng gà sạch có đóng dấu với giá 120.000đồng/kg chỉ bán được 5-10 con là nhiều.

Mặc dù vậy, thành phố Hà Nội vẫn coi nhiệm vụ mở rộng mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn là ưu tiên hàng đầu, nằm trong Kế hoạch phát triển hệ thống kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu trong thành phố giai đoạn 2009-2015: nâng cấp 185 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, rau an toàn của Tổng công ty thương mại Hà Nội, rà soát, phát triển 127 điểm kinh doanh rau an toàn, trên 200 điểm kinh doanh gia cầm sạch. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tạo thói quen mua thực phẩm sạch đối với người tiêu dùng trong đó khâu tuyên truyền có vị trí quan trọng nhất, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.

Huyền Khánh

Người dân còn thờ ơ với thực phẩm sạch

Tháng 6-2006, công ty của tôi khai trương Nhà máy giết mổ gia cầm sạch tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức với diện tích 4.000m2, công suất giết mổ 250 con/giờ. Nguồn nguyên liệu được nhập từ các trang trại đảm bảo chất lượng, quy trình giết mổ hiện đại, an toàn và hệ thống thú y túc trực 24h/ngày. Sản phẩm của công ty sau khi ra khỏi nhà máy đã tỏa ra khắp địa bàn Hà Nội.

Cụ thể là các nhà hàng, khách sạn như: khách sạn Hùng Vương, khách sạn La Thành, khách sạn Hồng Hà, nhà khách số 8 Chu Văn An...; các siêu thị như Hapro food, Hapro mart, Intimex, một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Tuy nhiên nhà máy chỉ hoạt động hết 1/5 công suất cho việc giết mổ gia cầm, còn nhận giết mổ thuê cho bên ngoài, có lẽ một phần do ý thức của người tiêu dùng chưa cao và do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập nên người tiêu dùng hiện nay còn thờ ơ với thực phẩm sạch.

Tôi nghĩ cần có cơ chế xử lý đối với cá nhân và cơ sở không đảm bảo vệ sinh giết mổ để những doanh nghiệp chân chính có điều kiện phát triển. Về lâu dài, để thực phẩm sạch có cơ hội đến với người tiêu dùng, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích hơn nữa cho các doanh nghiệp mới về cơ sở hạ tầng và vốn vay.

Ông Nguyễn Đình Thiệp

(Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm xanh Việt Nam)

Mỗi người hãy tự bảo vệ mình

Người ta đã chỉ ra rằng cứ trong 5 loại rau xanh thì có một loại vẫn chứa quá nhiều các kim loại nặng, có hại cho sức khỏe con người đó là chì và kadimi. Các kim loại nặng này xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có những ảnh hưởng bất lợi cho hệ thần kinh đối với trẻ em và cho thận và xương đối với người lớn.

Có tới 20% các loại rau xanh như súp lơ, su hào, cải bắp, cà chua ... có hàm lượng nirite độc hại. Các nhà khoa học đều có chung khẳng định rằng, trái cây và rau xanh sạch chứa rất ít hàm lượng pesticide và các kim loại nặng. Pesticide gây bất lợi cho hệ thần kinh trẻ em. Vì trọng lượng của các cháu ít nên khả năng chuyển hóa vô hiệu hợp chất này cũng kém. Vì vậy nên dùng thực phẩm sạch cho trẻ em. Gần đây một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trái cây và rau xanh được trồng cấy và chăm sóc trong điều kiện tự nhiên, không dùng các loại phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật chứa nhiều các hoạt chất chống ôxy hóa là chúng phải tự bảo vệ mình trước sâu bọ và côn trùng phá hoại.

Mặc dù trong nhiều năm qua, chúng ta đã nỗ lực tuyên truyền về sự độc hại với sức khỏe con người trong việc dùng thuốc tăng trọng đối với lợn, gia cầm, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích với rau quả nhưng tình trạng lạm dụng các hóa chất này vẫn diễn ra. Nói một cách khác, vì lợi nhuận chúng ta đang tự đầu độc đồng loại. Không còn cách nào khác mỗi người hãy tự bảo vệ mình và trở thành người nội trợ thông thái bằng cách mua tại các cửa hàng thực phẩm an toàn.

TS Nguyễn Xuân Thành

(Viện nghiên cứu phát triển sức khỏe cộng đồng)

Chưa có điều kiện dùng thực phẩm sạch

Là người nội trợ cho gia đình, tôi cũng muốn cả nhà có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và thực phẩm sạch. Mua rau quả, thịt cá ở các cửa hàng thực phẩm an toàn và các siêu thị… thì sẽ yên tâm hơn nhiều so với hàng chợ. Nhưng không thể thường xuyên ngày nào cũng mua được vì giá cao gấp 2-3 lần so với hàng chợ, tính ra mỗi tháng sẽ đội lên mấy triệu tiền ăn rồi.

Vì vậy tôi chỉ ghé vào cửa hàng thực phẩm an toàn khi mua đồ nấu bột cho con, còn lại người lớn dùng... hàng chợ. Hàng chợ cũng có những “ưu điểm” không thể phủ nhận của nó: tiện hơn, tươi sống hơn và đặc biệt rẻ hơn là những lý do khiến nhiều bà nội trợ “ví mỏng” không thể chối từ, mặc dù biết rõ những đồ mình mua về, trông tươi đấy, ngon đấy, nhưng có khi ẩn chứa nhiều thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng...

Song tự an ủi, mọi người vẫn mua đấy thôi, có phải riêng mình đâu, cách tốt nhất là mang về ngâm rửa thật kỹ. Thực phẩm bán tại các cửa hàng an toàn chắc gì đã sạch. Bản thân tôi đã từng chứng kiến một nhân viên kiểm dịch kiểm tra và đóng dấu an toàn cho sản phẩm gia cầm mổ sẵn ngoài chợ. Anh này dùng tay trần nhấc từng con gà, vịt đã được vặt sạch lông và mổ bỏ nội tạng lên, ngó nghiêng một hồi rồi cầm con dấu đóng “xoạch” một cái lên sản phẩm.

Chị Nguyễn Thu Hương

(Phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội)