Hàng Việt vẫn khó vào chợ truyền thống

ANTĐ - Ngày 19-8, đại diện của hơn 100 hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân đã có buổi đối thoại với trên 30 doanh nghiệp sản xuất hàng Việt, nhằm “mở đường” cho hàng nội thâm nhập sâu hơn vào chợ truyền thống.

Tiểu thương tha thiết được bán hàng Việt tại chợ truyền thống

Khó đáp ứng điều kiện của nhà sản xuất

Cách đây 3 năm (năm 2011), Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) và Công ty cổ phần Đồng Xuân đã tổ chức tọa đàm về chủ đề tương tự, nhưng theo phản ánh của tiểu thương, tỷ trọng hàng Việt vào chợ vẫn chưa được như mong muốn. Theo bà Nguyễn Thị Dung- Tổ trưởng ngành giày dép tại chợ Đồng Xuân, những năm 1991-1992, kinh doanh ở chợ Đồng Xuân khá sầm uất, hàng Việt còn “đổ” sang Trung Quốc, nhưng sau này hàng từ Trung Quốc lại ngược về Việt Nam. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Dung cho biết: “Khi chúng tôi kinh doanh, chưa bao giờ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt tới tiếp thị. Còn phía Trung Quốc  tiếp thị đến tận nơi, thuê hẳn chỗ kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt bắt chúng tôi phải mua vài trăm đôi giày dép, quầy hàng có 2m2, chúng tôi không biết để vào đâu?”. 

Cũng gặp phải khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Bích- kinh doanh quần áo chia sẻ: “Phía Trung Quốc mang hàng đến tận quầy, chúng tôi bán được hàng họ mới lấy tiền, không bán được thì trả lại, họ chỉ khống chế về thời gian. Nhưng doanh nghiệp hàng Việt lại muốn chúng tôi mua lô hàng lớn, chúng tôi rất ngại vì không có chỗ chứa. Hơn nữa, giá cả do công ty đưa ra, chúng tôi phải thanh toán đầy đủ, họ yêu cầu hộ kinh doanh không có nợ đọng dịp cuối năm nên rất khó đáp ứng”. 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, “khúc mắc” giữa nhà sản xuất với tiểu thương đã có từ lâu, nhưng doanh nghiệp Việt chưa linh hoạt trong kinh doanh, luôn muốn “nắm đằng chuôi”, đặt ra điều kiện chặt chẽ nên tiểu thương khó đáp ứng. 

Tha thiết được bán hàng Việt

Chia sẻ với các nhà sản xuất, tiểu thương chợ Đồng Xuân nhấn mạnh, họ mong muốn được bán hàng Việt tại chợ, nếu doanh nghiệp Việt có cách tiếp cận hợp lý, đặc biệt là vào thời điểm này, khi mà nhiều khách hàng đang quay lưng với hàng Trung Quốc. Ông Nguyễn Khắc Ngọc- kinh doanh giày dép cho biết: “Chúng tôi mong muốn kinh doanh hàng Việt. Sau sự kiện Biển Đông vừa rồi, thương nhân Trung Quốc hạn chế số lượng người sang, nguồn hàng giảm. Để bù đắp lượng hàng thiếu hụt thì hàng từ các cơ sở nhỏ lẻ tràn vào, lại gặp vướng mắc khi cơ quan chức năng hỏi giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận hóa đơn… Cơ sở nhỏ lẻ không có các giấy tờ này”.

Đại diện cho ngành hàng kinh doanh tạp phẩm, chị Nguyễn Thị Thao (quầy 22A1) cho biết, 60% hàng hóa của ngành hàng này phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng giờ khách đến thấy hàng Trung Quốc là không mua. “Doanh nghiệp làm thế nào tìm mối cho chúng tôi kinh doanh?”- chủ quầy 22A1 kiến nghị. Cùng chung băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Bích Liên- kinh doanh quần áo đặt câu hỏi: “Tôi muốn bán hàng Việt Nam nhưng lấy đâu đầu vào”?

Theo ông Đỗ Xuân Thủy- Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đồng Xuân, tỷ trọng hàng Việt tại chợ này đã tăng lên đáng kể trong 3 năm qua, đồng thời, tỷ lệ hàng Trung Quốc giảm. Ví dụ, ở ngành hàng vải sợi, quần áo, hàng Trung Quốc nay chỉ còn 35-40% thay vì 80-90% như trước đây, tỷ lệ hàng Việt chiếm 50%, còn lại từ nơi khác; Giày dép nội cũng chiếm tới 70%, hàng Trung Quốc chiếm 30% nhưng chủ yếu là hàng tồn … Tuy nhiên, hàng Việt tại chợ phần lớn được sản xuất tại các làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ nên chưa tạo được uy tín với người tiêu dùng. Về cách thức tiếp cận hàng Việt, ông Đỗ Xuân Thủy cho hay: “Đầu vào hoàn toàn do tiểu thương tự tìm kiếm nên rất khó khăn; hoặc hàng nhập qua trung gian dẫn đến giá cao, khó bán. Việc tiếp cận của bà con với hàng Việt Nam vẫn đang gặp trở ngại do hai bên chưa hiểu, chưa có niềm tin với nhau”. 

Ông Nguyễn Lương Đức - Chủ tịch Hiệp hội da giày Phú Yên (Phú Xuyên - Hà Nội): Phú Yên hiện nay có 500 cơ sở sản xuất da giày, năng lực sản xuất khoảng 6 triệu đôi giày/năm. Mô hình sản xuất của chúng tôi phù hợp với chợ Đồng Xuân vì 5-10 đôi cũng làm. Tiểu thương có thể làm việc trực tiếp với từng cơ sở sản xuất, nhưng thực tế cơ sở sản xuất và thương nhân vẫn chưa “gặp” được nhau. 

Ông Hoài Nam- Đại diện Unilever Việt Nam: Chúng tôi cam kết rõ ràng sử dụng nguyên phụ liệu bảo đảm môi trường, đáp ứng không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu. Chúng tôi đã có đại diện của công ty tại chợ Đồng Xuân nhưng gặp khó khăn về vận chuyển do quy định giờ cấm xe và hàng giả, hàng nhái tràn lan.