Giá cho thuê đất trồng rừng quá thấp

ANTĐ - Ngày 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 - 2010 của Chính phủ. Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Hơn 10 năm, diện tích rừng tăng lên đạt xấp xỉ 13,4 triệu ha

Theo đánh giá của Chính phủ, dự án đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt những kết quả đáng kể. Đến cuối năm 2010, hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của dự án đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội. Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng có xu hướng giảm, năm 2010 giảm 46% so với năm 1998.

Theo báo cáo của Chính phủ, qua thực hiện dự án, đến năm 2010, diện tích rừng tăng lên đạt xấp xỉ 13,4 triệu ha. Diện tích rừng mất đi do vi phạm lâm luật tuy vẫn còn lớn, nhưng đã giảm nhiều. Cụ thể, năm 1998 là 18.377ha; năm 2005 là 13.942ha thì đến năm 2010 chỉ còn 7.415ha.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện dự án trong giai đoạn 1998 - 2005 còn nhiều lúng túng. Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm, bộc lộ nhiều hạn chế. Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thực hiện chưa tốt. Đặc biệt, việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận...

Về vấn đề này, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, hiện tổng diện tích đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trực tiếp trồng rừng là 288.974,3ha với giá bình quân khoảng 180.000 đồng/ha. Đây là mức giá được đánh giá là quá thấp, trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra rằng, bên cạnh việc trồng rừng, công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng cần được chú trọng đúng mức, vì “trồng xong mà không bảo vệ, phát triển được thì cũng vô ích”. Một số Ủy viên UBTVQH khác bày tỏ băn khoăn về tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết: “Có những vùng tôi từng sống và làm việc, sau gần 10 năm quay lại, rừng không nhiều thêm mà còn… ít đi”. Chia sẻ nỗi lo rừng bị chặt phá, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu: “Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về xây dựng lực lượng kiểm lâm, cả về lực lượng, trang bị, khả năng đối phó với tội phạm”. Bà cũng cho rằng, phải làm sao để người dân sống được nhờ rừng, từ đó tạo động lực cho họ chăm sóc, bảo vệ rừng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của dự án này. Ông yêu cầu Chính phủ và cơ quan thẩm tra đánh giá sâu sắc hơn nữa những mặt còn tồn tại, hạn chế để có thể thật sự yên tâm đề nghị Quốc hội cho khép lại dự án này.

Liên quan đến dự án Luật Phòng chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đây là dự án luật được xây dựng và ban hành để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Một số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với nhận định của Thường trực UB Kinh tế cho rằng nội dung “chống rửa tiền” trong dự thảo luật chưa tương xứng, chưa đủ liều lượng. Do đó, cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành một chương về xử lý vi phạm. Việc xử lý bằng biện pháp hình sự đã được bộ Luật Hình sự quy định. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Đây là vấn đề khó, thực tiễn ở Việt Nam cũng chưa nhiều, cần nghiên cứu thận trọng, không nên vì chạy gấp theo tiến độ mà làm cho xong”.

Thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với phương án không áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với quy định của dự thảo luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì cho rằng mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin.