Doanh nghiệp chưa muốn vay tiền vì “sức khỏe” yếu

ANTĐ - Đến cuối tháng 8-2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,45%, tuy có tăng so với mức 3,52% vào cuối tháng 6-2014 nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Để thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng không ngại cho vay kể với những khoản nhỏ

Sức cầu yếu

Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ Trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 8-2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 5,82% so với cuối năm 2013. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng đã có sự chuyển dịch tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với mục tiêu cả năm. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tín dụng tăng chậm trong thời gian qua có những nguyên nhân khách quan. Theo quy luật hàng năm, tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc nên tăng trưởng tín dụng chưa đạt kết quả như mong đợi.

Ông Phạm Huy Thông - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) nhận định: “Mức tín dụng trên của toàn ngành còn thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn là vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp còn hạn chế và nợ xấu. Cụ thể, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực thép, xi măng giảm mạnh do cầu trong nước giảm”. 

Đại diện các ngân hàng thương mại chia sẻ, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận vốn còn nhiều hạn chế. Về cơ bản, các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, hoạt động co cụm, tài chính không minh bạch. 

Bà Đào Hải Ninh – Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông, chi nhánh Hà Nội cho biết: “Lãi suất cho vay của Ngân hàng TMCP Mê Kông ở mức trung bình so với thị trường. Ví dụ, lãi suất dành cho doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động ở mức khoảng  8-10%/năm. Nhưng kỳ thực các doanh nghiệp đủ điều kiện cho vay theo quy định không nhiều”.

Phải tạo sức lan tỏa

Để cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các công trình cấp bách, dự án trọng điểm quốc gia… tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo ra sức lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực sản xuất khác. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh hết sức khó khăn, một số ngân hàng vẫn tìm được hướng đi nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Ông Đặng Bảo Khánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới đạt 6% nhưng đến nay con số này đã là 17%. 

“Các ngân hàng phải tích cực tìm kiếm các khách hàng có đủ điều kiện vay. Trước kia, với các khoản vay nhỏ nhiều ngân hàng không quan tâm, thì nay phải xem xét chứ không thể dồn tín dụng vào một lĩnh vực để  tránh rủi ro. Với các doanh nghiệp lớn mạnh, uy tín, ngân hàng phải xem xét cho vay tín chấp”, ông Khánh chia sẻ. 

Theo các chuyên gia, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14%, các tháng cuối năm, tín dụng phải đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 9,7-11,7%. Việc hoàn thành mục tiêu còn gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có cơ sở để thực hiện.

Đề xuất gói hỗ trợ cho vay mua nhà mới

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, có thể trong thời gian tới, sẽ có một chương trình tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ vay mua nhà. Gói tín dụng mới này sẽ tháo gỡ những vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, đặc biệt là đối tượng mà gói 30.000 tỷ đồng đang gặp phải. Theo quy định, gói tín dụng mới này sẽ không còn rào cản về tiêu chuẩn, diện tích, phân khúc nhà. Mức cho vay tối đa mỗi khách hàng là 2 tỷ đồng…