Để "đô-la mọc lên từ bàn phím" như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông

ANTĐ - Tại chương trình Tọa đàm lập trình di động do Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC-VTC Academy tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia công nghệ đã chia sẻ bí quyết để "đô-la mọc lên từ bàn phím" như Flappy Bird của chàng trai 29 tuổi Nguyễn Hà Đông.

Dù hành trình thú vị của Flappy Bird chỉ kéo dài 28 ngày từ lúc đứng đầu các kho ứng dụng Google Play và App Store, nhưng nó đã đem về cho Nguyễn Hà Đông hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày. Dù gặp nhiều ý kiến trái chiều nhưng có thể nói, thành công của Flappy Bird chính là niềm tự hào của cộng đồng công nghệ Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Sức hút của hiện tượng Flappy Bird, sức hấp dẫn của ngành lập trình di động, hay sự tò mò đi kèm khát khao "để đô-la mọc lên từ bàn phím" đã kéo gần 200 bạn trẻ đến với chương trình Tọa đàm lập trình di động của Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC tổ chức để cùng trò chuyện với ba vị khách mời: Đào Quang Tuấn- Giám đốc Trung tâm giải trí di dộng thuộc VTC Mobile, trưởng dự án game di động AU Mobile, anh Hoàng Văn Hậu- Giám đốc Cty cổ phần Trường Hậu (TH Soft), chủ nhân của ứng dụng Pingtaxi- No.1 ứng dụng theo đánh giá của Yahoo (2/2014), anh Cao Văn Hoàng (SN 1993) – Lập trình viên tại VC Corp, cựu học viên của VTC Academy ngành lập trình di dộng, sở hữu mức thu nhập trên 1.500 USD/ tháng.

Nói về hiện tượng Flappy Bird nổi tiếng, anh Hoàng Văn Hậu chia sẻ: "Hiện tượng Flappy Bird nổi tiếng một phần do cá tính của Nguyễn Hà Đông. Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều game, cũng như ứng dụng có lượng người dùng lớn, ở các ứng dụng này người ta chỉ quan tâm đến sản phẩm, ít quan tâm đến người sáng lập ra nó. Do đó, để đô- la mọc lên từ bàn phím, các lập trình chỉ cần quan tâm đến việc làm ra sản phẩm game, ứng dụng theo cá tính và những đơn đặt hàng giá trị. Điều quan trọng của người lập trình là cập nhật và sử dụng các công nghệ mới để phù hợp với sự thay đổi của xu hướng".

Như vậy, việc để kiếm được đô-la như Flappy Bird là điều không quá khó khăn. Điều quan trọng mà người lập trình cần làm đó chính là việc thể hiện cá tính của mình trong các sản phẩm ứng dụng, cũng như các game trên di động, và làm chủ công nghệ.

Nói về cách kiếm tiền trên ứng dụng, anh Hoàng Văn Hậu, chủ nhân của ứng dụng Pingtaxi chia sẻ: "Doanh thu của ứng dụng sẽ được thu về nhờ quảng cáo, có nhiều không gian quảng cáo trên ứng dụng của bạn. Nếu ứng dụng 1.000 người dùng, trung bình 1 tháng được 4 USD, nếu 100.000 người sử dụng thì cứ theo đó nhân lên, tính trung bình có được 400 USD/ tháng. Bên quảng cáo có thể thanh toán trực tiếp vào tài khoản của người lập trình viên, hoặc thông qua đối tượng trung gian như Admob của Google".

Sự thành công của Flappy Bird thu hút nhiều bạn trẻ đến với sân chơi lập trình


Ngoài chia sẻ của Hoàng Văn Hậu, chàng trai 21 tuổi Cao Văn Hoàng cũng nói thêm: "Cá nhân tôi nghĩ nếu đã đam mê cái gì thì nên đi theo cái đó và để sản phẩm của mình tạo ra được lợi nhuận thì phải nhìn vào nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng".

Từng học Đại học Luật, nhưng cách đây 2 năm Cao Văn Hoàng đã quyết định "rẽ ngang" sang lập trình di động. Anh đã đăng ký khóa học về lập trình di động tại Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC. Chỉ chưa đầy 2 năm theo nghề, đến nay Hoàng thu về hơn 1.500 USD/ tháng, từ các ứng dụng của mình trên chợ ứng dụng.

Nói về thu nhập của mình từ các ứng dụng, Hoàng nói: "Việc có được doanh thu 1.500 USD/ tháng cũng không phải là lớn và số tiền đó mình sử dụng để tiếp tục phát triển các ý tưởng và ứng dụng tiếp theo, để 1.500 USD không chỉ có giá trị tiền mặt".

Đại diện của game di động AU Mobile, anh Đào Quang Tuấn "bật mí" thêm về cách kiếm tiền của game di động: "Doanh thu của ứng dụng không chỉ đến từ quảng cáo, hiện nay trên AU Mobile không có phí quảng cáo nào cả, nhưng nguồn thu vẫn đổ về thông qua việc chơi game và mua các vật phẩm, tính năng ở trong game, mua nội dung. Các mô hình đấy dễ dàng quen thuộc".

Như vậy, dù ứng dụng có mất phí hay không, nhưng các lập trình viên đều có cách để đưa tiền vào túi của mình.

Anh Cao Văn Hoàng cũng đã chia sẻ về kiến thức và kỹ năng cần thiết để một người bình thường có thể khởi động với nghề lập trình: "Đối với những người lập trình mới vào nghề, ban đầu nên đi theo hướng lập trình offline". 

Cụ thể, trước những thắc mắc của bạn trẻ - những người đang đứng trước lựa chọn ngành lâp trình, giữa lập trình iOS hay Android, anh Hoàng phân tích: "Để đi theo nghề lập trình iOS, cần có sự đầu tư khá lớn: các khóa học khá đắt tiền, trang bị máy móc hiện đại, cho nên những người làm lập trình iOS hiếm hiện nay và những người làm được việc lương rất cao. Còn đối với mảng lập trình Android số lượng người theo có vẻ đông hơn nhưng khối lượng công việc rất nhiều, hầu hết các dự án outsource nước ngoài, hay làm cho các công ty trong nước, bao giờ cũng đòi hỏi nhiều hơn. Thường là cứ 1 lập trình iOS, thì có 2 người làm lập trình android. Hệ điều hành Android phù hợp cho rất nhiều các loại điện thoại khác nhau, với rất nhiều kích thước màn hình khác nhau, nhiều chip xử lý khác nhau, chính vì vậy mà khối lượng công việc của nó nhiều hơn, cơ hội cho những người làm Android sẽ nhiều hơn".

Tại hội thảo, VTC Mobile cũng đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ bằng cách thông báo trực tiếp về các vị trí tuyển dụng mà doanh nghiệp mình đang tìm kiếm như: nhân viên vận hành game, phát triển game, …