Vì sao Bộ Y tế không công bố dịch sởi?

ANTĐ - Gần đây xuất hiện các ý kiến cho rằng dịch sởi năm nay bùng phát mạnh, diễn biến bất thường và cần thiết phải công bố dịch. Ngày 10-4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
PGS.TS Trần Đắc Phu


PV: Xin ông cho biết tình hình dịch sởi đang diễn biến như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, trên toàn cầu ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (37.989 trường hợp), châu Âu (31.726 trường hợp). Tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương: Năm 2013 cả khu vực ghi nhận 30.910 trường hợp mắc sởi, tăng gần 3 lần so với 2012. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2014 đã có 11.139 trường hợp mắc sởi. Các nước có số mắc gia tăng trong 2 tháng năm 2014 là: Trung Quốc (6.104 mắc, 2 tử vong), Philippines (3.706 mắc, 69 tử vong), Nhật Bản (119 mắc), Singapore (55 mắc).

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi tại 59 tỉnh/thành phố. Tích lũy từ tháng 11-2013 đến 31-3-2014 ghi nhận 3.380 trường hợp mắc sởi, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc bệnh rải rác tại nhiều tỉnh nhưng không bùng phát thành ổ dịch lớn.

PV: Có ý kiến cho rằng dịch sởi năm nay đang có những diễn biến bất thường. Vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Để xem xét vụ dịch có những diễn biến bất thường hay không, dựa vào các yếu tố chính: Xem các tác nhân gây bệnh có những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào. Theo các chuyên gia virus học cho thấy, các chủng virus sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc xuất hiện, sự gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác.

Theo nhận định, dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Nguyên nhân là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em. Qua thống kê báo cáo, chúng tôi thấy các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với số người mắc sởi năm 2009-2010.

Các khoa Nhi đều quá tải vì bệnh nhân sởi tăng mạnh


PV: Có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch là có ý giấu dịch, xin cho biết quan điểm của ông như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Ngay từ tháng 2-2014, các ca bệnh sởi đã ghi nhận tại một số địa phương của các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã thông báo và chỉ đạo các địa phương này triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Nhận định tình hình bệnh sởi có khả năng lan rộng đối với những trẻ chưa được tiêm phòng sởi, Bộ Y tế cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 63/63 tỉnh, thành phố để thông báo tình hình dịch và triển khai kế hoạch tiêm vaccine sởi. Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho toàn bộ trẻ em từ 9 đến 24 tháng tuổi và Kế hoạch này cũng đã được thông báo tới toàn bộ các bà mẹ có con từ 1 đến 2 tuổi.

Tuy vậy, việc khi nào công bố dịch sởi cần phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25-10-2010. Theo Quyết định, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có Sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:

1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc sự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:

a) Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả.

c) Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả.

d) Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm hoạ.

Căn cứ vào nội dung trên của Quyết định, nên nhiều địa phương sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhất là việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, các tỉnh đã đánh giá cơ bản khống chế được tình hình bệnh sởi, số trường hợp mắc đã bắt đầu giảm, đồng thời Bộ Y tế sau khi họp các chuyên gia cũng không thấy có sự biến đổi của virus sởi nên UBND các tỉnh không công bố dịch. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.