Tác hại của trái nhịp sinh học

ANTĐ - Chúng ta đều nghe nói đảo ngược nhịp thức - ngủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, nhưng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra lý do chính xác: Giấc ngủ bị gián đoạn thực sự có thể làm thay đổi gene, một cơ chế hình thành bệnh ung thư. Điều này sẽ khiến những người phải làm ca đêm cẩn trọng hơn đối với sức khỏe của chính mình.

Thức đêm làm việc nên cần có biện pháp để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Internet

Có khá nhiều nghề đòi hỏi người lao động phải làm việc trong khi phần còn lại của thế giới đang ngủ, đó là cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế, lái tàu, dịch vụ xuyên đêm, người lao động ca 3… Trong số này, nhiều người phải đấu tranh với cảm giác mệt mỏi để có đủ năng lượng vào đúng khoảng thời gian lẽ ra cần được nghỉ ngơi.

Các  nhà nghiên cứu của Đại học Surrey, nước Anh phát hiện ra rằng việc chuyển đổi giấc ngủ từ đêm sang ngày có thể phá vỡ hoạt động bình thường của khoảng 1/3 số gene trong cơ thể. Họ đã thử thiết lập lại nhịp sinh học của các đối tượng tình nguyện viên, chu kỳ giấc ngủ đáng lẽ bắt đầu từ 12h thì bị đẩy lên từ 6h30 tối. Phân tích mẫu máu hàng ngày cho phép các nhà nghiên cứu tìm ra phát hiện đáng ngạc nhiên nói trên. 

Tại sao hoạt động của gene cần phải đồng bộ với nhịp sinh học của cơ thể? Gene chi phối việc sản xuất các protein, trong đó kiểm soát hầu như tất cả tín hiệu hóa chất, nội tiết tố và chức năng sinh học trong cơ thể. Thời gian sản xuất protein rất quan trọng và phải trùng với hoạt động, hành vi tương ứng để đảm bảo hiệu suất tối ưu. Đơn giản là nhịp sinh học không chỉ kiểm soát mức độ tỉnh táo mà nó còn quy định một số quá trình sinh lý xảy ra vào điểm nhất định. Nếu giờ thức ngủ bị xáo trộn, không trùng với nhịp điệu tự nhiên của cơ thể, sẽ có quá trình sinh lý được thực hiện vào những thời điểm không nên. Ví dụ, hệ tiêu hóa sẽ không thực hiện tốt chức năng của nó khi ai đó dồn vào bữa ăn đêm thay vì ăn ban ngày khi cơ thể cần năng lượng đốt cháy cho cả ngày.

Mặc dù phạm vi nghiên cứu tương đối hẹp, liên quan đến 22 tình nguyện viên trong khoảng thời gian 3 ngày nhưng kết quả thu được có ý nghĩa quan trọng đối với những người bị gián đoạn nhịp sinh học do làm ca, đi máy bay, mang thai, hoặc thay đổi trong thói quen ngủ hàng ngày. Hiện vẫn chưa rõ tại sao thay đổi nhịp sinh học lại có thể gây ra thay đổi hoạt động của gene, do tiếp xúc với ánh sáng ban đêm hay do nhịp ngủ thức thay đổi, nhưng về lâu dài hậu quả của điều đó là góp phần gây ra các bệnh thường thấy ở những người có giấc ngủ kém. Ngoài ra, nhịp sinh học thay đổi còn tác động trực tiếp về cảm xúc và hành vi của những người này.

Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nếu phải làm việc ca đêm, mọi người nên hạn chế tối đa việc chuyển đổi lịch thường xuyên, tốt nhất chỉ làm một ca. Nếu có một ngày nghỉ, cố gắng đừng đảo ngược hoàn toàn lịch đó. Cùng với đó, liệu pháp ánh sáng là một công cụ hữu hiệu để giúp chúng ta chủ động thức – ngủ. Trước giờ làm ca đêm, có thể chợp mắt 1-2 tiếng để tăng độ tỉnh táo, uống cà phê cũng giúp làm việc tốt hơn.