Sinh thiết là gì?

(ANTĐ) - Cũng nhờ sinh thiết, bác sĩ xác định được mức độ và sự lan tràn của tổn thương để có cách điều trị thích hợp.

Sinh thiết là gì?

(ANTĐ) - Cũng nhờ sinh thiết, bác sĩ xác định được mức độ và sự lan tràn của tổn thương để có cách điều trị thích hợp.

Để xác định chẩn đoán của mình, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật sinh thiết. Họ lấy một mảnh mô hoặc cơ quan bị bệnh rồi xem chúng dưới kính hiển vi và khẳng định nguyên nhân gây bệnh!

Sinh thiết khẳng định chẩn đoán

Sinh thiết là một kỹ thuật khá phức tạp, do đó, người ta chỉ làm sinh thiết sau khi đã thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán dễ hơn (chụp X.quang, siêu âm, xét nghiệm) mà vẫn chưa khẳng định chắc chắn bệnh tật. Theo các chuyên gia thì xem mô hoặc tế bào dưới kính hiển vi bao giờ cũng cho những kết quả chẩn đoán chính xác nhất, rất hiệu quả khi xác định bản chất của một khối u: U lành hay u ác tính. Khi đã xác định nếu là u ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết các mô lân cận để xem khối u đã di căn hay chưa, từ đó có liệu pháp điều trị thích hợp.

Nghiên cứu tế bào
Nghiên cứu tế bào

Trong các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc viêm không rõ nguyên nhân, người ta cũng sử dụng kỹ thuật sinh thiết. Hoặc để xác định hiệu quả điều trị, người ta sinh thiết nhiều lần liên tiếp. Ngày nay, nhờ các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hoặc nội soi mà người ta có thể làm sinh thiết chính xác và an toàn hơn. Mặt khác, việc sử dụng các kim rất nhỏ đã giúp thầy thuốc sinh thiết được các cơ quan như tuyến nước bọt và tụy mà nếu dùng kim to sẽ rất nguy hiểm.

Các kỹ thuật sinh thiết

Có khá nhiều kỹ thuật sinh thiết hiện đang được áp dụng. Đơn giản nhất là kỹ thuật chọc sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy kim đâm qua da đi đến bộ phận bị tổn thương hoặc hoặc cơ quan bị bệnh. Loại kim được sử dụng trong kỹ thuật này phải có mũi sắc để bác sĩ cắt lấy một mảnh mô. Trong kỹ thuật sinh thiết hút, thay vì kim, bác sĩ sẽ dùng một ống thông. Với các kỹ thuật đơn giản này, bệnh nhân chỉ cần được gây tê tại chỗ.

Phổ biến nhất là kỹ thuật nội soi sinh thiết. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ đưa ống soi (đèn nội soi) vào trong cơ quan định thăm dò rồi sinh thiết thành của những cơ quan rỗng (phế quản, bàng quang, thực quản, dạ dày, đại tràng…). Kỹ thuật này gây đau và khó chịu cho người bệnh, vì thế phải được dùng thuốc an thần để giảm đau.

Đôi lúc, kỹ thuật sinh thiết được thực hiện trong ca mổ, người ta gọi là phẫu thuật sinh thiết. Trong khi mổ, bác sỹ sinh thiết cơ quan nghi vấn hoặc khối u. Thực hiện kiểu sinh thiết này khi không làm được các kỹ thuật khác (chọc hút hoặc nội soi) hoặc khi dự kiến phải cắt bỏ cơ quan khối u đó. Ngay sau sinh thiết, mảnh bệnh phẩm sẽ được xem xét dưới kính hiển vi, phẫu thuật viên chờ kết quả tại chỗ để xem có phải cắt bỏ tổn thương không, để tránh khỏi phải mổ lần thứ hai. Đây là loại sinh thiết tức thì (đọc kết quả ngay tức thì).

Ngoài ra có một loại kỹ thuật khác rất hay được sử dụng trong sinh thiết mào xương chậu, đó là sinh thiết bằng khoan chọc. Bác sĩ sẽ đâm một kim dài và dày vào trong tủy xương rồi lấy một mảnh bệnh phẩm. Người ta chỉ áp dụng kỹ thuật này khi khối u to quá không thể hút được hoặc khi phải nghiên cứu tủy xương. Kết quả xét nghiệm có được sau vài phút (sinh thiết tức thì) hoặc sau 10 ngày.

Trong một số trường hợp, để phục vụ nghiên cứu, người ta áp dụng kỹ thuật sinh thiết cắt bỏ: Tức là cắt toàn bộ tổn thương để nghiên cứu. Kỹ thuật này áp dụng nhiều trong các trường hợp u da và u vú.

Cũng như bất kỳ một kỹ thuật nào khác, làm sinh thiết vẫn có thể gây nên những biến chứng nhất định. Thậm chí trong một số trường hợp, kỹ thuật này có thể làm tổn thương một cơ quan, gây chảy máu hoặc chấn thương một mạch máu, đưa vi khuẩn vào cơ thể.                              

 Kim Chi