Những lý do nên ngừng thức khuya

ANTĐ - Đã 1 giờ sáng và mắt bạn vẫn “lướt” trên màn hình điện thoại hay máy tính. Bạn tự nhủ, có gì xấu nếu mình vẫn “nghỉ ngơi” trên giường? Hóa ra, nguy cơ là khá nhiều vì thức khuya không chỉ gây thiếu ngủ mà tác hại của việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm còn có thể vượt quá dự liệu của chúng ta. 

Gia tăng hormone căng thẳng

Một nghiên cứu được công bố năm 2012 trên tạp chí Nature cho thấy, tiếp xúc lâu với ánh sáng có liên quan đến trầm cảm cũng như tăng lượng hormone cortisol căng thẳng. Dù đây mới chỉ là nghiên cứu trên động vật nhưng Samer Hattar, Giáo sư sinh học tại Đại học Johns Hopkins cho rằng “con chuột và con người có nhiều điểm thực sự rất giống nhau”. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu trước đó ở người phát hiện thấy ánh sáng thực sự tác động đến hệ thống phản ứng trong não người.

Nguy cơ ung thư

Ánh sáng ban đêm ức chế một hormone báo cho bộ não biết khi nào là thời gian ngủ và đó là hormone có tên gọi melatonin. Trong khi các nghiên cứu vẫn chưa kết luận, có một số bằng chứng cho thấy tiếp xúc với ánh sáng ban đêm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như ung thư vú, một bài báo trên LiveScience cho biết, bởi melatonin cũng được coi một chất kiềm chế ung thư. 

Giảm khả năng làm mẹ

Nếu là phụ nữ, thức khuya nhiều có thể gây ra vấn đề về khả năng sinh sản. Một đánh giá gần đây được công bố trên tạp chí Sinh sản và Vô sinh cho thấy, ánh sáng ban đêm có thể làm giảm khả năng thụ thai khi nó ức chế việc sản xuất melatonin, mà melatonin là một nội tiết tố quan trọng giúp bảo vệ trứng khỏi những tác động của oxy hóa, nhất là trong thời kỳ trứng rụng.

Ảnh hưởng đến học hành

Với lứa tuổi thiếu niên, thức khuya nhiều có thể ảnh hưởng đến việc học tập. Những học sinh đi ngủ sau 23h30 trong năm học và sau 1h30 vào kỳ nghỉ hè thường có điểm trung bình thấp hơn và nhạy cảm hơn trong vấn đề tình cảm so với nhóm ngủ sớm hơn, theo một nghiên cứu của tạp chí Sức khỏe Vị thành niên năm 2013. Trước đó, có bằng chứng chứng tỏ tuổi “teen” thức khuya trong những ngày đến trường và ngủ bù vào cuối tuần cũng có kết quả học tập kém hơn những học sinh ngủ điều độ.

Dễ béo phì

Những người thường đi ngủ sau nửa đêm không chỉ ngủ ít hơn mà còn tiêu thụ calo nhiều hơn bình thường. Trong một khảo sát, người thức khuya và ăn nhiều sau 20h đều liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao hơn. Điều này có nghĩa, thói quen ngủ có ảnh hưởng đáng kể đến thời gian cũng như khối lượng ăn uống của chúng ta. Ngoài ra, một nghiên cứu đăng trên The Washington Post  năm 2005 cho thấy những người ngủ không đủ 7 tiếng một đêm nhiều khả năng bị béo phì hơn (dựa trên dữ liệu từ 10.000 người trong độ tuổi 

32-49).

Chất lượng giấc ngủ kém hơn

Ngủ quên bên máy tính hay tivi vẫn bật có nghĩa là ai đó đi vào giấc ngủ với ánh đèn suốt đêm, trong một nghiên cứu nhỏ vào năm 2013 thì chính ánh sáng ban đêm đó đã được chứng minh dẫn đến giấc ngủ nông hơn và dễ giật mình tỉnh giấc hơn. Bên cạnh đó, nếu bạn ngủ muộn nhưng vẫn phải thức dậy sớm để đi học hoặc đi làm thì có thể bạn luôn thiếu ngủ. Thiếu ngủ triền miên sẽ làm mọi thứ đảo lộn và về lâu dài nó sẽ tàn phá sức khỏe của bạn.