Người Việt không có cơ hội sở hữu ô tô nội địa?

ANTĐ - Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2035 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt được Bộ Công Thương tổ chức công bố ngày 26-8 có nhiều điểm nhấn. Nhưng theo ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện chiến lược - chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) thì mục tiêu của chiến lược, quy hoạch này không phải để người Việt Nam có ô tô để đi.

Cần có bước đột phá cho ngành công nghiệp ô tô

Ưu đãi sản xuất và tiêu dùng

Theo ông Dương Đình Giám, điểm nhấn của chiến lược và quy hoạch lần này là ưu tiên cho cả sản xuất và tiêu dùng, vì có ưu tiên tiêu dùng mới có thể xây dựng quy mô thị trường đủ lớn, từ đó thúc đẩy sản xuất. Giải pháp thúc đẩy sản xuất là áp dụng mức trần thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, linh kiện trong nước đã sản xuất được với điều kiện đảm bảo chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó là các ưu đãi về vay vốn, lãi suất. Đặc biệt, các chính sách này có hiệu lực tối thiểu 10 năm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Ở lĩnh vực tiêu dùng, chiến lược thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu, điều chỉnh thuế, phí theo hướng tạo điều kiện cho công nghiệp ô tô, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và người dân; Điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe 16-24 chỗ ngồi, đánh thuế thấp với xe thân thiện môi trường… Nói cách khác, xe để làm tư liệu sản xuất sẽ được ưu tiên, nhưng xe cho tiêu dùng cá nhân sẽ không nằm trong danh sách này. Xe chở người đến 9 chỗ có dung tích động cơ trên 3.0I sẽ bị áp thuế suất cao. Ông Dương Đình Giám cho hay: “Mục tiêu của chiến lược không phải người Việt Nam có xe để đi, vì như thế chỉ cần nhập khẩu là được mà mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp ô tô”.

Vào năm 2020, dự kiến xuất khẩu được 20.000 xe, năm 2025 là 37.000 xe và năm 2035 lên tới 90.000 xe. Tỷ lệ nội địa hóa cũng tăng lên trong từng thời gian cụ thể. Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, mục tiêu phát triển trong quy hoạch là “khá tham vọng”. 

Rất khó cạnh tranh

Chia sẻ quan điểm về chiến lược này, ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần ô tô Trường Hải đặt vấn đề: “Phát triển công nghiệp ô tô phải đặt yếu tố cạnh tranh lên hàng đầu, nhưng chúng ta đang cạnh tranh với ai, bằng sản phẩm gì? Trong khi Thái Lan và Indonesia đã thành lập được ngành công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa của họ đạt trên 90%, chi phí sản xuất không cao hơn các nước xuất xứ thì cạnh tranh thế nào?”. Theo lộ trình cam kết, năm 2018, xe của các nước ASEAN sẽ vào Việt Nam với thuế suất 0%. Từ giờ đến thời điểm đó còn gần 4 năm, nhưng theo các doanh nghiệp, muốn cho ra đời một chiếc xe cần ít nhất 2 năm. Trong khi đó, theo kế hoạch thực hiện của Bộ Công Thương, đến tháng 11-2014, kế hoạch thực hiện chiến lược vẫn đang được tham vấn.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Văn Hữu- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô TMT cho rằng cần có đột phá cho chiến lược. “Ví dụ, cùng sản xuất xe 4-7 chỗ nhưng trong khi các nước khác tỉ lệ nội địa hóa đã đạt 40-70%, chúng ta mới chỉ có 10%. Họ đã khấu hao máy móc xong, còn ta thì chưa. Khi xe của họ tràn vào nước ta với thuế suất 0% thì sản phẩm trong nước khó cạnh tranh, khó xuất khẩu. Vì vậy nên tìm cơ hội cho dòng xe khác chứ không nên đương đầu với sản phẩm như của họ” - ông Bùi Văn Hữu nói.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí 19-8 băn khoăn: “Thế nào là đảm bảo chất lượng, số lượng để doanh nghiệp biết mà đầu tư? Chỉ một linh kiện ô tô (nhíp) đã có nhiều tiêu chí khác nhau nên khi tham gia lắp ráp với các công ty đã quen biết thì dễ dàng, suôn sẻ, nhưng có công ty mới lại cho rằng chúng tôi làm chưa đảm bảo. Chúng tôi không có căn cứ nào để “cãi” lại”.