Ngộ độc vì ăn thịt trăn?

ANTĐ - Ngày 11-8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, bệnh viện này đang điều trị 6 trường hợp trong một gia đình ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk bị ngộ độc sau khi được cho là đã ăn bộ đồ lòng của trăn và lấy tiết trăn để uống rượu. 

Trong 6 bệnh nhân này, hiện có 4 bệnh nhân sức khỏe vẫn còn rất yếu. Được biết, trước đó gia đình có mua 1 con trăn khoảng 10kg của một người quen với giá 1,5 triệu đồng  để về xẻ thịt ăn. Sau khi ăn, không có dấu hiệu gì hết. Nhưng đến 10 ngày sau, mọi người trong gia đình lần lượt bị nôn mửa, sốt cao. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bệnh nhân khai là ăn thịt trăn và máu trăn, nhưng nhiều khả năng không phải là ăn thịt trăn, máu trăn mà là ăn phải thịt nưa và máu nưa (một loại giống như trăn, phân bố nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên).

Cũng theo bác sĩ Vinh, cách đây khoảng 2 năm cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc do ăn thịt nưa tương tự như trường hợp này. Tuy nhiên, trong trường hợp này để xác định chính xác ăn thịt trăn hay thịt nưa thì cần phải có mẫu mới xác định được. Hiện các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Con nưa là con gì?

Theo nhiều người dân Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ, con nưa là một loài trăn độc. Trăn và nưa rất giống nhau, đều thuộc họ trăn, người thường rất khó có thể phân biệt. Đối với thịt trăn hay máu trăn không có độc tố; nhưng đối với thịt nưa thì có độc tố, đặc biệt là trong bộ đồ lòng, có nhiều độc tố gây ngộ độc, thậm chí có thể gây viêm gan. Nhiều người còn cho con nưa là con vật giống như trong huyền thoại, có tới 9 đầu và 7 lỗ mũi. Có nhiều người ví con nưa như mãng xà truyền thuyết, có thể ăn thịt người và là con vật linh thiêng. Nhưng nhiều người đi rừng khẳng định, bề ngoài nưa trông chẳng khác gì trăn nhưng điểm phân biệt chính là mùi của nó rất hôi như xác chết lâu ngày, đứng xa cả chục mét vẫn nhận ra.

Sự thật hé mở

Vụ ngộ độc xảy ra ngày 22.8.2010 tại xã La nhin - Chư Pah - Gia Lai làm 23 người nhập viện với các dấu hiệu sốt cao, đau khắp cơ thể, co giật. Có 23 người tham gia ăn, dùng tiết và uống mật trăn hôm đó. Sau hơn một tuần, tất cả họ đều bị sốt cao, có người co giật, nhức mỏi cơ bắp... phải đi cấp cứu. Nhưng sau khi ra viện, theo chu kỳ, thỉnh thoảng họ lại bị sốt và đau nhức xương, mỏi cơ, sức khỏe suy kiệt. Sau hơn 3 tháng  nghiên cứu, Cục ATVSTP đã tìm ra nguyên nhân ngộ độc là do ăn phải trăn nhiễm ký sinh trùng giun móc (giun xoắn). Khi ăn thịt và tiết trăn chưa nấu chín, cả 23 người đều bị nhiễm bệnh. Về việc bệnh tái phát theo chu kỳ là do đến chu kỳ sinh sản của giun móc, loài ký sinh trùng này sẽ tiết vào máu các chất độc, khiến cơ thể nổi sẩn ngứa, nhức mỏi, sốt…

Chúng ta biết rằng trường hợp động vật, đặc biệt là loài ăn thịt và ăn tạp như heo, loài bò sát; loài gặm nhấm… sống hoang dã thường nhiễm vi khuẩn như Salmonella, lỵ amib, trùng roi, sán lá gan, giun đất, đặc biệt là bệnh giun xoắn (Trichinosis) là khá phổ biến. 

Vấn đề quan trọng về mặt y tế công cộng là không nên ăn thịt chưa nấu chín hoặc dạng làm gỏi tái, nem chạo, tiết canh… Nhân đây, xin nhắc nhở giới “bạn nhậu” không nên uống rượu có pha huyết hoặc mật của các loài động vật, vì ngoài nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, còn có thể bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm như liên cầu khuẩn (Streptococcus), Salmonella, Staphylococcus aureus, Clostridium; các loại virus...

Rất có thể con nưa gây ngộ độc là con trăn bị nhiễm ký sinh trùng nặng hoặc bị ngộ độc do ăn phải những con mồi mắc bệnh. Khi bị bệnh, con trăn hoang dã thường có những thay đổi như mệt mỏi, lờ đờ, màu sắc trên thân thay đổi, nhiều con bị lở loét làm nhiều người tưởng con vật có nhiều đầu, nhiều lỗ mũi. Chính vì bị bệnh nên con vật thường có mùi hôi thối. Cần sớm chấm dứt việc ăn thịt động vật hoang dã. Đó chính là lời khuyên của các nhà khoa học và các thầy thuốc.