Gạo hữu cơ không thể chữa được bách bệnh

ANTĐ - Trong bối cảnh ngành trồng trọt đang sử dụng phân bón quá đà, lạm dụng thuốc trừ sâu thì những sản phẩm như rau hữu cơ, gạo hữu cơ... đang thu hút người tiêu dùng. 

Thị trường đang bát nháo các loại sản phẩm hữu cơ

Gạo hữu cơ là “phương thuốc” thần kỳ?

Gạo hữu cơ là loại gạo được chứng nhận mức độ an toàn tuyệt đối, có lợi cho sức khỏe. Do vậy, giá bán các loại gạo gắn mác hữu cơ thường cao hơn các loại gạo khác trên thị trường. Tại Việt Nam, đến thời điểm này, mới có duy nhất một doanh nghiệp có chứng nhận cung cấp gạo hữu cơ, nhưng loại gạo này đã xuất hiện phổ biến trên thị trường với những lời quảng cáo có cánh. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cố tình “lập lờ”, đặt tên sản phẩm dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Bởi vậy, thị trường đang loạn sản phẩm “gạo hữu cơ”, được quảng cáo “sạch” và chữa được bệnh. Bên cạnh đó, các loại gạo khác như gạo mầm, gạo lứt, gạo thảo dược... cũng được các đại lý, người bán quảng cáo như những phương thuốc thần kỳ, khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận. Giá các loại gạo được gắn mác hữu cơ cũng loạn theo. Trong khi, giá gạo hữu cơ thực sự khoảng 70.000 đồng/kg thì giá các loại gạo ăn theo dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg. Đơn cử, một số loại gạo Đài Loan, thơm Mỹ, Jasmine, Việt Hương… được gọi chung là “gạo hữu cơ lúa tôm” (lúa được trồng tại các ao nuôi tôm). Sau khi thu hoạch hết tôm, người ta tận dụng chất thải từ phân tôm, phân trùn, rong… để trồng lúa. 

Mặc dù doanh nghiệp không giới thiệu về công dụng “thần kỳ” của gạo hữu cơ trên bao bì, nhưng qua lời giới thiệu của người bán hàng cũng như các trang bán hàng trên mạng thì đây được xem như liều thuốc chữa bệnh. Tại một cửa hàng gạo ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, người bán hàng ra sức quảng cáo, ăn gạo huyết rồng ngoài việc giúp phòng chống các bệnh về tim mạch, đường ruột thì loại gạo này còn có tác dụng  chống lại các bệnh xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Gạo hữu cơ Hoa Sữa được một số chủ cửa hàng kinh doanh quảng cáo: “Gạo có tác dụng phòng chống và hỗ trợ điều trị bệnh, như hạ chỉ số đường huyết, chỉ số mỡ máu…”, dù trên bao bì sản phẩm không hề nêu công dụng như vậy.

Không có tác dụng chữa bệnh

Dù người kinh doanh  ra sức quảng cáo nhưng chưa biết  chất lượng gạo hữu cơ, rau hữu cơ ra sao. Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để sản xuất được gạo hữu cơ đạt chuẩn, nhà sản xuất phải sử dụng vùng đất chưa bị tác động bởi bất cứ yếu tố canh tác hóa học nào. Sản phẩm ra thị trường phải đáp ứng yêu cầu không chứa các loại hormone, thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, trừ cỏ, phân bón hóa học, biến đổi gen, phẩm màu, chất bảo quản… Những yêu cầu này sẽ được tổ chức cấp chứng nhận giám sát. Hiện Bộ NN&PTNT chưa có quy chuẩn về chứng nhận hữu cơ mà chỉ có tiêu chuẩn 

VietGAP, tức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn. “Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối rao bán gạo hữu cơ là không đúng, sản phẩm của họ mới dừng ở mức độ sản xuất theo hướng hữu cơ. Đó là hành vi không trung thực với người tiêu dùng, tuy nhiên, ngành nông nghiệp rất khó xử lý vì cũng chưa có bộ tiêu chuẩn hữu cơ để áp dụng”, ông Phạm Văn Dư nhìn nhận.

Theo phân tích của các chuyên gia về nông nghiệp và công nghệ thực phẩm, những lời quảng cáo có cánh dành cho sản phẩm hữu cơ như chữa bệnh ung thư, giảm mỡ máu... là không chính xác. Bởi, ngay cả gạo hữu cơ đạt chuẩn cũng chỉ là thực phẩm, không phải là thuốc, không có công dụng chữa bệnh. Có chăng, nếu thực sự là sản phẩm sạch, sẽ giảm được một số độc tố trong sản phẩm mà thôi.