Dịch Ebola - nghiêm trọng nhưng không nên hoảng sợ

ANTĐ - Người Mỹ gọi Ebola là virus “tàn nhẫn, đau đớn, khủng khiếp”, còn Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch bệnh ở Tây Phi là trường hợp khẩn cấp quốc tế khi đã có tới hơn 1.000 người chết. Tình hình nghiêm trọng ở Tây Phi khiến cả thế giới lo lắng nhưng thực chất virus Ebola không đáng sợ đến mức khiến mọi người phải hoang mang. 


Các tình nguyện viên làm thủ tục chôn cất người chết nghi bị nhiễm virus Ebola
tại Pendebu, Sierra Leone hôm 2-8

Bệnh nhân Ebola thường sốt, người đau nhức, ói mửa, tiêu chảy, xuất huyết trong, đôi khi máu chảy từ mũi và tai. Hơn một nửa số người bị nhiễm trong đợt dịch này đã tử vong và một vài vụ dịch trước, tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Sức tàn phá khủng khiếp là vậy trong khi virus Ebola hiện giờ chưa có phương cách chữa trị.

Dịch bệnh xuất hiện ở Guinea hồi tháng 3-2014, sau đó lan sang 3 nước Tây Phi khác là Sierra Leone, Liberia và Nigeria. Ở các vùng dịch, người dân đổ lỗi cho nhân viên y tế và bác sỹ nước ngoài lan truyền dịch. 2 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Liberia và Sierra Leone đã đưa quân đến các khu vực cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh nhưng điều này cũng gây xáo trộn tâm lý. Đây là lần đầu tiên virus Ebola bùng phát ở Tây Phi – khu vực thiếu trầm trọng điều kiện về y tế, thiếu kinh nghiệm, nghèo đói lan rộng và bất ổn chính trị nên dịch bệnh khó kiểm soát khiên cho người dân càng sợ hãi và hoảng loạn.

Tuy vậy, nếu xem xét kỹ cơ chế lan truyền virus và kinh nghiệm dập dịch từ những đợt bùng phát trước, các chuyên gia y tế thế giới khẳng định, virus Ebola không đáng sợ như người ta tưởng, vì những lý do sau:

Ebola không dễ lây lan như virus cảm lạnh hay cúm. Nó chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể như máu, nước bọt, mồ hôi và nước tiểu. Do đặc thù về cơ chế lây bệnh này, không cần lo lắng thái quá về việc bị phơi nhiễm trên máy bay hoặc phương tiện công cộng khác.

Số tử vong chưa phải là lớn. Chúng ta có thể sợ bởi trong đợt dịch này, người mắc bệnh thường nhanh chóng tử vong, do đó số người chết tăng cao trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, số tử vong chưa phải là lớn. Nếu tính từ năm 1976, thời điểm đầu tiên phát hiện ra virus Ebola, đến nay đã có hơn 4.000 người mắc, trong đó hơn 2.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, riêng năm 2012 đã có 122.000 người chết vì bệnh sởi. Một so sánh khác, virus HIV- căn bệnh thế kỷ AIDS cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người châu Phi mỗi năm – gấp 1.000 lần số người chết vì dịch Ebola cho đến nay. Đó là chưa kể hàng loạt bệnh truyền nhiễm “sát thủ” khác như viêm phổi, sốt rét và tiêu chảy khiến hàng trăm nghìn người châu Phi, nhất là trẻ em tử vong mỗi năm.

Y học hiện đại biết cách ngăn chặn Ebola. Quy trình đúng đắn nhất hiện nay là tìm ra và cô lập bệnh nhân, theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với người bệnh và đảm bảo chế độ kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt trong khi chăm sóc bệnh nhân. Những đợt bùng phát dịch Ebola trước đây đều được kiểm soát bằng quy trình đó. Hiện nay, dịch tiếp tục lan rộng tại Tây Phi, bởi đây là khu vực yếu kém về y tế, dịch bệnh lây lan trong chính bệnh viện bởi các thiết bị y tế như ống tiêm, dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng đầy đủ đã đem đi tái sử dụng. Ngoài ra, hàng rào cách ly, yếu tố quan trọng nhất ở vùng dịch không được đảm bảo. Tóm lại, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất bao gồm vô trùng, cách ly và điều dưỡng, những rủi ro trong việc điều trị bệnh nhân Ebola sẽ hoàn toàn kiểm soát được.