Chuyển mùa, dịch bệnh gia tăng

ANTĐ - Vào những tháng cuối năm, một số dịch bệnh có xu hướng tăng do thời tiết chuyển mùa. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết chuyển mùa từ hạ sang thu với đặc trưng ngày nóng đêm lạnh, nên rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ.

Khoa Khám bệnh - BV Nhi Trung ương đông nghịt vào buổi sáng

Gia tăng trẻ mắc bệnh  hô hấp 

Bác sĩ Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thống kê của bệnh viện cho thấy, hiện tại, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhi đến khám. Ngày cao điểm lên đến 2.200 trường hợp. Do đang là thời điểm chuyển mùa từ hạ sang thu, thời tiết thay đổi nhanh nên số trẻ nhỏ nhập viện gia tăng so với 1, 2 tháng trước. Các bệnh thường gặp chủ yếu liên quan đến bệnh chuyển mùa như viêm đường hô hấp, viêm xoang, sốt virus, ho…. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại không tăng, thậm chí giảm chút ít. 

Tương tự, tình trạng gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến yếu tố thời tiết chuyển mùa cũng xảy ra tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, có 4 nhóm bệnh lý dễ mắc khi chuyển mùa, trong đó, nhóm bệnh lý về hô hấp là hay gặp nhất. Các bệnh nhi thường nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi,  mất giọng, niêm mạc họng đỏ, viêm phế quản… Tiếp đến là nhóm bệnh lý về dị ứng, cảm cúm, sốt, tiêu chảy cấp ở trẻ em. Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, biện pháp quan trọng là phải vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo ấm khi đi ngủ vì thời tiết thường trở lạnh vào gần sáng.

Đau mắt đỏ xuất hiện rải rác

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội,  vài tuần gần đây ghi nhận rải rác các trường hợp đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) vào khám. Ngày cao điểm có tới hàng chục bệnh nhân. Nhìn chung, tại thời điểm này, bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội chưa thành dịch, mới chỉ lây lan trong phạm vi gia đình. Tuy nhiên, bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cảnh báo, thông thường vào thời điểm chuyển mùa, nhất là mùa mưa, bệnh đau mắt đỏ thường gia tăng nên mọi người cần chú ý phòng bệnh bằng các biện pháp như: giữ gìn vệ sinh mắt sạch sẽ, khi đi đường nên đeo kính để tránh bụi, thường xuyên tra nước muối sinh lý để rửa mắt...

Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, dấu hiệu mắc bệnh sớm có thể là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bị sốt nhẹ. Đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường hô hấp và dịch tiết nên dễ lan rộng. Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ thường từ 5-10 ngày. Khi mới nhiễm virus, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Mặc dù bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực ở 20% bệnh nhân nếu điều trị không đúng cách. Do vậy, nếu gia đình có người bị đau mắt đỏ phải dùng khăn rửa mặt, chậu rửa riêng, đeo kính và khẩu trang. Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là thuốc có chứa Corticoid như: Clorocid H1%, Dexaclor... nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. 

Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm

Báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội từ ngày 18-8 đến nay cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang gia tăng nhanh. Cách đây 5 tuần, toàn thành phố chỉ ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết/ tuần thì trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24-8), số ca mắc đã tăng lên 57 trường hợp. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời điểm tháng 9 đến tháng 11 hàng năm thường là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội với số ca mắc gia tăng mạnh, vì điều kiện thời tiết cuối năm thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Do vậy, hiện tại Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế Thủ đô tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch sốt xuất huyết tại bệnh viện và cộng đồng, đặc biệt tập trung quyết liệt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại 9 xã, phường, thị trấn - là những nơi đã ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện tại, ngành y tế đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh lần 1 tại 7 ổ dịch và phun hóa chất lần 2 tại 2 ổ dịch này, về cơ bản các ổ dịch đều đã được khống chế.