Cho trẻ bị tiêu chảy ăn gì?

(ANTĐ) - Theo các nhà nhi khoa, trong tiêu chảy - đặc biệt là tiêu chảy cấp - mất nước là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong. Bởi thế, việc bổ sung nước, điện giải kịp thời và chế độ ăn là điều kiện tiên quyết giúp trẻ có thể chống đỡ được căn bệnh nguy hiểm này.

Cho trẻ bị tiêu chảy ăn gì?

* Khi một người bị tiêu chảy cấp, ngoài việc điều trị tích cực thì cách ăn uống đôi khi lại là yếu tố quyết định để đẩy lui bệnh.

(ANTĐ) - Theo các nhà nhi khoa, trong tiêu chảy - đặc biệt là tiêu chảy cấp - mất nước là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong. Bởi thế, việc bổ sung nước, điện giải kịp thời và chế độ ăn là điều kiện tiên quyết giúp trẻ có thể chống đỡ được căn bệnh nguy hiểm này.

Nhịn để “ruột được nghỉ”?

Rất nhiều bà mẹ cho rằng trẻ bị tiêu chảy tức là hệ tiêu hóa “có vấn đề”. Vì thế họ cho trẻ ăn ít, hoặc nhịn để “ruột được nghỉ ngơi”, mau chóng phục hồi. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Khi bị tiêu chảy, trẻ vẫn phải được ăn uống như bình thường.

Nếu trẻ đang bú thì vẫn phải duy trì cho con bú, vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ lúc này, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, lại có nhiều kháng thể và yếu tố bifidus - chất rất cần để lập lại cân bằng vi khuẩn trong ruột.

Nhiều người cho rằng, sữa sẽ làm “bụng trẻ óc ách” nên dừng cho con bú trong thời điểm trẻ đang tiêu chảy; hoặc bản thân người mẹ không dám ăn uống gì (chỉ ăn cơm với muối) để “sữa lành” - đó là những tập quán sai lầm, ảnh hưởng đến việc tiết sữa của người mẹ.

Họ không biết rằng, bú mẹ là cách giúp trẻ giảm nguy cơ mất nước do tiêu chảy, vì thế nên cho trẻ bú theo nhu cầu, và tăng số lần bú càng nhiều càng tốt.

Chớ nên coi thường khi trẻ bị tiêu chảy (ảnh: vnn)
Chớ nên coi thường khi trẻ bị tiêu chảy (ảnh: vnn)

Không ăn đồ chua vì “bào mòn ruột”?

Với những trẻ đang dùng chế độ sữa ngoài, sữa bò hoặc sữa đậu nành thì vẫn nên duy trì trong thời gian bị tiêu chảy. Nhưng sẽ có một số ít bé không tiêu hóa được đường lactose trong sữa bò hoặc protein của sữa đậu nành. Khoảng 30 phút sau khi ăn, trẻ quấy khóc, bị nôn và tiêu chảy tăng lên.

Khi gặp trường hợp như thế, bạn có thể pha sữa bằng nước cơm để làm giảm nồng độ lactose có trong sữa. Cũng có thể lên men sữa thành sữa chua. Hãy từ bỏ suy nghĩ cho rằng, khi bị tiêu chảy, trẻ không nên ăn đồ chua sẽ bị “bào mòn ruột” gây tiêu chảy nặng hơn.

Đã có nhiều nghiên cứu cho rằng, ăn sữa chua trong thời gian bị tiêu chảy có thể làm giảm thời gian mắc bệnh cũng như độ nặng của bệnh, bởi quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose sang dạng cơ thể dễ hấp thu hơn.

Thêm vào đó, trong sữa chua có một số chủng vi khuẩn sinh acid lactic như Lactobacilus, Bifidobacteia... có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Kiêng đồ tanh vì khó tiêu?

Khi bị tiêu chảy, trẻ thường mệt mỏi và chán ăn. để trẻ hào hứng “hấp thụ”, có thể nghiền thức ăn nhỏ và nấu thức ăn hơi loãng so với thường ngày. Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ các chất dinh dưỡng hơn bình thường: Tinh bột (gạo, khoai tây, khoai lang); chất đạm (thịt, cá, trứng); vitamin và muối khoáng (rau xanh và quả chín); chất béo (dầu, mỡ, lạc vừng)...

Có một số bà mẹ cho rằng, cần phải kiêng đồ tanh vì rất khó tiêu nên tuyệt nhiên không cho con ăn dầu mỡ, tôm cá… Họ không biết rằng, những thực phẩm đó chứa rất nhiều    vitamin A (hoặc tiền vitamin A), kẽm, protein, lipid v.v... là những chất rất cần thiết để tái tạo lại niêm mạc đường tiêu hóa và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Tuyệt đối không cho trẻ bị tiêu chảy dùng các loại thức ăn có nhiều đường hoặc nước giải khát công nghiệp vì chúng có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng thêm.

Phương Dung