Kinh dị những dòng sông chết

ANTĐ - Tại Trung Quốc, hiện tượng sông, hồ biến đổi màu sắc bất thường đã không còn quá xa lạ với cư dân bản địa. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do hành vi xả thải ô nhiễm từ các nhà máy, khu công nghiệp.

Ngày 10-4 vừa qua, cư dân của Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, đổ xô đi mua nước đóng chai, vơ vét sạch cả rượu, bia, sữa đóng hộp, sau khi chính quyền địa phương thông báo hàm lượng benzen trong nguồn nước máy vượt quá mức cho phép. Kết quả kiểm tra nguồn nước ô nhiễm chứa tới 200 microgram benzen/lít, trong khi giới hạn cho phép là 10 microgram/lít. Được biết, việc tiếp xúc với benzen sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư.

Theo Tân Hoa Xã, một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) được cho là có trách nhiệm trong vụ việc này, sau khi một đường ống dẫn dầu của công ty được phát hiện bị rò rỉ dầu thô vào nguồn nước của nhà máy nước địa phương. “Hiện, Lan Châu đã đóng cửa đường ống cấp nước bị ô nhiễm và sử dụng than hoạt tính để hấp thụ benzen”, chính quyền địa phương thông báo. 

Việc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do hóa chất thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc. Sau đây là một số con sông đã bị hóa chất  “đầu độc” điển hình ở nước này.

Nước sông đen do loạn xả nước thải sinh hoạt

“Đen như mực”

Đó là lời miêu tả của người dân ở thị trấn Thạch Kiều Đầu, thị xã Ôn Lĩnh, thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, về con sông Đông Lộ Hoành Hà chảy qua địa phương. Thậm chí một số cư dân còn đặt tên cho nó là “Sông mực”. Theo kết quả từ cơ quan bảo vệ môi trường địa phương, độ PH của nước sông bình thường, không chứa axit, tuy nhiên các chỉ số về chất hóa học như  ammonia, photpho lại vượt quá tiêu chuẩn. Nồng độ ammonia của sông Hoành Hà cao gấp gần 100 lần tiêu chuẩn dành cho loại nước bị ô nhiễm nhất.

Thạch Kiều Đầu có 27 thôn, sông Hoành Hà dài 5,85km chảy xuyên qua trị trấn này. Đoạn sông Hoành Hà chảy qua đây rộng hơn 10m, trên mặt sông nổi đầy váng dầu, rác thải và bốc mùi hôi thối. Theo nhân viên thuộc cơ quan môi trường địa phương, nước sông Hoành Hà biến đổi màu sắc là do loạn xả nước thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt do hàm lượng ammonia quá cao nên dẫn đến hiện tượng phú dưỡng (một phản ứng của hệ sinh thái khi quá nhiều chất dinh dưỡng từ các loại phân bón hoặc nước cống thải vào môi trường nước), dẫn đến nước sông biến màu đen và bốc mùi. Được biết, Thạch Kiều Đầu là một thị trấn nông nghiệp lớn, các điểm chăn nuôi, chế biến tẩm ướp khá nhiều, trong khi không hề có phương pháp xử lý nước thải hiệu quả. 

Kinh dị những dòng sông chết ảnh 2
Sau một đêm, nước sông bỗng đỏ như máu

Kinh hoàng “sông máu”

Người dân sống ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, được phen kinh hoàng khi phát hiện nước sông Giản Hà chảy qua nơi ở của họ bỗng dưng biến thành màu đỏ như máu chỉ sau một đêm. Dưới ánh sáng phản chiếu của mặt trời, dòng sông đỏ rực đến chói mắt. Theo quan sát của phóng viên báo địa phương, dòng nước màu đỏ tuôn ra từ một đường ống nước ngầm, sau đó đi qua một máng dốc bằng xi măng dài khoảng 150m, rồi nhập vào dòng chảy của Giản Hà. “Hôm qua dòng sông vẫn bình thường, không hiểu sao chỉ 1 ngày đã biến màu” - một người dân than phiền.

Sau khi nhận được phản ánh, Sở Bảo vệ môi trường thành phố Lạc Dương đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Nguyên nhân được xác định do đầu nguồn của Giản Hà – khu vực thị xã Hồng Sơn, quận Tây Công, có một xưởng thu mua phế liệu. Công nhân của xưởng này thừa nhận, sau khi thu mua được 1 xe ô tô túi nhựa màu đỏ, họ đã đem rửa chúng tại hồ, rồi xả trực tiếp nước thải vào mạng lưới đường ống thoát nước mưa, khiến nước thải không qua xử lý nhập vào dòng chảy của sông. Các mẫu thử cho thấy, nước sông màu đỏ không chứa bất kỳ kim loại nặng hay vật chất có độc tố, hữu cơ nào. Tuy nhiên nồng độ màu cùa nước sông bị ô nhiễm lên tới 500, cao hơn 10 lần so với tiêu chuẩn 50 để kiểm soát nồng độ màu của nước sông ô nhiễm. Hiện nước sông đã trở lại màu bình thường, nhưng người dân sống xung quanh dòng Giản Hà cho biết nước sông thường xuyên đổi màu do ô nhiễm và rác thải.

Kinh dị những dòng sông chết ảnh 3
Bột nhũ đá “đầu độc” nước sông thành trắng sữa

Nước sông biến thành “sữa”

Cuối năm 2012, dòng sông tại thành phố Chiêu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc) bỗng nhiên chuyển màu trắng đục. Sự việc gây hoảng hốt cho người dân và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của họ. Khúc sông này chảy qua khu vực dân cư đông đúc, nhiều người thường ra đây tắm, giặt. Sau điều tra đã phát hiện, sự biến màu của dòng nước là do các xưởng cắt đá trong vùng không những xả bột nhũ đá ra sông mà còn trực tiếp tẩy rửa đá cắt trong dòng nước. 

Trước đó, một khúc sông Cù Khê, ở thành phố Ôn Châu, Trung Quốc cũng có màu trắng như sữa. Đoạn sông bị ô nhiễm này kéo dài 2km. Cơ quan quản lý môi trường địa phương cho biết, nguyên nhân do một công ty sản xuất mủ cao su đã trực tiếp xả thải 200kg chất tạo nhũ tự nhiên xuống sông. May mắn là chất thải không chứa hóa chất độc hại và có nguồn gốc tự nhiên.

Xanh ngọc do phèn chua 

Nhiều người dân sống ở quận Từ Hối, thành phố Thượng Hải, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện nước sông chảy qua cảng Xuân Thân có màu xanh ngọc. Thậm chí, một số cư dân trên các diễn đàn mạng còn cho biết, đoạn sông chảy qua cảng Xuân Thân không chỉ có màu xanh ngọc, mà từng biến đổi thành nhiều màu như vàng, trắng sữa, đen...

Trước sự biến màu xanh ngọc của khúc sông, cơ quan chức năng đã điều tra và xác định được nguyên nhân do hoạt động xả thải từ nhà máy nước Trường Kiều gần đó. Người đại diện nhà máy nước Trường Kiều giải thích, trong quá trình xử lý nguồn nước ban đầu, nhà máy này đã cho quá nhiều phèn chua, khiến nước thải sản xuất từ nhà máy có nhiều chất dư thừa của phèn hơn bình thường. Sau khi nhập vào đoạn sông ở cảng Xuân Thân, các thành phần hóa chất theo nước thải này đã gây kết tủa hạt trôi nổi, khiến nước sông có màu xanh, hiện tượng này gần giống quá trình lọc nước tại hồ bơi.