Nghệ thuật “làm giá”

ANTĐ - Một “ngôi sao” như Công Vinh dù đang trong thời kỳ ổn định phong độ hay không cũng luôn biết cách khiến giá trị của mình trên thị trường đứng vững.

Ảnh: Quang Thắng

Hai ngày nữa, hợp đồng của Công Vinh và CLB chủ quản SLNA sẽ chính thức hết hạn (10-8). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tương lai của tiền đạo xứ Nghệ vẫn chưa thể xác định được, do các bên liên quan còn dùng dằng bởi nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là tiền. Công Vinh nhiều lần khẳng định anh muốn kết thúc sự nghiệp cầu thủ của mình tại chính nơi anh được sinh ra và trưởng thành. Tuy nhiên, Công Vinh đã đưa ra một đề nghị mà chính đội bóng xứ Nghệ cũng khó lòng đáp ứng được ở thời điểm này: hợp đồng 3 năm cùng mức lót tay 3 tỷ đồng/năm, tổng cộng khoảng gần 10 tỷ đồng. Nó thực sự quá sức với SLNA vì họ chỉ có 30 tỷ đồng để nuôi bộ máy cồng kềnh của cả đội trong năm 2015 tới.

Trong thương vụ này, ở góc độ nào đó, SLNA là nạn nhân, bởi trước đó, Bình Dương đã tuyên bố bỏ hẳn 7 tỷ đồng để sở hữu chân sút từng có quãng thời gian thi đấu ở J-League 2 này. Công Vinh từng nói: “Ưu tiên số 1 của tôi là tiếp tục cống hiến cho SLNA. Nếu Sông Lam không cần, tôi mới tính tới những lời đề nghị khác. Và dù ký với CLB nào, đây cũng là bản hợp đồng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của tôi, vì tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”. Là hợp đồng cuối cùng, nên Công Vinh có lẽ cũng muốn kiếm một “mẻ lớn” trước khi tính đến chuyện treo giày và chuyển qua một công việc khác.

Thực ra, câu chuyện về giá của Công Vinh đã trở thành đề tài “nóng” từ cách đây 6 năm, khi tiền đạo này gia nhập T&T Hà Nội với khoản tiền kỉ lục 7 tỷ đồng (3 năm) cùng mức lương không dưới 40 triệu đồng/tháng. Nhiều người cho rằng đó là cái giá quá cao với một cầu thủ Đông Nam Á, nhưng các ông “bầu” chẳng quan tâm đến điều đó. Họ vẫn vung tiền quá trán, đẩy giá trị cầu thủ lên giời. 

Trước mùa giải 2012, khi hợp đồng giữa Công Vinh và Hà Nội T&T sắp đáo hạn, tiền đạo xứ Nghệ một lần nữa là mục tiêu săn đón của hàng loạt CLB lớn ở V-League, và thậm chí là 2 CLB nước ngoài là Muang Thong United (Thái Lan), Slavia Prague (CH Czech). Tuy nhiên, Công Vinh đã quyết định tiếp tục gắn bó với Hà Nội T&T thêm 3 năm nữa, với khoản phí được giữ  bí mật. Trả lời báo chí thời điểm đó, Công Vinh khẳng định: “Sự nghiệp cầu thủ rất ngắn ngủi, tôi muốn có nhiều cơ hội giành mọi danh hiệu, còn tiền bạc chỉ là vấn đề phụ”. Nhưng một lần nữa bất ngờ đã xảy ra, Công Vinh “lật kèo” vào phút chót khi từ chối tái ký hợp đồng với HN T&T để chuyển sang đầu quân cho CLB Hà Nội. Nghe nói, 12 tỷ đồng là con số để Công Vinh gật đầu chuyển sang khoác áo đội bóng đối nghịch với CLB cũ của anh. Đó là một con số “khủng”, phá mọi kỷ lục chuyển nhượng trước đó do chính Công Vinh tạo ra. 

Sau khi CLB Hà Nội giải thể, Công Vinh được SLNA cưu mang với giá “bèo” là 2 tỷ/2 năm. Nhưng chỉ một thời gian sau, nhất là sau khi khoác áo Sapporo ở J-League 2, giá trị của Công Vinh lại tăng trở lại, để đến thời điểm này, vẫn ổn định ở mức như khi anh dứt áo SLNA ra đi 6 năm về trước.