Làng nhàng “Vàng”... non

ANTĐ - Trước giờ trao giải Cánh Diều Vàng diễn ra tối 15-3, thông tin về việc bộ phim “Thần tượng” đại thắng đã bị rò rỉ. Việc đại đa số thành viên trong êkip thực hiện bộ phim này kéo nhau từ TP.HCM ra dự giải, đông áp đảo so với các đoàn làm phim khác đã củng cố thêm tính xác thực của tin đồn trên.

Đoàn làm phim “Thần tượng” vỡ òa trong niềm vui đại thắng

“Chín” ép?

Dù tin đồn là vậy nhưng nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi bộ phim điện ảnh đầu tay của một ông chủ phòng trà ca nhạc lấn sân sang làm đạo diễn lại bất ngờ chiếm gần hết các hạng mục giải thưởng quan trọng, từ Cánh Diều Vàng dành cho phim đến giải đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đạo diễn NSND Vinh Sơn – chủ khảo hạng mục phim điện ảnh tiết lộ “Thần tượng” có số điểm nằm trong khung giải Vàng (từ 9 đến 10 điểm). Vị chủ khảo cũng quả quyết hội đồng “cầm cân nảy mực” thống nhất cao khi trao Diều Vàng cho “ Thần tượng”, thậm chí có giám khảo còn chấm cho bộ phim này điểm tối đa. Dù vậy nhiều ý kiến cho rằng việc trao Diều Vàng cho “Thần tượng” xem ra hơi gượng.

So với 11 phim giải trí còn lại tranh giải Cánh Diều Vàng năm nay, bộ phim này đúng là có “nhỉnh” hơn về mọi thứ, từ cách kể, cách quay, cách diễn đến cách lấy cảm xúc người xem song đây lại chưa phải là một bộ phim thật sự xuất sắc. Bỏ qua những điểm dễ nhận thấy như đề tài không mới, ít kịch tính… thì bộ phim đầu tay của đạo diễn Quang Huy mang dáng dấp của một video clip ca nhạc nhiều hơn chất điện ảnh cần có ở một bộ phim. Đành rằng “Vàng năm nay khác Vàng năm trước”, nhưng nếu theo quan điểm “đáng Vàng thì mới cho Vàng” mà mùa giải nào những người nhận trọng trách ngồi “ghế nóng” cũng hăng hái quả quyết thì Diều Vàng dành cho “Thần tượng” chẳng khác nào “chín” ép. 

“Một mình một mâm”…

Dù từng đại thắng tại Liên hoan phim Quốc gia khép lại cách đây vài tháng song “Những người viết huyền thoại” – bộ phim Nhà nước duy nhất góp mặt tại Cánh Diều Vàng năm nay lại thất bại thảm hại. Bộ phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được miễn cưỡng trao giải đặc biệt dành cho phim truyện điện ảnh phản ánh xuất sắc đề tài chiến tranh Cách mạng. Dĩ nhiên giải này không nằm trong cơ cấu ban đầu mà đến phút chót mới “phát sinh”. NSND Vinh Sơn thẳng thắn nhận xét tay nghề “bếp núc” của Bùi Tuấn Dũng trong bộ phim này còn nhiều chỗ lủng củng, cộng thêm việc bộ phim có đề tài khác hẳn so với các bộ phim dự thi thuộc dòng giải trí còn lại nên ông đã chủ động đề xuất để “Những người viết huyền thoại” nằm “một mình một mâm” cho… dễ chấm.

Vị chủ khảo của hạng mục phim điện ảnh cũng úp mở rằng lẽ ra Ban giám khảo có thể chọn giải pháp thỏa hiệp để “tất cả đều vui”, chẳng hạn như để trống giải Vàng, chia đều 2 giải Bạc cho 2 phim thuộc 2 dòng khác nhau (chỉ “Những người viết huyền thoại” và “Thần tượng” - PV) nhưng đó sẽ là một kết quả có tính chất đối phó. Và ông cũng như các vị giám khảo còn lại đã thống nhất phải thoát ra khỏi sự đối phó đó, thoát ra khỏi những lấn cấn đã trở thành lối mòn. Và việc không trao Diều Vàng, thậm chí Diều Bạc cho “Những người viết huyền thoại” mà trao giải đặc biệt “phát sinh” trên được vị đạo diễn gạo cội lý giải rằng đó là một sự tôn vinh hết sức đặc biệt, hoàn toàn không đối phó, không thỏa hiệp.

Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất là bộ phim này thậm chí còn không có nổi một đề cử trong các hạng mục nam/nữ diễn viên chính/phụ mặc dù trước đó cặp diễn viên chính trong phim “Những người viết huyền thoại” là Trương Minh Quốc Thái và  Tăng Bảo Quyên từng được vinh danh nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại “Liên hoan phim Quốc gia 2013”. NSND Vinh Sơn khẳng định việc không đề cử hai diễn viên này là đúng bởi diễn xuất của cả hai vào loại khá nhưng chưa ngang bằng với diễn viên trong các bộ phim khác. Lý giải này lập tức vấp phải sự không đồng tình của nhiều người. Bởi nếu nói về mặt diễn xuất thì nhiều diễn viên có trong đề cử còn kém cạnh hơn cả về diễn xuất lẫn đất diễn, điển hình là Bình Minh trong “Cô dâu đại chiến”.

Mỏi cổ chờ MC… thay váy!

Lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm nay lần đầu tiên không được truyền hình trực tiếp mà ghi hình phát lại sau. Cũng bởi vậy mà lần đầu tiên trong lịch sử Diều Vàng có lễ trao giải kéo dài đến gần sáng hôm sau. Ngoại trừ màn tôn vinh tưởng nhớ cố đạo diễn NSND Phạm Anh Khoa về những đóng góp to lớn của ông cho nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, trong đó NSƯT Bùi Cường có thời gian kể với khán giả những kỷ niệm xúc động về vị cố đạo diễn tài ba, thì các màn trao giải kéo dài rườm rà khiến người xem sốt ruột đến phát bực.

Kế hoạch khép lại vào 22h30 của Hội Điện ảnh Việt Nam bị phá sản chỉ vì nhiều nghệ sĩ mắc “bệnh” nói nhiều khi đứng trên sân khấu. Không chỉ những người lên nhận giải mà cả MC lẫn người trao giải đều mắc phải “bệnh” này. Như việc ca sĩ Phương Thanh kể lể chán chê về việc cô từng bị đánh trượt khi thi làm diễn viên thế nào, đã có duyên quay lại với niềm đam mê này ra sao rồi mới bóc niêm phong chỉ để công bố một giải thưởng phụ. Thậm chí có đoạn sân khấu bị “chết” mất vài phút, khán giả ngồi dưới phải đợi mỏi cổ chỉ vì nữ MC Thùy Linh vào sau cánh gà…thay váy áo chưa xong. Không chỉ vậy, không gian lễ trao giải  tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội được tối giản đến tuềnh toàng. Một chiếc thảm đỏ dính băng dính chằng chịt được trải ngoài lối dẫn vào sảnh chính, các nghệ sĩ chen chúc xếp hàng chờ chụp ảnh trước tấm panô dựng trước cửa soát vé… khiến lễ trao giải càng trở nên nhộn nhạo.